Tháng tư, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh tăng 6,25%

Mặc dù chưa thể hồi phục về quy mô bình thường nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh trong tháng 4, tăng 6,25% so với cùng kỳ. Đáng chú ý ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,17%.

Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh tăng so với cùng kỳ năm 2023, sau thời gian suy giảm kéo dài qua nhiều tháng. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chủ lực của địa phương như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng tới 5,17%.

Trong đó ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng nhiều nhất 20%; Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,4%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,19%.

Tuy nhiên, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê Bắc Ninh cho thấy, so với tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 vẫn bị giảm khoảng 4%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm nhiều nhất (4,03%). Nếu tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 5,6% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 5,75%.

Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, đây là năm thứ hai liên tiếp chỉ số sản xuất công nghiệp có mức giảm, tuy nhiên mức giảm của năm nay đã cải thiện thấp hơn năm trước (4 tháng 2023 giảm 18,47%).

Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh nhận định, tháng 4 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình thế giới đang xuất hiện những diễn biến phức tạp mới sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của tỉnh. Do vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp ứng phó kịp thời để sản xuất công nghiệp có thể thoát đáy, trở lại quy mô bình thường và hồi phục tăng trưởng.

Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở trong nước.

Khởi động chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Ninh năm 2024 theo Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh, Bộ Công Thương và Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt trên địa bàn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cũng cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất mới.

Kết nối với trung tâm công nghiệp của các tỉnh/thành, khu vực nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái về công nghệ và sản xuất công nghiệp; đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp nền tảng, ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp hỗ trợ, bán dẫn, chíp…

.

Thúy Hồng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thang-tu-chi-so-san-xuat-cong-nghiep-cua-bac-ninh-tang-6-25.html