Thăng hoa cùng thư pháp Việt

Nhắc tới hình ảnh các ông đồ viết thư pháp, phần lớn mọi người sẽ nhớ ngay đến những câu thơ: 'Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu giấy đỏ. Trên phố đông người qua' của tác giả Vũ Đình Liên. Bởi, đó chính là những hình ảnh quá đỗi thân quen và khắc họa trọn vẹn hình ảnh ông đồ, đặc biệt trong những ngày đầu năm mới. Kế thừa và phát huy nét văn hóa đó, ngày nay các ông đồ không chỉ là những người cao tuổi, mà còn những người với tuổi đời rất trẻ. Bằng sự say mê, sáng tạo của mình, thư pháp bay bổng hơn qua những nét chữ cũng như các chất liệu khác nhau. Nét văn hóa đặc sắc này đang được nâng niu và cất cánh ở một tầm mới.

Người trẻ với thư pháp Việt

Nhắc tới nghệ thuật viết thư pháp, hình ảnh những ông đồ già luôn là ký ức của mỗi người. Thế nhưng, trong cuộc sống ngày nay, bộ môn này lại được sự đón nhận của rất nhiều người trẻ. "Ông đồ trẻ" Nguyễn Văn Đồng ở xã Long Hà (huyện Phú Riềng), hiện là giáo viên mỹ thuật tại Trường tiểu học Vĩnh Hòa A, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Yêu thích bộ môn thư pháp nên tại khuôn viên trường, những nét chữ thư pháp của anh hiện diện ở mọi nơi, từ “slogan” của trường đến các câu đối, ngạn ngữ, châm ngôn. Với anh, đó không chỉ là niềm say mê, yêu thích, mà còn là cách để anh đưa thư pháp đến gần hơn với mọi người, đặc biệt với đồng nghiệp và học sinh. “Tôi là người rất yêu thích văn hóa Việt, đặc biệt là nghệ thuật viết chữ đẹp - thư pháp. Chính vì thế, tôi luôn muốn lan tỏa nghệ thuật này đến với tất cả mọi người ở mọi lúc và mọi nơi. Rất vui khi bộ môn này, dù xưa nhưng vẫn được nhiều người đón nhận và làm mới mỗi ngày” - anh Nguyễn Văn Đồng hạnh phúc chia sẻ.

Một góc không gian tết xưa của anh Nguyễn Văn Đồng tại Trường tiểu học Vĩnh Hòa A, huyện Phú Giáo nhằm lan tỏa nghệ thuật thư pháp đến với mọi người

Một góc không gian tết xưa của anh Nguyễn Văn Đồng tại Trường tiểu học Vĩnh Hòa A, huyện Phú Giáo nhằm lan tỏa nghệ thuật thư pháp đến với mọi người

Thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp gắn liền với tục xin chữ, cho chữ mỗi dịp tết đến, xuân về. Những dòng chữ mềm mại, uyển chuyển như tranh trên bức thư pháp với câu chúc bình an, thịnh vượng ngày nay được nhiều người chọn làm món quà để tặng người thân yêu. Chính vì thế, công việc của các ông đồ như anh Đồng dù ở thời đại công nghệ 4.0 vẫn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa. Để những nét chữ này nhận được sự yêu mến của khách hàng, anh càng trau chuốt, rèn luyện thêm cho mình nhiều cách thể hiện khác nhau, để nét chữ vừa có duyên vừa có hồn. Những ngày cuối tuần, anh chuẩn bị giấy đỏ, mực tàu cùng rèn luyện thêm với những người có chung đam mê, sở thích.

Thăng hoa cùng thư pháp

Ngoài giấy đỏ, mực tàu như truyền thống xưa, thầy đồ trẻ hiện đại còn biến tấu thư pháp trên nhiều chất liệu khác nhau. Thổi hồn trong một vai trò mới, thư pháp vượt ra khỏi nghệ thuật viết chữ đẹp, đã trở thành một sản phẩm lưu niệm “độc, lạ và chất”, len lỏi khắp mọi nơi, làm đẹp từng ngõ xóm, đường phố, điểm tô thêm nét đẹp cho nhà cửa, không gian của mỗi gia đình, như cách mà chị Phan Thị Thùy Dung ở thị xã Phước Long đang thực hiện. Thay giấy đỏ bằng dừa, bưởi, lon bia hay nón lá, chị đã biến những sản phẩm nêu trên thành những bức tranh thư pháp mềm mại, uyển chuyển và đặc biệt trở thành một vật dụng trang trí trong gia đình của mỗi khách hàng. Viết thư pháp trên giấy đã khó, nhưng viết nêu trên các chất liệu như trên thì khó hơn rất nhiều. Để có những tác phẩm độc đáo đó, chị Dung đã phải dày công nghiên cứu và có một cách thể hiện rất khác. “Nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ, nếu như lon bia có thời gian “chưng” lâu thì bưởi và dừa lại có thời gian ngắn hơn. Gọi là ngắn nhưng tôi cũng cam kết sản phẩm rất “chất”, khách hàng có thể chưng được từ 1 đến 2 tháng. Ngoài nguyên liệu, quan trọng nhất khi viết thư pháp trên dừa, bưởi và lon bia chính là nghệ thuật phối mực và nét chữ, 2 yếu tố này chiếm 80% thành công của sản phẩm” - chị Dung chia sẻ.

Chị Phan Thị Thùy Dung với nét thư pháp phá cách được trình bày trên các chất liệu như trái dừa, lon bia, bưởi...

Chị Phan Thị Thùy Dung với nét thư pháp phá cách được trình bày trên các chất liệu như trái dừa, lon bia, bưởi...

Những ngày tết đến, xuân về, không gian nhà “cô đồ” này cũng được rất nhiều bạn trẻ, học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Bởi rèn luyện thư pháp, không dừng lại ở sở thích, hay chỉ là yêu cái đẹp, đó còn là cách để rèn luyện tính cách của mỗi con người, đặc biệt là truyền đi những thông điệp nhân văn mang giá trị tinh thần sâu sắc đến với người trẻ. Chị Dung cho biết: Từ bục giảng hay khi các em học sinh đến chơi tại nhà, tôi luôn chuẩn bị sẵn mực tàu, giấy đỏ và viết thư pháp để đố các em. Tôi đố các em nghĩa của các từ “Phúc”, “Lộc’, “Thọ”, “Bình An”… Sau mỗi lần như vậy, tôi đều cố gắng giải thích chính xác nghĩa, đồng thời tặng những nét chữ thư pháp ấy cho các em. Một việc làm nhỏ, nhưng đó là cách để tôi cùng học sinh của mình hiểu hơn về văn hóa của dân tộc.

Trên cả nghệ thuật viết chữ đẹp, thư pháp còn mang ý nghĩa về giá trị đạo đức, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Việt. Những buổi gặp nhau để rèn luyện chữ cũng là cách để chúng tôi trân trọng, lan tỏa và lưu truyền nét văn hóa này của dân tộc.

“Ông đồ trẻ" Nguyễn Văn Đồng

Thư pháp dù là truyền thống như anh Đồng hay thư pháp “phá cách” của chị Dung, đều mang ý nghĩa trang trọng và nhân văn sâu sắc. Nét chữ thư pháp uyển chuyển vừa thể hiện sự mộc mạc, đơn sơ vừa thể hiện dấu ấn tài hoa của những người yêu nghệ thuật viết chữ đẹp. Vốn đã thấm sâu vào tâm tư tình cảm, nếp sống của dân tộc, từ sự tiếp nối của người trẻ, nét văn hóa này tiếp tục tạo nên một thú chơi vô cùng nhẹ nhàng, bình dị mà thanh tao vào mỗi dịp xuân về. Một bức tranh thư pháp cùng những lời chúc đầy ý nghĩa sẽ giúp mỗi gia đình có thêm không khí tết đầm ấm cùng với lời nguyện cầu về một năm mới sung túc, hạnh phúc đủ đầy.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130580/thang-hoa-cung-thu-phap-viet