Thánh địa Phật giáo Bagan sau trận động đất ở Myanmar
Thánh địa Phật giáo Bagan vẫn là một thành phố linh thiêng với người dân Myanmar, với hơn 400.000 lượt khách tham quan vào năm 2023.
Nổi lên giữa màn sương mù của khu rừng lúc bình minh, với những ngọn bảo tháp cao hơn 200ft, ít cảnh tượng nào trên trái đất gây ấn tượng với du khách thập phương hành hương như các ngôi già lam cổ tự trong quần thể Thánh địa Phật giáo Bagan.
Theo ước tính có khoảng hơn 10.000 ngôi già lam tự viện, bảo tháp Phật giáo được xây dựng trong khoảng diện tích 100 km vuông ở vùng đồng bằng trung tâm Myanmar dưới triều đại Pagan, biến nơi đây thành điểm hành hương linh thiêng của những phật tử và du khách thập phương.
Nhà báo người Scotland kiêm quản lý thuộc địa của đế quốc Anh James George Scott đã từng viết vào năm 1910:
“Không nơi nào có thể tự hào về số lượng lớn các công trình tôn giáo, cũng như sự xa hoa về thiết kế và trang trí như Bagan”.
Nằm gần đường đứt gãy Sagaing ở miền trung Myanmar, 2.200 di tích Phật giáo từ thế kỷ XI còn lại của Thánh địa Phật giáo Bagan từ lâu đã dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện địa chấn.
Tiến sĩ Stephen Murphy, giảng viên cao cấp về nghệ thuật châu Á tại Đại học Soas London, cho biết: “Trận động đất gần đây nhất vào năm 2016 đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các di tích quan trọng” . Ông nói thêm rằng không rõ trận động đất hôm thứ 6 ngày 28/03/2025 vừa qua có gây ra thiệt hại tương tự hay không.

Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar 28/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN (sưu tầm)
Các bảo tháp và những ngôi già lam cổ tự được xây dựng trên bờ sông, còn được gọi là sông Ayeyarwaddy, là con sông lớn nhất ở Myanmar chảy từ phía Bắc đến phía Nam của đất nước bởi vương quốc đầu tiên thống nhất phần lớn lãnh thổ Myanmar hiện đại. Pagan/Bagan trở thành trung tâm của văn hóa và Phật giáo Theravada, với hàng ngàn cơ sở tự viện Phật giáo và bảo tháp được xây dựng và là một trong những nền văn minh Phật giáo vĩ đại nhất thế giới.
Người sáng lập Bagan, Đức Quốc Vương Anawrahta Minsaw (1015-1078), người sáng lập đế quốc Myanmar thứ nhất. Ông được các sử gia coi là vị vua quan trọng nhất trong lịch sử Myanmar, bắt đầu bằng một cuộc chiến đấu anh hùng chống lại người anh cùng cha khác mẹ của mình vào khoảng năm 1044, sau đó tiếp tục chinh phục các quốc gia xung quanh.
Một truyền thuyết được ghi lại trên các bia ký tại Bagan là ông đã đưa 30.000 tù nhân trở về, những người có kỹ năng chạm khắc, hội họa, xây dựng và nhiều kỹ năng hữu ích khác, bao gồm: “những người đàn ông khéo léo trong hế giới của các mùi thơm và hương liệu, mùi đặc biệt và đóa hoa tươi thắm và phần tinh túy của hoa”. Những người này được Đức Quốc Vương Anawrahta Minsaw huy động cho công cuộc xây dựng các cơ sở tự viện Phật giáo và bảo tháp tráng lệ.
Ước tính hơn 10.000 cơ sở tự viện Phật giáo đã được kiến tạo, nhiều công trình được trang trí bằng các chi tiết phức tạp đã tồn tại qua các trận động đất và cả các đợt trùng tu thiếu cân nhắc của chính quyền vào những năm 1990.
Được công nhận là di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vào năm 2019, thành phố Thánh địa Phật giáo Bagan đã phải hứng chịu tình trạng hỗn loạn chính trị và bạo lực. Lượng du khách nước ngoài đã giảm mạnh trong 20 năm qua từ khoảng 200.000 xuống còn vài nghìn du khách.
Giám đốc Vận hành hoạt động Marc Leaderman tại công ty lữ hành Wild Frontiers cho biết: “Chúng tôi đã đón nhiều du khách cho đến năm 2017. Đây là một địa điểm có thể so sánh với Angkor Wat và rõ ràng chúng tôi vô cùng đau buồn cho người dân Myanmar và Thái Lan”.

Ảnh sưu tầm
Thánh địa Phật giáo Bagan vẫn là một thành phố linh thiêng với người dân Myanmar, với hơn 400.000 lượt khách tham quan vào năm 2023. Ashley Thompson, giáo sư nghệ thuật Đông Nam Á tại Soas, cho biết:
“Đối với những người dân phải chịu đựng bạo lực chính trị kéo dài trong nhiều thập kỷ qua, những tia sáng le lói về sự thịnh vượng trong quá khứ mà Thánh địa Phật giáo Bagan mang lại cũng có thể nuôi dưỡng hy vọng, ngay cả biểu tượng Phật giáo quốc đạo vẫn có thể bị những thế lực chính trị sử dụng làm công cụ”.
Bagan cũng là nơi có một bảo tàng lưu giữ “văn bản chạm khắc Myazedi”, một trụ đá có niên đại từ năm 1.113, còn được gọi là Đá Rosetta Miến Điện. Nó mang bốn ngôn ngữ cổ, bao gồm cả bản sơ khai nhất được biết đến của tiếng Miến Điện.
Giáo sư Ashley Thompson đánh giá: “Mất mát văn hóa tiềm tàng mà Bagan một lần nữa phải đối mặt có thể không đáng kể so với mất mát về sinh mạng, nhưng sẽ có tác động lâu dài đến một đất nước mà ngày nay rất nhiều người phải đấu tranh để tồn tại”.
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: www.theguardian.com