Tháng đồng đội tìm về với nhau

Đã tự bao giờ, tháng Bảy trở thành tháng đền ơn của dân tộc. Đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc hơn lúc nào hết đã thấm đẫm trong từng hoạt động cho dù thật nhỏ. Tháng Bảy là tháng để những người đồng đội tìm về với nhau, những mái đầu bạc trắng kề nhau, hàn huyên chuyện cũ của một thời máu lửa. Tháng của những người đồng đội may mắn đi qua cuộc chiến tranh, quay về thắp nén nhang cho những người đồng đội đã ngã xuống. Ai đã từng một lần được coi những hình ảnh nhạc sĩ Trương Quý Hải ôm đàn ghi-ta hát nghẹn ngào bài hát của chính ông Về đây đồng đội ơi giữa Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang không khỏi rưng rưng: Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi tuổi hai mươi; về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười; bạn bè, người thân đồng đội ôm nhau nước mắt chan hòa…

Đồng đội tìm về với nhau ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Đồng đội tìm về với nhau ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Tôi đã có nhiều dịp chạy xe dọc theo dặm dài đất nước. Suốt dọc đường thiên lý ấy, địa phận tỉnh, thành nào cũng có những nghĩa trang liệt sĩ nằm kề bên đường, nghĩa trang liệt sĩ của huyện, của xã... Những người lính khi còn sống nghiêm chỉnh trong đội hình, khi nằm xuống vẫn ngay ngắn hàng ngũ. Tất cả chìm mờ trong khói hương thiêng liêng mà ấm áp. Có nhìn thấy vậy để mà cảm nhận được rằng đất nước này, mỗi tấc đất đều thấm máu cha ông.

Nhớ có lần đi công tác Quảng Trị, đoàn chúng tôi lên thắp nhang trên đài hương giữa thành cổ. Nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ xong, vừa xuống đến chân đài, cả bình hương bỗng hóa rừng rực. Rồi cả đoàn lặng lẽ ra bến thả hoa ven bờ Thạch Hãn, lặng lẽ ngắm nhìn bia đá khắc 4 câu thơ đã trở nên bất tử của cựu chiến binh Lê Bá Dương: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ…”. Không hiểu sao, trời đang nóng hầm hập bỗng nổi cơn giông khiến đất trời mù mịt rồi mưa như trút. Cả đoàn đứng lặng, trong lòng ai cũng nghĩ các liệt sĩ đang về. Trong những ngày ở Quảng Trị, đi thắp nhang ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9… gặp nườm nượp các đoàn cựu chiến binh từ khắp mọi miền đất nước tìm về đồng đội. Những mái đầu bạc trắng, những ngực áo lính gắn đầy huân chương, những đôi mắt đỏ hoe nhớ bạn đã ngã xuống cho mình được sống. Ngồi nghỉ chân bên thềm cây mát rượi, được nghe những người chăm sóc nghĩa trang ở đây kể những câu chuyện về sự linh thiêng của các liệt sĩ. Những người trẻ hy sinh cho Tổ quốc không bao giờ chết. Câu chuyện nào cũng khiến ta gợi lên niềm xúc động.

Nghĩa trang nào cũng vậy. Giữa những hàng bia liệt sĩ trang nghiêm, có đủ đầy tên tuổi, quê quán là những tấm bia khiến người ta nhói lòng: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, biết bao người ngã xuống mà không kịp để lại thông tin… Để chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ vẫn còn bao nhiêu gia đình đau đáu ngóng tìm người thân của mình nằm ở nơi đâu. “Thác là thể phách, còn là tinh anh…”, bỗng nhiên một câu Kiều bật lên trong tâm trí đúng lúc này. Phải, các anh đã ngã xuống, hiến dâng máu xương để bảo vệ Tổ quốc, dẫu có thể chưa tìm được hài cốt, chưa kịp xác minh thông tin nhưng tinh anh, hồn cốt của các anh còn mãi với đất nước này, còn mãi trong tim của lớp lớp những thế hệ đi sau, còn mãi trong lòng dân tộc.

Đã tự bao giờ, phong trào thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ lan rộng ra cả nước. Những buổi chiều tối, hàng triệu ngọn nến nhỏ lung linh trên các nghĩa trang như lời nhắc nhở chúng ta có cuộc sống hôm nay là được đánh đổi bằng bao máu xương của những người nằm yên giấc tại đây. Đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa chảy mãi như suối nguồn theo chiều dài lịch sử.

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202307/thang-dong-doi-tim-ve-voi-nhau-42b609e/