Thanh Hóa bảo tồn di tích gắn với khai thác du lịch di sản

Thanh Hóa có 1.535 di tích được kiểm kê và công bố, trong đó có 856 di tích được xếp hạng, gồm: Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia, 711 di tích cấp tỉnh. Công tác bảo tồn gắn khai thác lợi thế du lịch hiện được đẩy mạnh nhằm phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại.

Ban quản lý mở cửa chính điện Lam Kinh phục vụ khách tham quan.

Ban quản lý mở cửa chính điện Lam Kinh phục vụ khách tham quan.

Triển khai dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo tổng thể Khu di tích lịch sử Lam Kinh; nhiều năm qua khu di tích Lam Kinh được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục công trình kiến trúc, cảnh quan: La thành, cầu Bạch, giếng cổ, Ngọ môn, sân Rồng, 6 Khu lăng mộ, nhà che bia, các tòa Thái Miếu, Chính điện, hồ Tây, sông Ngọc, đập nhà Lê, hệ thống đường tham quan di tích.

Ban quản lý cùng chính quyền các cấp cắm mốc xác định phạm vi giới hạn, trồng cây làm hàng rào xanh bảo vệ di tích, trồng mới, tra dặm, bổ sung, làm giàu có thêm thảm thực vật.

Rừng đặc dụng Lam Kinh trở thành nơi sinh tồn, phát triển các loài động vật bản địa, hội tụ các loài chim di cư theo mùa. Đặc biệt, dự án bảo tồn và phỏng dựng Chính Điện Lam Kinh-công trình quan trọng tại Di tích lịch sử Lam Kinh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ khách.

Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, Nguyễn Xuân Toán nhấn mạnh: Chính điện Lam Kinh bề thế, có giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, mỹ thuật cung đình-biểu tượng cho tài năng và đức độ của đức vua Lê Thái Tổ tỏa rạng thiên hạ (Quang Đức), đề cao, tôn sùng đạo hiếu (Sùng Hiếu) và đặc biệt là khát vọng vun đúc, kéo dài sự tốt lành cho vương triều và quốc gia Đại Việt (Diên Khánh). Có thể khẳng định, sự hiện hữu của tòa Chính điện ví như linh hồn của di sản, đã mang lại cho Lam Kinh một diện mạo kinh đô cổ xưa.

Khách tham quan hiện vật trưng bày tại Khu di tích Lam Kinh.

Khách tham quan hiện vật trưng bày tại Khu di tích Lam Kinh.

Khu Di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh được chăm sóc, tôn thêm vẻ đẹp cổ xưa, gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường.

Xe điện được bổ sung, chỉnh trang các tuyến đường nội bộ; hệ thống thuyết minh tự động, trải nghiệm thực tế ảo được đầu tư, đưa vào vận hành phục vụ khách tham quan di tích.

Hằng năm, các hướng dẫn viên được cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng nội dung thuyết minh, không ngừng đổi mới hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản.

Cơ quan chuyên môn tăng cường sưu tầm, phục dựng, gắn chíp, chỉnh lý 600-700 hiện vật/năm. Cán bộ, viên chức tận tình, chu đáo phục vụ, hướng dẫn khách tham quan, nên số lượng khách đến di tích tăng từ 10-15%/ năm.

Ban quản lý di tích Lam Kinh còn phối hợp với các trường học ở huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, tuyên truyền trực tiếp tới học sinh về công tác gìn giữ, bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương.

Cổng phía nam Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Cổng phía nam Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Thực hiện khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, hơn 10 năm qua Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ đã phối hợp với Viện Khảo cổ học thuộc Hội Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật khảo cổ học nhiều vị trí. Theo đó, phát lộ, phát hiện hàng chục dấu tích kiến trúc, sưu tập hàng nghìn hiện vật quý phục vụ nghiên cứu, làm sáng rõ thêm các luận cứ khoa học, tăng các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ tiếp tục sưu tầm, bổ sung hiện vật; thiết kế không gian trưng bày hiện vật trong nhà, ngoài trời, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm của khách.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đánh giá: Các hiện vật phát hiện trong quá trình khảo cổ học mang lại giá trị hết sức to lớn, là cơ sở khoa học quan trọng để tiến hành thực hiện các dự án tiếp theo, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc tại Di sản Thành nhà Hồ.

Khách du lịch trải nghiệm sinh hoạt đời thường trong không gian nhà cổ.

Khách du lịch trải nghiệm sinh hoạt đời thường trong không gian nhà cổ.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ còn thiết kế không gian, trưng bày giới thiệu các dụng cụ sản xuất, sinh hoạt cổ truyền, kết nối khách tham quan khám phá, tìm hiểu các nhà cổ ở làng Tây Giai, tới các di tích vệ tinh trong không gian văn hóa Tây Đô, hỗ trợ duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa dân gian; phối hợp với các đơn vị trường học tổ chức diễn đàn, thi tìm hiểu giá trị di sản Thành nhà Hồ, trải nghiệm kỹ thuật xây thành nhằm lan tỏa niềm tự hào, khích lệ học sinh tìm hiểu lịch sử dân tộc.

Tính đến tháng 11 năm nay, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ thu hút được 242.405 lượt khách, vượt gần 52% kế hoạch năm, trong đó có 2.668 khách quốc tế.

Thanh Hóa luôn quan tâm bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa; tập trung nguồn lực thực hiện bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng đang xuống cấp nghiêm trọng; đầu tư phục hồi, tôn tạo các di tích trọng điểm, sớm đưa vào khai thác, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của các địa phương.

Hằng năm, tỉnh phê duyệt danh mục và ưu tiên triển khai các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa có giá trị, gắn với khai thác du lịch.

Toàn tỉnh có 190 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là 4.508,609 tỷ đồng; trong đó có 36 dự án hoàn thành, phê duyệt quyết toán, 11 dự án đang triển khai thực hiện, 44 dự án khởi công mới hoặc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; 64 dự án được thống nhất phương án tu bổ, tôn tạo di tích.

Tam quan Đền Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Tam quan Đền Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều dự án đầu tư, tu bổ di tích cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác góp phần nâng cao giá trị di tích, tạo điểm đến hấp dẫn, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Đó là Khu lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng; Di tích lịch sử văn hóa Nghè Vẹt ở huyện Vĩnh Lộc; Trận địa pháo đồi C4 thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa; Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, ở huyện Ngọc Lặc; Chính điện-Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, ở huyện Thọ Xuân...đã và đang phát huy giá trị phục vụ, phát triển du lịch. Qua đó, góp phần hoàn thiện, tăng sức hấp dẫn sản phẩm du lịch di sản, văn hóa, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham quan.

Thanh Hóa đã triển khai số hóa và đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch thông minh Smart Travel tại 9 khu, điểm du lịch; đẩy mạnh quảng bá giá trị di sản trên các nền tảng số; giao tổ chức đoàn thanh niên ứng dụng công nghệ số, giới thiệu các di tích, di sản trọng điểm nhằm hỗ trợ quảng bá, giúp khách du lịch tìm hiểu thông tin, trải nghiệm các điểm đến, phát huy hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị di tích, di sản.

Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức quy mô, bài bản, chuyên nghiệp; các loại hình văn hóa phi vật thể, sản phẩm văn hóa dân gian được khôi phục, duy trì, góp phần nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch di sản, văn hóa.

Từ năm 2021 đến hết năm 2024, Thanh Hóa ước đón được hơn 42,2 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,2%/năm, trong đó có hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế.

Người dân thực hành nghi lễ tín ngưỡng.

Người dân thực hành nghi lễ tín ngưỡng.

Dù vậy, khách du lịch quốc tế chiếm tỷ trọng rất thấp so với tổng lượt khách du lịch toàn tỉnh (chiếm 4,2%) và so với số lượng khách du lịch quốc tế của cả nước (chiếm 3,9%). Cơ cấu thị trường khách du lịch quốc tế còn thiếu tính đa dạng, chủ yếu đến từ châu Á như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản. Chuyển đổi số trong ngành du lịch đang gặp phải vấn đề thiếu hụt nguồn lực công nghệ, tài chính, nhân lực có chuyên môn công nghệ thông tin.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng nhấn mạnh: Thanh Hóa rất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, nơi phát lộ và là khu vực trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.

Lịch sử, văn hóa truyền thống đó đã tạo nên giá trị văn hóa giàu bản sắc, đầy tự hào, được các thế hệ người dân xứ Thanh coi trọng, giữ gìn, trao truyền, bồi đắp và phát triển không ngừng. Thời gian qua công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa được quan tâm đẩy mạnh.

Múa Rồng tại lễ hội truyền thống Lam Kinh.

Múa Rồng tại lễ hội truyền thống Lam Kinh.

Thanh Hóa tiếp tục đẩy nhanh các dự án khảo cổ, khai quật, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử có giá trị nhằm sớm đưa vào khai thác, phát triển du lịch. Đi đôi với nghiên cứu làm mới kịch bản, cách thức tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa truyền thống, đặc trưng, nhất là các lễ hội tiêu biểu: Lam Kinh, Bà Triệu, Lê Hoàn; ngành chủ quản, cơ quan chuyên môn cùng các địa phương chú trọng phục dựng, xây dựng mới các lễ hội tại các khu di tích trọng điểm của tỉnh nhằm quảng bá, góp phần tạo thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa như: Lễ hội tại Lăng miếu Triệu Tường, Festival di sản Thành nhà Hồ, lễ tế giao tại Khu di tích Đàn tế Nam Giao. Khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống; duy trì, phát triển các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại các khu điểm du lịch nhằm tạo thêm hấp dẫn, thu hút du khách, lan tỏa giá trị di sản.

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-hoa-bao-ton-di-tich-gan-voi-khai-thac-du-lich-di-san-post846776.html