Tháng 7 tri ân: Chuyện lạ trong chuyến đi tìm phần mộ em trai

Em trai tôi, liệt sỹ Dương Xuân Việt đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, cho đến tận bây giờ gia đình tôi vẫn chưa tìm thấy phần mộ, vẫn không biết em hy sinh ngày tháng nào, vì trong giấy báo tử gửi về cho gia đình cũng chỉ ghi: Liệt sỹ Dương Xuân Việt đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 cùng với tấm huân chương, bởi vậy cứ đến ngày thương binh liệt sỹ 27/7 hàng năm gia đình tôi coi như là ngày giỗ của em.

Trong nhiều chuyến đi tìm phần mộ em tôi, tôi nhớ mãi chuyến đi Quảng Trị, bằng tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ, có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc bấy giờ cùng nhiều nhà báo, nhà văn, nhà thơ.

Vợ chồng tôi, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng một khoang tàu. Trần Đăng Khoa nằm giường trên, nhà văn Chu Lai nằm giường dưới, vợ chồng tôi nằm hai giường bên cạnh.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các văn nghệ sĩ trong chuyến vào Quảng Trị.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các văn nghệ sĩ trong chuyến vào Quảng Trị.

Chúng tôi vừa đặt hành lý xuống, kéo rèm cửa sổ, thì Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến: “Xin chào các nhà thơ, nhà văn, chào nhà văn Ăn mày dĩ vãng”. Chủ tịch thân tình ôm lấy Chu Lai.

Sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt tay chúng tôi trở về khoang tàu của mình, Trần Đăng Khoa say sưa kể chuyện Nghĩa trang Trường Sơn. Chuyện Khoa kể thật ly kỳ… Chuyện một người gác cổng nghĩa trang vào những đêm trăng sáng đã nghe được tiếng bước chân rầm rập của những người lính trẻ, nghe tiếng nói cười, tiếng hát cất lên…giữa nghĩa trang vắng lặng không một bóng người…

Đêm ấy, tôi chẳng thể nào ngủ được. Có lẽ vì đã lâu, hơn 20 năm nay tôi mới đi tàu Thống Nhất. Cũng có thể do mùi thuốc lào. Chu Lai mang theo điếu cày, tuy mỗi lần hút, anh đi ra khỏi khoang nằm, nhưng mùi thuốc lào vẫn quyện vào đâu đó. Cũng có thể do tiếng ngáy của nhà văn “ăn mày dĩ vãng” hay những câu chuyện linh thiêng mà Khoa kể về những linh hồn bất tử?!.

Chân dung liệt sĩ Dương Xuân Việt.

Chân dung liệt sĩ Dương Xuân Việt.

Độ 3 giờ sáng, tôi lặng lẽ ngồi dậy, kéo cửa, đi ra hành lang con tàu. Con tàu đã đi vào địa giới tỉnh Quảng Trị. Thật lạ lùng, tôi như nghe thấy tiếng những người lính trẻ đang hát, đang hò trong đêm khi tàu đi qua những vùng đất mà trước đây là những cứ điểm mịt mù khói lửa. Hệt như câu chuyện mà Trần Đăng Khoa kể! Trong màn đêm, tôi cố tìm những đốm sáng nhỏ phía ngoài con tàu để hình dung về những miền đất mình đã đi qua. Những năm chiến tranh, tôi cũng là người lính. Một sỹ quan điều khiển tên lửa thuộc Tiểu đoàn 61 Đoàn tên lửa Sông Đà.

Đột nhiên, loang loáng ngoài cửa sổ con tàu như có bóng người đang vẫy theo…Tôi bỗng nhớ về hình ảnh đứa em trai mình, Dương Xuân Việt. Mới 17 tuổi , chưa đủ tuổi tòng quân, Việt ra sau vườn hái một cái gai mây chọc vào đầu ngón tay mình để lấy máu viết một lá đơn tình nguyện vào bộ đội. Tình nguyện vào chiến trường. Tình nguyện hiến đời mình cho Tổ quốc. Em trai tôi, Dương Xuân Việt, đã ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị khi bước vào tuổi hai mươi…

Cho đến bây giờ, nhiều khi, tôi vẫn nghĩ em vẫn còn sống, còn ở đâu đó trên đất nước mình, nhất là vào những ngày lễ lớn, bởi vì phần mộ em cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa tìm thấy.

Chúng tôi vào dâng hương ở nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9. Hàng vạn liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Tôi nghĩ tới một câu thơ của Nguyễn Hữu Quý “Chân hương nhiều như đồng đội ngày xưa”. Tôi tìm đến khu mộ của chiến sỹ chưa xác định được tên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đang thắp hương ở đó. Khói hương trầm mặc giữa buổi trưa nóng bỏng gió Lào.

Tại Thành cổ, Chủ tịch nước thỉnh chuông. Đặt vòng hoa và dâng hương tại Đài tưởng niệm, nhiều người rưng rưng nước mắt.

Từ Thành cổ, chúng tôi đi bộ ra bờ sông Thạch Hãn. Nắng như đổ lửa. Một mảng bè được ghép cạnh bờ sông. Tôi nhớ có lần nhà báo Đinh Thế Huynh kể cho tôi nghe chuyện của anh (lúc đó anh là Tổng Biên tập báo Nhân Dân) vốn là những người lính đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị cùng lãnh đạo Ngân hàng Công thương vào dâng quả chuông đồng cho tháp chuông Thành cổ. Khi ra thả hoa ở bờ sông Thạch Hãn, mảng bè rung lắc , mấy người bị té xuống nước. Kể xong câu chuyện, nhà báo Đinh Thế Huynh bảo tôi: “Anh biết không, cánh lính trẻ nó đùa ấy mà”! Cánh lính trẻ, chính là hương hồn những người lính trẻ đã hy sinh ở Quảng Trị năm 1972, trong đó có cả cậu em trai tôi Dương Xuân Việt chăng!

Tôi bỗng nhớ đến bốn câu thơ của cựu binh Lê Bá Dương mà nhiều người đã thuộc lòng:

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…

Vợ chồng tôi bước chân lên mảng bè ghép tạm. Chông chênh. Chừng ấy con người trên tấm bè đơn sơ làm sao chịu nổi!

Chiếc bè tròng trành ngỡ như sắp chìm xuống dòng sông dưới sức nặng của hàng trăm con người. Có lẽ, linh hồn những người lính trẻ đã đỡ cho tấm bè vững chãi, mà không chọc ghẹo hất mọi người xuống nước như nhà báo Đinh Thế Huynh đã kể, vì hôm nay có Chủ tịch nước trong buổi lễ nghiêm trang và thành kính.

Chợt nảy ra ý nghĩ, em trai tôi đang nằm dưới dòng sông này chăng? Tôi bứt mấy cánh hoa Huệ thả xuống. Những bông Huệ trắng trinh nguyên phút chốc chìm vào sông nước… Tôi đứng lặng người…

Còn vợ tôi quay đi lau nước mắt.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị lúc đó báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết những việc làm tình nghĩa của cả nước với Quảng Trị. Hiện Quảng Trị có 72 nghĩa trang với trên 6 vạn liệt sỹ đã được quy tập. Nghĩa trang làng, nghĩa trang xã ở đây cũng mang ý nghĩa cả nước, bởi vì, nơi đây đã diễn ra cuộc đối đầu lịch sử khốc liệt giữa quân dân ta với các thế lực đế quốc, thực dân.

Suốt một đêm không ngủ và một ngày đi thắp hương tưởng niệm dưới cái nắng hè của miền Trung, khi lên tàu trở về Hà Nội, Trần Đăng Khoa bảo tôi: “Ông khỏe đấy, có lẽ nhờ cậu em phù hộ. Tôi cũng thấy lạ!

Mới đây, vợ chồng tôi cùng đứa cháu nội vào thăm và ăn cơm với gia đình nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại nhà vườn của ông ở Bình Dương, ông hỏi vợ chồng tôi đã tìm được mộ cậu em trai chưa?

Tôi đã nhiều lần vào Quảng Trị, vào miền Trung nhờ bạn bè tìm mộ người em trai, nhưng mấy chục năm qua vẫn chưa tìm được. Càng đi tôi càng hiểu nghĩa tình của người dân đối với các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Và trong tôi bỗng ngân lên những câu thơ, trong bài thơ tôi đã viết về người em trai mình:

Mười bảy tuổi em lên đường/Chưa hề nắm tay một người con gái/Lá đơn tình nguyện em viết bằng máu của chính mình chích từ đầu ngón tay/Những ngón tay gầy, đen đúa/Buổi tối em đi ngủ xoa xoa bàn chân trần vào nùm rơm/Bát cơm trộn khoai em xẻ cho anh một nửa/Mẹ mất sớm/Ba anh em mình như ba chân kiềng tựa vào nhau/Trước gió bão cuộc đời trôi dạt/Giờ em nằm nơi đâu trong đất lành Tổ quốc/Anh đi tìm phần mộ em suốt mấy chục năm trời/Anh đi tìm nắm đất- cuộc đời em chỉ gặp toàn kỷ niệm/Đứa em trai hay cười/Năm hạn hán mất mùa/Em kéo cày cho anh cày ruộng/Đêm đập lúa hò khoan/Trưa tắm sông em làm con rái cá/Ngụp lặn trong dòng nước phù sa đục ngầu/Tháng ba mưa rào sấm ran đồng lúa/Anh em mình đi bắt cá rô ron…/Giờ em nằm nơi đâu ở nghĩa trang Trường Sơn/Ở thành cổ Quảng Trị/Gió Lào thổi héo cỏ cây/Thổi rát mặt người, bụi mù đất đỏ/Anh bỗng nhận ra rằng/Em như muôn vàn người lính vô danh/Đến nắm đất- đời mình cũng không để lại/Đứa em trai hay cười/Để bây giờ anh đọc câu thơ của người xưa mà trào nước mắt

CỔ LAI CHINH CHIẾN KỶ NHÂN HỒI*/( Xưa nay ra trận mấy ai về )…

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn

Dương Xuân Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thang-7-tri-an-chuyen-la-trong-chuyen-di-tim-phan-mo-em-trai-post1554666.tpo