Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh - biểu tượng sinh động tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, thu non sông về một mối.

Chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc chống ngoại xâm, giành và giữ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đến nay, đất nước thống nhất đã 45 năm, nhưng biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn luôn ngời sáng, để lại cho chúng ta nhiều bài học quý trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong hai năm 1975-1976, tháng 3-1975, quân và dân ta đã thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, mở các chiến dịch tiến công chiến lược giành toàn thắng như: Tây Nguyên; Trị Thiên-Huế; Đà Nẵng. Thắng lợi trong các chiến dịch đã đưa các binh đoàn chủ lực áp sát Sài Gòn-Gia Định. Trước diễn biến mau lẹ của chiến trường, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị họp và quyết định thực hiện chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh(1). Đây là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cần phải dồn sức, dồn lực, với quyết tâm cao nhất, đập tan mọi sự kháng cự của địch, giành toàn thắng. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc được thể hiện ở các khía cạnh như:

Quyết chiến, quyết thắng bằng sức tiến công đột phá mạnh của quân chủ lực: Trước khi mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ 20-4-1975 quân ta đã hình thành thế bao vây, chia cắt, cô lập Sài Gòn-Gia Định trên 5 hướng. Lúc này lực lượng địch trong thành phố còn lại khá lớn (tổng cộng khoảng 7 sư đoàn, cùng các đơn vị khác). Với yêu cầu đập tan sự kháng cự của lực lượng địch mà vẫn giữ được nguyên vẹn thành phố Sài Gòn, chúng ta phải có phương án tác chiến, sử dụng lực lượng thật khoa học. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương sử dụng quân chủ lực mạnh, tiến hành chia cắt chiến lược, bao vây, chặn diệt chủ lực địch ở vòng ngoài, không để chúng co cụm vào trong nội đô; tổ chức binh đoàn binh chủng hợp thành, thọc sâu vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, then chốt nhất như: Bộ tổng tham mưu ngụy, dinh Độc Lập, bộ tư lệnh cảnh sát ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tư lệnh biệt khu thủ đô. Ta sử dụng lực lượng tương đương 5 quân đoàn phối hợp với một bộ phận không quân, hải quân... cùng các lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, dân quân du kích. Ngày 26-4 ta tiến hành nổ súng mở màn chiến dịch trên 5 hướng tiến công chiến lược: Hướng Bắc là Quân đoàn 1; hướng Tây Bắc là Quân đoàn 3; hướng Đông là Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2; hướng Tây Nam là Đoàn 232 và hướng Nam là LLVT Quân khu 8. Từ ngày 26-4 đến ngày 28-4, quân ta đã đập tan hoàn toàn phòng tuyến vòng ngoài của quân ngụy, bộ tổng tham mưu ngụy mất hiệu lực chỉ huy, địch rối loạn về chiến lược. Ngày 29-4, ta nổ súng tổng công kích Sài Gòn, tiêu diệt và bẻ gãy các mũi phản kích của địch. Sáng 30-4, ta tổ chức các binh đoàn thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chiến lược đã xác định. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4 lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân Giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập-sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thành phố Sài Gòn được giữ hầu như nguyên vẹn. Cùng thời điểm này, LLVT Quân khu 8, Quân khu 9 đã động viên nhân dân trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa Tổng tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã những đơn vị cuối cùng của quân ngụy ở Tây Nam Bộ.

 Diễu binh tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2015). Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Diễu binh tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2015). Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Quyết chiến, quyết thắng bằng sự nổi dậy, giành chính quyền của quần chúng nhân dân ở cơ sở: Khi quân chủ lực bắt đầu nổ súng tiến công Sài Gòn và thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chiến lược thì trong nội đô, được sự hỗ trợ của lực lượng dân quân, du kích, nhân dân đã nổi dậy giành chính quyền tại 107 điểm vùng ven và trong nội đô Sài Gòn, phá vỡ hệ thống chính trị của ngụy quyền tại các khóm, ấp, khu phố. Lực lượng quần chúng đã phát huy kết quả to lớn của đòn tiến công quân sự, làm tăng thêm sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và thế trận liên kết giữa LLVT với lực lượng chính trị để áp đảo quân địch, góp phần cùng đòn tiến công quân sự giành thắng lợi nhanh chóng, triệt để. Đạt được điều đó là bởi lực lượng quần chúng đã được rèn luyện trong suốt cuộc kháng chiến, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, sự kìm kẹp của quân địch để không ngừng lớn mạnh. Ngay trong thời kỳ đầu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng chính trị đã nhanh chóng bức hàng, bức rút đồn, bốt của địch. Trong quá trình phát triển cuộc Tổng tiến công, lực lượng chính trị đã kết hợp với lực lượng quân sự, tiến từ giải phóng phạm vi làng xã lên đến phạm vi huyện, tỉnh và thực hiện các nhiệm vụ truy quét tàn quân, duy trì trật tự trị an địa bàn… Sự phát triển của lực lượng chính trị đã đóng góp to lớn vào chiến thắng của chiến dịch.

Quyết chiến, quyết thắng bằng sự chuẩn bị chiến lược: Công tác bảo đảm cơ sở vật chất là một trong những vấn đề có tính cốt yếu để bảo đảm cho chiến dịch thành công. Chấp hành nghị quyết của Trung ương Đảng, công tác chuẩn bị chiến lược được tiến hành khẩn trương trên cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã có nhiều nghị quyết về xây dựng lực lượng, ra các chỉ thị về tiết kiệm, tích lũy cơ sở vật chất, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công chiến lược.

Ở miền Bắc, sau hai năm phấn đấu gian khổ, nhân dân ta đã cơ bản khắc phục được những hậu quả nghiêm trọng do hai cuộc chiến tranh phá hoại liên tiếp của địch gây ra, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Việc động viên lớn sức người, sức của cho miền Nam được đẩy mạnh. Từ tháng 1-1973 đến tháng 2-1975, có 264.000 cán bộ, chiến sĩ con em nhân dân miền Bắc được tăng cường cho các LLVT ở miền Nam(2). Về vật chất hậu cần, kỹ thuật, từ đầu mùa khô 1973-1974 đến đầu mùa khô 1974-1975, một khối lượng lớn vật chất gồm 26 vạn tấn được vận chuyển vào miền Nam, tăng gấp 9 lần so với năm 1972(3). Đây là nguồn bổ sung vật chất quan trọng, cùng với số dự trữ và huy động tại chỗ đảm bảo các yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng miền Nam, chuẩn bị cuộc tổng tiến công chiến lược.

Trong hai năm 1973-1974, đường vận tải và hành quân chiến lược, chiến dịch được mở thêm 7.250km. Đường ống dẫn xăng dầu có chiều dài 5.000km, thông suốt từ miền Bắc vào đến Bù Gia Mập (miền Đông Nam Bộ) và các tuyến ngang. Hệ thống kho chiến lược được xây dựng trên tuyến vận chuyển chiến lược và ở một số đầu mối giao thông, mỗi khu kho có sức chứa hàng vạn tấn4. Đây là những yếu tố rất quan trọng có tính quyết định bảo đảm phục vụ đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vật chất kỹ thuật cho cuộc tổng tiến công trong điều kiện thời gian gấp, yêu cầu cơ động nhanh, góp phần nhân lên gấp bội sức mạnh tiến công của các binh đoàn chủ lực.

Công tác chuẩn bị tại chỗ cũng có bước nhảy vọt về chất. Từ năm 1973 đến giữa năm 1974, nhân dân Khu 9 (miền Tây Nam Bộ) đóng góp 4,1 triệu giạ lúa (tương đương 82.000 tấn); nhân dân Khu 8 (miền Trung Nam Bộ) cung cấp cho miền Đông Nam Bộ 40.000 tấn gạo...5. Các mặt sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công tác giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội trong các vùng giải phóng cũng được đẩy mạnh. Đây là nguồn cung cấp, bổ sung tại chỗ rất quan trọng, góp phần phát triển lực lượng cách mạng ở miền Nam, thiết thực chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công.

Tất cả sự chuẩn bị và huy động trên cho thấy, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là kết quả của quá trình xây dựng lực lượng cách mạng lâu dài, khoa học, nhưng hết sức khẩn trương của Đảng ta, là sự đồng tâm, hiệp lực tác chiến thần tốc, táo bạo, dựa trên tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc.

Những bài học cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay

Thời gian tới, tình hình chính trị, an ninh thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn, khó lường. Đặc biệt, việc yêu sách về lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông diễn biến phức tạp. Tình hình dịch bệnh-một hình thức an ninh phi truyền thống đã thực sự đe dọa an ninh chính trị, an ninh kinh tế, có nguy cơ làm suy giảm năng lực quốc phòng của nhiều quốc gia. Trong nước, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình, đặt ra những thách thức mới đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho chúng ta thấy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc là yếu tố nền tảng để tạo ra mọi nhân tố khác cho chiến thắng. Do đó, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay chúng ta cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:

 Một góc đô thị TP Hà Nội (khu vực Trung Hòa-Nhân Chính). Ảnh: VŨ TOÀN

Một góc đô thị TP Hà Nội (khu vực Trung Hòa-Nhân Chính). Ảnh: VŨ TOÀN

Một là, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố đã được kiểm nghiệm, khẳng định trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và được thử thách qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Đồng thời là cơ sở để Đảng, Nhà nước hoạch định, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đều phải quan tâm chăm lo xây dựng, bồi đắp tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở đầu tiên của nó là “thế trận lòng dân” vì thế mọi chính sách của Đảng, Nhà nước cần phải hướng vào việc “an dân, dưỡng dân”, ngày càng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý khoa học của Nhà nước, đất nước ta đã từ một nước kém phát triển trở thành một nước đang phát triển. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo thu được những thành công lớn, đời sống nhân dân có những cải thiện rõ rệt. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống của nhân dân được thể hiện cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Việc quyết định chi gói ngân sách 62.000 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ cho những người yếu thế trong xã hội, thực hiện gói hỗ trợ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua là một quyết sách rất hợp lòng dân, giải quyết được ngay những vấn đề cấp bách về an sinh xã hội và nhu cầu đòi hỏi ngắn hạn trong phát triển kinh tế-xã hội. Về lâu dài, chúng ta cần phải có những đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển. Đồng thời, phải tiếp tục duy trì và phát huy dân chủ ở cơ sở theo đúng tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Việc nâng cao đời sống nhân dân đi đôi với thực hiện dân chủ hóa là thành tố căn bản, quyết định sự thành công trong xây dựng “thế trận lòng dân”, vì vậy cần phải được thực hiện rốt ráo ở mọi cấp, mọi ngành.

Hai là, tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta đều dựa trên nền tảng của nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Đó cũng là điều đã được chứng minh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và Chiến dịch Hồ Chí Minh đã chứng minh về nghệ thuật phát huy sức mạnh nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Vì vậy, chúng ta phải luôn nhận thức rõ, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân là một nhiệm vụ có tính chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài của Đảng, Nhà nước ta. Do đó phải phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28/NQ-TW (Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc; quán triệt và thực hiện tốt các luật: Quốc phòng, Dân quân tự vệ, Lực lượng dự bị động viên, các nghị định của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự, bảo đảm mỗi xã là một căn cứ chiến đấu, mỗi huyện, tỉnh là một khu vực phòng thủ vững chắc. Tập trung xây dựng LLVT địa phương, cụ thể là dân quân tự vệ và dự bị động viên có số lượng hợp lý, có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ quân sự, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương.

Ba là, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng với quân đội, xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, gương mẫu đi đầu. Quân đội ta có sức mạnh quyết chiến, quyết thắng là bởi vì quân đội được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Ngày nay, việc xây dựng tổ chức đảng trong quân đội càng trở nên quan trọng, bởi đó là yếu tố căn cốt khẳng định bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Do đó phải tích cực xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, bảo đảm cho Đảng bộ Quân đội luôn là một khối thống nhất về ý chí và hành động. Muốn thế phải không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức đảng các cấp trong quân đội, trước mắt là thực hiện thắng lợi đại hội đảng các cấp, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng quân đội, xây dựng LLVT nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Các cấp ủy đảng toàn quân cần triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; thực hiện tốt “Năm kỷ luật, kỷ cương 2020”, tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật trong toàn quân, hạn chế tối đa các vi phạm, kết hợp với xử lý nghiêm các sai phạm, xây dựng các đơn vị “vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu”. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên, bảo đảm cho toàn Đảng bộ Quân đội luôn luôn thống nhất về ý chí và hành động, luôn là lực lượng đi đầu trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, "phi chính trị hóa” quân đội; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.

Bốn là, tập trung củng cố tổ chức, biên chế, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Quân đội ta được xây dựng, rèn luyện trong khói lửa của các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, có truyền thống bách chiến, bách thắng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhất là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sức mạnh từ “quả đấm chủ lực” được tạo nên bởi lực lượng tương đương 5 quân đoàn đã đè bẹp mọi sự kháng cự của quân ngụy và giữ cho Sài Gòn được vẹn nguyên sau giải phóng. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc ngày nay, cần tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, làm nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân của Đảng. Muốn vậy, cần tập trung xây dựng quân đội có cơ cấu hợp lý, có trình độ, năng lực tác chiến cao, đủ khả năng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của Tổ quốc theo đúng tinh thần Kết luận số 16-KL/TW ngày 7-7-2017 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021. Các đơn vị toàn quân cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập theo tinh thần Nghị quyết số 765/NQ-QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, không ngừng nâng cao năng lực tác chiến, trình độ chỉ huy tham mưu, khả năng làm chủ và sử dụng hiệu quả vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại, phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, chủ động phát huy thành tựu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận, ứng dụng thành quả của khoa học kỹ thuật để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa quân đội, trước hết là đối với các quân chủng, binh chủng, lực lượng ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại.

Quân đội nhân dân cần phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân và các lực lượng theo tinh thần Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 5-9-2019 của Chính phủ; làm tốt công tác tham mưu và hiệp đồng tác chiến, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn cả nước, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn các sự kiện quan trọng về đối nội, đối ngoại của đất nước.

Năm là, đẩy mạnh công tác đối ngoại, đối ngoại quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng, Nhà nước ta đã kết hợp chặt chẽ giữa phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, kết hợp giữa đấu tranh chính trị, quân sự với đấu tranh ngoại giao, xây dựng tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa Việt Nam-Lào và Campuchia… để giành thắng lợi. Ngày nay, công cuộc bảo vệ Tổ quốc đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập mạnh mẽ nên công tác đối ngoại càng giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Công tác đối ngoại là nhân tố góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới, củng cố, xây dựng lòng tin chiến lược, giữ vững hòa bình, ổn định, mở ra những cơ hội để nước ta đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những năm qua, công tác đối ngoại quốc phòng đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp ngoại giao của Đảng, trực tiếp giúp Đảng, Nhà nước có những giải pháp xử lý hiệu quả các mối quan hệ về quốc phòng, an ninh, đồng thời giúp quân đội tiếp thu khoa học, kinh nghiệm của các nước, phục vụ xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại, đối ngoại quốc phòng trên cơ sở quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng quan điểm, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và phát triển của Đảng. Trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; các nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác đối ngoại. Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước, ưu tiên các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống, các nước lớn. Chủ động tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương, mở rộng hợp tác với Liên minh châu Âu. Tiếp tục tham gia có trách nhiệm vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trước mắt cần tập trung chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các hoạt động của năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch, thực hiện hiệu quả các hoạt động của hội nghị ADMM, ADMM+… nhằm tăng cường, mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội ta.

Cách đây 45 năm, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài hơn 20 năm gian khổ và ác liệt của dân tộc ta. Lịch sử càng lùi xa, càng tạo điều kiện cho chúng ta nhìn nhận rõ hơn những bài học kinh nghiệm của lịch sử, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Dù các thế lực thù địch có xuyên tạc, phủ nhận thì chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam được viết nên trong thời đại Hồ Chí Minh.

Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2004, t.36, tr.109.

2, 3, 4, 5. Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; NXB Khoa học xã hội, H. 1985, tr.150, 151, 152.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/45-mua-xuan-toan-thang/thang-loi-cua-chien-dich-ho-chi-minh-bieu-tuong-sinh-dong-tinh-than-quyet-chien-quyet-thang-cua-toan-dang-toan-dan-va-toan-quan-616679