Thành Cổ, miền đất thiêng

Mỗi khi nhắc đến Thành Cổ Quảng Trị, trong tâm tưởng của mỗi một người dân hay những cựu chiến binh (CCB) một thời trải qua cuộc chiến đấu nơi mảnh đất thiêng liêng này đều chung nỗi niềm xúc động. Từng là mảnh đất gánh chịu sự tàn khốc của chiến tranh, Thành Cổ Quảng Trị giờ đây đã trở thành miền tưởng vọng của bao người dân đất Việt tri ân công ơn, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ để có được nền độc lập, tự do. Từ quá khứ đầy bi tráng, thị xã Quảng Trị đang hướng đến xây dựng trở thành một điểm đến vì hòa bình.

Đoàn CCB Tiểu đoàn 83 tỉnh Quảng Ngãi khu vực phía Bắc chụp hình lưu niệm tại Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: ĐV

Đoàn CCB Tiểu đoàn 83 tỉnh Quảng Ngãi khu vực phía Bắc chụp hình lưu niệm tại Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: ĐV

Thành Cổ Quảng Trị những ngày trung tuần tháng Tám, hàng hàng những bãi cỏ tranh trổ hoa trắng muốt phất phơ trong gió. Dưới vòm trời trong xanh sâu thẳm của mảnh đất thiêng này, dòng người khắp nơi trong cả nước tìm về thăm viếng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Hòa trong dòng người tri ân đó, đoàn 42 CCB của Tiểu đoàn 83 tỉnh Quảng Ngãi khu vực phía Bắc đã đến Thành Cổ Quảng Trị để thắp nén nhang cho đồng chí, đồng đội ngã xuống mảnh đất này. CCB Vũ Văn Hạnh cho biết, đoàn vừa đi vào Quảng Ngãi để dự lễ gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Tiểu đoàn 83, Tỉnh đội Quảng Ngãi được tổ chức vào ngày 5/8 vừa qua.

Sau khi tham gia lễ kỷ niệm và một số hoạt động ở Quảng Ngãi, đoàn trở ra và có tâm nguyện ghé thăm Thành Cổ Quảng Trị. Ai cũng mong muốn được thắp nén nhang ở nơi linh thiêng này để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đây. Chúng tôi vô cùng xúc động, rơi nước mắt khi nghe hướng dẫn viên kể lại một số câu chuyện chiến đấu, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã kiên cường bám trụ, bảo vệ từng tấc đất Thành Cổ trong 81 ngày đêm mùa hè năm 1972.

Dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đức, CCB Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390) từ Hà Nội cũng đã cùng với đồng đội trở về thăm lại chiến trường Quảng Trị. Ông nói hầu hết các đồng đội đã ngoài 70 tuổi nhưng rất háo hức khi được trở về thăm trận địa từng chiến đấu ở thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, được gặp lại đồng chí, đồng đội chung chiến hào năm xưa.

Sau đó, ông Đức và các CCB Trung đoàn 27 đã đi thăm viếng Thành Cổ Quảng Trị. “Hồi đó, tôi và đồng đội Trung đoàn 27 tham gia mặt trận cánh Đông, trực tiếp chiến đấu ngăn chặn địch từ hướng biển để bảo vệ vòng ngoài của Thành Cổ Quảng Trị. Đã có rất nhiều mất mát, hy sinh trong những ngày đỏ lửa đó. H

ôm nay, tôi về thăm lại Thành Cổ Quảng Trị, tham quan Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, những ký ức chiến trận năm xưa cứ ùa về. Tôi luôn tưởng nhớ, biết ơn đồng đội đồng chí đã hy sinh để có được hòa bình hôm nay và mong các anh luôn được ấm lòng yên nghỉ ngàn thu”, CCB Nguyễn Văn Đức bộc bạch.

Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Cách mạng Cuba Gerardo Hernandez Nordelo nghe thuyết minh những câu chuyện về Thành Cổ Quảng Trị trong chuyến thăm Quảng Trị vào tháng 5/2023 - Ảnh: Đ.V

Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Cách mạng Cuba Gerardo Hernandez Nordelo nghe thuyết minh những câu chuyện về Thành Cổ Quảng Trị trong chuyến thăm Quảng Trị vào tháng 5/2023 - Ảnh: Đ.V

Những CCB như ông Hạnh, ông Đức không biết còn bao nhiêu lần trở về Quảng Trị và đến Thành Cổ nhưng họ đều tâm sự rằng, mong ước được trở lại mảnh đất thiêng liêng này vẫn luôn thôi thúc họ như là tiếng gọi sâu thẳm từ trái tim. Họ mong muốn đến, có thể chỉ để thắp một nén nhang thơm và gửi gắm những lời tâm tình đến đồng chí, đồng đội đã ngã xuống...

Thành Cổ Quảng Trị nằm bên dòng sông Thạch Hãn lịch sử, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Câu chuyện 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị luôn là niềm tự hào của không chỉ các CCB từng tham gia chiến đấu ở nơi này mà là của từng người dân Quảng Trị nói riêng, người dân trong cả nước nói chung. Đến Quảng Trị, không thể không ghé thăm Thành Cổ với lòng thành kính và niềm ngưỡng vọng.

Ngược dòng lịch sử, năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Quảng Trị-Thừa Thiên làm hướng chiến lược chủ yếu. Thực hiện chủ trương đó, bằng cuộc tấn công chiến lược mùa Xuân 1972 của các đơn vị bộ đội chủ lực, diễn ra từ 30/3-1/5/1972, quân ta đã giải phóng tỉnh Quảng Trị, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo.

Trước thất bại trên, từ ngày 28/6/1972, đế quốc Mỹ và quân đội của chính quyền miền Nam đã mở cuộc hành quân với mật danh “Lam Sơn 72” hòng tái chiếm Quảng Trị, đặc biệt là toàn bộ thị xã Quảng Trị. Từ đây, mở đầu cho chiến dịch 81 ngày đêm quân giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị.

Đến ngày 16/9/1972, chiến dịch kết thúc, Thành Cổ Quảng Trị cùng các công trình nhà cửa ở thị xã này bị sụp đổ tan hoang, gạch đá, bom đạn chồng chất ngổn ngang. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự, lượng bom đạn Mỹ ném xuống thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm tương đương 7 quả bom nguyên tử, loại Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Ấy vậy mà, trong 81 ngày đêm đó, hàng nghìn chiến sĩ quân giải phóng đã kiên quyết chiến đấu anh dũng, hy sinh, xương máu của các anh đã quyện vào đất thiêng Thành Cổ, hòa vào đáy sông Thạch Hãn. Cuộc chiến này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Cách mạng Cuba Gerardo Hernandez Nordelo trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Trị vào ngày 20/5/2023 đã viết vào sổ lưu niệm tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị: “Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ của Quảng Trị không vô ích. Chúng ta sẽ giữ mãi ký ức và di sản mà họ đã hy sinh, cống hiến. Tình hữu nghị Việt Nam-Cuba muôn năm! Một cái ôm thắm thiết”. Tại chuyến thăm, dâng hương dâng hoa tại Thành Cổ Quảng Trị, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Cách mạng Cuba cũng đã vô cùng xúc động khi được nghe những câu chuyện về khí phách anh hùng, ý chí chiến dấu anh dũng, sự hy sinh oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm đỏ lửa mùa hè năm 1972 để bảo vệ từng tấc đất Thành Cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị.

Ngày nay, để tri ân các anh hùng liệt sĩ, vừa góp phần tạo ra nét đặc biệt cho sản phẩm du lịch địa phương, vào ngày 14 Âm lịch hằng tháng, thị xã Quảng Trị tổ chức Đêm hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn. Những ngày tháng Bảy tri ân, hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến với Thành Cổ Quảng Trị, ai cũng thành kính với những bông hoa tươi thắm trên tay thả xuống dòng Thạch Hãn, để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Trở về đất thiêng Thành Cổ, không chỉ có những người CCB, những thân nhân gia đình thương binh liệt sĩ mà còn có rất nhiều những gia đình thế hệ trẻ hôm nay. Họ đến, đưa theo con em mình, để nhắc nhớ, để tô bồi thêm hiểu biết về những năm tháng lịch sử hào hùng, gian lao của cha ông kiên quyết chiến đấu giữ gìn đất nước.

“Dịp nghỉ hè về quê lần này, tôi đã đưa 2 đứa con của mình đi thăm Thành Cổ, thăm bảo tàng, xem các hình ảnh, tư liệu lịch sử hào hùng của các thế hệ cha ông. Tôi mong rằng, các con của mình sẽ hiểu biết hơn về lịch sử của quê hương, đất nước và tự hào về truyền thống hào hùng, bất khuất của các anh hùng liệt sĩ”, chị Lê Diệu Hà, người con Quảng Trị đang sinh sống tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai tâm sự.

Hôm thăm Thành Cổ Quảng Trị, chúng tôi cũng vô cùng xúc động chứng kiến những sĩ quan quân đội trẻ tuổi đã thành kính thắp nhang lên những bức tường gạch còn dấu vết đạn bom...Thành Cổ Quảng Trị-nghĩa trang không nấm mồ-nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ đang được 10 cán bộ của BQL Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị chăm sóc. Những ngày cao điểm của tháng 7/2023, có ngày đón hơn 4.500 du khách đến dâng hương, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng cộng 146.215 khách thăm viếng.

Dù công việc bộn bề vất vả nhưng anh chị em luôn cảm thấy vinh dự, tự hào. Suốt ngày đón khách, tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, thuyết minh cho du khách hiểu hơn về sự hy sinh vì chính nghĩa của các chiến sĩ Thành Cổ, tối đến mỗi người chia nhau một góc di tích dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ để sáng hôm sau kịp đón khách trở lại. Rồi hằng ngày bình minh lên, trước khi đón khách, các anh chị với lòng thành kính, lần lượt dâng hương ở tượng đài chính và hơn 10 vị trí khắp Thành Cổ như Đài chứng tích sinh viên; Bia tưởng niệm K3 Tam Đảo, Đàn âm hồn... để lòng mình thêm được chút thanh thản cho ngày phục vụ công việc tri ân tiếp theo.

Những ngày này, bời bời bông cỏ tranh trắng muốt phất phơ miên trường trên thảm cỏ xanh tươi ở Thành Cổ. Và thoảng trong làn khói nhang thơm ngát, vọng trong tiếng chuông ngân, mỗi một người đến với mảnh đất thiêng này bỗng bâng khuâng niềm thương nhớ...

Lê Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/thanh-co-mien-dat-thieng/179542.htm