Thăng trầm Nhà máy Bia Lào Cai
Từng là niềm tự hào của ngành công nghiệp Lào Cai, Nhà máy Bia Lào Cai trước đây là một trong số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường cùng những khó khăn do cơ chế quản lý đặc thù, thị phần sản phẩm bia Lào Cai ngày càng thu hẹp. Để vực dậy hoạt động sản xuất, cán bộ, công nhân nơi đây đang nỗ lực tìm hướng đi mới.
Gây dựng thương hiệu
Chúng tôi đi một vòng quanh nhà máy mà không gặp công nhân nào. Từ khu nhà điều hành đến khu vực sản xuất rất vắng vẻ, tại khu vực xuất kho cũng chỉ có 2 nhân viên đang sắp xếp lại hóa đơn, giấy tờ. Chị Trần Thị Vinh, nhân viên ở đây cho biết: Bia vẫn chưa xuất đi hết nên công nhân ở bộ phận sản xuất tạm nghỉ vì sản xuất ra mà để tồn kho lâu sẽ không đảm bảo chất lượng.
Thông thường, nhà máy hoạt động hết công suất từ tháng 4 đến tháng 8, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên cả năm chỉ hoạt động cầm chừng. Khung cảnh ảm đạm ấy khiến những cán bộ, công nhân công tác lâu năm như chị Vinh không khỏi tiếc nuối khi nhớ lại những năm tháng trước đây.
Trụ sở Nhà máy Bia Lào Cai cũ trên đường Ngô Quyền, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) nay trở thành khu phố ẩm thực đông đúc, nhộn nhịp. Cách đây hơn 20 năm, nhà máy bia được xây dựng tại vị trí này đã góp phần hình thành và phát triển tuyến phố. "Nhà máy bia cũ" giờ vẫn là cụm từ thường được dùng để nói địa chỉ một quán cà phê hoặc nhà hàng nào đó ở khu vực này.
Ông Đỗ Văn Sỉnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Sơn (đơn vị chủ quản Nhà máy Bia Lào Cai) là người gắn bó với nhà máy từ những ngày đầu hoạt động cho biết: Nhà máy Bia Lào Cai ra đời sau cuộc làm việc của lãnh đạo tỉnh với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, toàn bộ dây chuyền sản xuất được các kỹ sư của ngôi trường kỹ thuật danh tiếng này thiết kế, lắp đặt. Tổng mức đầu tư khoảng 3,7 tỷ đồng, công suất thiết kế hơn 1 triệu lít/năm. Năm 1999, nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Thời gian đầu chưa có thương hiệu, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, có thời điểm, tỉnh phải dành những ưu đãi chưa có tiền lệ để cứu nhà máy trước nguy cơ phá sản. Sự tin tưởng của lãnh đạo tỉnh cùng nỗ lực của cán bộ, công nhân, nhà máy đã từng bước vượt qua khó khăn. Sau khi chuyển đổi mô hình từ thuộc sở hữu nhà nước sang cổ phần hóa, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Liên Sơn đã đưa ra định hướng phát triển phù hợp, khai thác tốt lợi thế "sân nhà", đưa sản phẩm đến hệ thống đại lý trải rộng trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013, đồ thị phát triển của nhà máy luôn theo chiều hướng đi lên, đặc biệt là những năm 2015 - 2016, nhà máy liên tục hoạt động hết công suất, tạo việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập ổn định. Bia Lào Cai trở thành thương hiệu có tiếng, là niềm tự hào của ngành công nghiệp Lào Cai. Với nguồn lực mạnh, Công ty Cổ phần Liên Sơn còn đầu tư thêm 1 xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi để tận dụng phụ phẩm từ nhà máy bia.
Loay hoay với bài toán thị trường
Sự phát triển ổn định suốt một thời gian dài của Nhà máy Bia Lào Cai là thành công ngoài mong đợi, nhất là trong bối cảnh hầu hết nhà máy bia của các tỉnh lân cận lần lượt giải thể. Tuy nhiên, thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, giao thông kết nối tạo thuận lợi cho nhiều hãng bia, rượu, nước giải khát lần lượt đặt đại lý tại Lào Cai. Cùng với đó là sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân khiến thị phần sản phẩm của Nhà máy Bia Lào Cai sụt giảm rõ rệt. Năm 2018, Nhà máy Bia Lào Cai di chuyển đến địa điểm mới thuộc Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, đây cũng là thời điểm đánh dấu hoạt động của công ty bước vào giai đoạn khó khăn. Sản lượng, doanh thu sụt giảm chỉ còn một nửa so với trước đây, sản xuất thu hẹp, người lao động bị cắt giảm, xưởng thức ăn chăn nuôi cũng phải giải thể.
Xác định không thể cạnh tranh được với các sản phẩm đã có thương hiệu mạnh, Công ty Cổ phần Liên Sơn tập trung đưa sản phẩm bia Lào Cai về thị trường nông thôn, vùng cao. Nhờ lợi thế cạnh tranh về giá cùng thói quen sử dụng các sản phẩm địa phương ở vùng nông thôn, bia Lào Cai vẫn được đón nhận. Hiện, bia Lào Cai đang có 2 sản phẩm chính là bia bom 2 lít và bia chai dạng 1 lít. Để đưa sản phẩm đến các đại lý, công ty phân công cán bộ phụ trách từng tuyến.
Ông Đỗ Văn Sỉnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Sơn cho biết: Bia Lào Cai vẫn có hương vị và chất lượng riêng nhưng do thói quen của người tiêu dùng nên rất khó tiếp cận khách hàng ở khu vực thành phố, vì vậy sự tồn tại của Nhà máy Bia Lào Cai đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường nông thôn.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì việc sử dụng dây chuyền công nghệ cũ cũng khiến sản phẩm bia Lào Cai không thể cạnh tranh được với các sản phẩm chất lượng cao. "Chúng tôi cũng rất muốn đầu tư công nghệ mới và đa dạng hóa sản phẩm, nhưng nguồn lực có hạn, để đầu tư một dây chuyền mới tốn kém hàng chục tỷ đồng thì không thể kham nổi. Hy vọng tới đây, tỉnh có cơ chế thu hút doanh nghiệp mạnh tới hợp tác đầu tư, chuyển đổi mô hình đưa Nhà máy Bia Lào Cai trở lại vị thế đã có như trước đây", ông Sỉnh cho biết.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349222-thang-tram-nha-may-bia-lao-cai