Thanh Hóa cam kết hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 10.2025
Chiều 9.5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện và ký biên bản cam kết hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ triển khai thực hiện và ký biên bản cam kết trách nhiệm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh
Theo báo cáo của Sở Dân tộc và Tôn giáo Thanh Hóa, đến ngày 9.5.2025, toàn tỉnh còn 4.879 căn nhà tạm, nhà dột nát chưa được khởi công xây dựng, trong tổng số 15.326 căn có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa. Dù đã có hơn 10.400 căn nhà được khởi công và hoàn thành, tiến độ chung vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Tổng kinh phí huy động qua MTTQ ba cấp trong cả hai đợt là hơn 634 tỉ đồng, cộng với gần 189 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 9.000 căn nhà chưa được bố trí kinh phí hỗ trợ, trong khi chỉ mới có 15 huyện báo cáo số liệu mới với 415 căn khởi công kể từ sau cuộc họp ngày 25.4.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nêu rõ: Dù tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức các hội nghị giao nhiệm vụ, một số địa phương vẫn còn biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm được giao.
Đặc biệt, việc rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách hộ được hỗ trợ còn chậm, nhiều lần thay đổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai Cuộc vận động.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại các huyện, thị xã, thành phố.
Đồng thời, cần xử lý dứt điểm tình trạng trì trệ, sợ sai, né tránh trách nhiệm và tập trung khởi công đồng loạt các căn nhà đủ điều kiện vào ngày 12.5.2025.
Tại Hội nghị, các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ký biên bản cam kết trách nhiệm với bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy về việc hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh trong tháng 10.2025.
Lãnh đạo tỉnh cũng giao Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo sát sao các sở, ngành, đặc biệt là Sở Dân tộc và Tôn giáo – trong vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, tăng cường theo dõi, đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc hỗ trợ đến đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng trùng lặp hoặc bỏ sót.
Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và pháp luật về tiến độ, chất lượng, hiệu quả và tính chính xác của danh sách đối tượng được hỗ trợ tại địa phương.