Thanh Hóa dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thành lập được 2.462 doanh nghiệp mới, đạt hơn 80% kế hoạch, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty TNHH KH Vina tại KCN Bỉm Sơn chuyên may gia công sản phẩm quần áo bảo hộ lao động và áo sơ mi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Công ty TNHH KH Vina tại KCN Bỉm Sơn chuyên may gia công sản phẩm quần áo bảo hộ lao động và áo sơ mi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thanh Hóa hiện vẫn duy trì là địa phương đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và xếp thứ 6 cả nước về số lượng đăng ký thành lập mới, sau các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai.

Theo đó, cả 3/3 khu vực trên địa bàn tỉnh đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ. Vùng đồng bằng và thành phố Thanh Hóa thành lập được 1.647 doanh nghiệp; vùng ven biển thành lập mới 561 doanh nghiệp và vùng miền núi có 254 doanh nghiệp thành lập mới.

Trong số 17 ngành nghề đăng ký kinh doanh, có 11/17 lĩnh vực ngành, nghề có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ như bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo....

Ngoài ra, 6/17 lĩnh vực ngành, nghề của doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; sản xuất phân phối, điện, nước, gas; khai khoáng…

Ông Hoàng Văn Thụ, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa) cho biết, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu thành lập mới từ 3.000 doanh nghiệp trở lên. Từ đầu năm đến nay, các ngành, địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân khởi nghiệp, hộ cá thể chuyển đổi thành lập doanh nghiệp mới, đưa số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một số địa phương có kết quả phát triển doanh nghiệp đạt thấp hơn so với vùng kỳ như huyện Quân Sơn (giảm 75%), huyện Lang Chánh (giảm gần 38%), huyện Quan Hóa (giảm 10%).

Đáng lưu ý, địa bàn hoạt động và lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp phát triển không đồng đều, doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và thành phố Thanh Hóa…

Để từng bước khắc phục những hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp và hoàn thành chỉ tiêu thành lập mới 3.000 doanh nghiệp năm 2022, Ban Chỉ đạo phát triển doanh nghiệp tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương và đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát, đánh giá, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ doanh nghiệp, đảm bảo nhanh gọn thuận lợi cho nhà đầu tư; thực hiện nghiêm túc quy định “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, các đơn vị tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các loại hình kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền như phân công cán bộ hướng dẫn hộ thủ tục, hồ sơ chuyển thành doanh nghiệp, tư vấn định hướng kinh doanh, hỗ trợ về quy định pháp lý, phần mềm và nghiệp vụ kế toán…/.

Khiếu Tư/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thanh-hoa-dan-dau-khu-vuc-bac-trung-bo-ve-doanh-nghiep-dang-ky-thanh-lap-moi/257862.html