Thanh Hóa: 'Đau đầu' xử lý 5,5 triệu khối đất thừa tại dự án ô tô

Thanh Hóa đang tiến hành nghiên cứu phương án đảm bảo quy định pháp luật khi di chuyển 5,5 triệu khối đất ở dự án ô tô tại xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Làm rõ quy định khi di chuyển 5,5 triệu khối đất

Vừa qua, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản yêu cầu rà soát đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, máy xây dựng của Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu tại các xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa thống nhất điều chỉnh bỏ nội dung “tiến độ” được quy định tại điểm b Mục 10 Điều 1 Quyết định số 1713/QĐ-UBND ngày 22/5/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại các xã Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Trụ sở của Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu - Chủ đầu tư dự án ô tô với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 7.000 tỷ đồng tại Thanh Hóa.

Trụ sở của Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu - Chủ đầu tư dự án ô tô với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 7.000 tỷ đồng tại Thanh Hóa.

Tiếp đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư và các đơn vị liên quan báo cáo làm rõ việc xác định tiến độ thực hiện của dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại các xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc theo các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/6/2024.

Nội dung văn bản cũng nêu rõ, căn cứ thời gian thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu rà soát đánh giá tính khả thi của dự án, nêu rõ thời gian, tiến độ thực hiện, đảm bảo mục tiêu đầu tư và các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án, báo cáo gửi UBND huyện Hậu Lộc.

Đáng chú ý, đối với lượng đất thừa "khổng lồ" dự kiến lên tới hơn 5,5 triệu khối mà phía chủ đầu tư đang tiến hành xin vận chuyển khỏi dự án và tận thu, trong văn bản trên nêu rõ, giao UBND huyện Hậu Lộc (cơ quan thẩm định dự án) nghiên cứu, làm rõ việc đảm bảo các yêu cầu theo quy định đối với việc di chuyển khối lượng lớn đất trong khu vực thực hiện dự án ra bên ngoài, đảm bảo tính khả thi của dự án. Việc này được thực hiện sau khi nhận được báo cáo của Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu.

Thừa 5,5 triệu khối đất tại dự án ô tô nghìn tỷ

Trước đó, theo báo cáo ngày 25/1 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu được UBND tỉnh cho thuê đất để tiếp tục sử dụng vào mục đích thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng (dự án ô tô Toàn Cầu) thuộc các xã Đại Lộc và xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc tại Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 24/6/2021, với diện tích 456.334m2.

Theo đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tại hạng mục san nền thì khối lượng đất đào (đất thừa) cần vận chuyển ra khỏi dự án khoảng 5.557.000m3, không xác định vị trí đổ thải khiến doanh nghiệp "đau đầu" để xử lý khối đất thải khổng lồ này.

Chi tiết về công tác san nền thực hiện dự án, theo ý kiến của Sở Xây dựng thì “Cao độ san nền khu vực dự án được khống chế từ +10,8m đến +17,2m; san nền trong lô đất quy hoạch tạo độ dốc i = 0,04% - 1,0%, hướng dốc về phía Tây Nam. San gạt khu vực đồi ở giữa để tạo mặt bằng”. Trong đó, cao độ san nền các ô đất từ +11m đến + 14,6m; cao độ ta luy cao nhất phía Đông - Bắc là +17,2m”.

Công ty CP Tập Đoàn Nghe nhìn Toàn Cầu bỏ ra khoảng 28 tỷ đồng để mua lại tài sản phát mại dự án Vinaxuki cũ và trở thành "ông chủ mới" dự án.

Công ty CP Tập Đoàn Nghe nhìn Toàn Cầu bỏ ra khoảng 28 tỷ đồng để mua lại tài sản phát mại dự án Vinaxuki cũ và trở thành "ông chủ mới" dự án.

Trong khi đó, theo Văn bản số 3516/UBND-KTHT ngày 14/12/2023 của UBND huyện Hậu Lộc, cao độ san nền được khống chế thấp nhất +11,00m tại khu đất phía Tây Bắc và cao nhất +14,60m phía Đông Nam khu đất xây dựng công trình của dự án, phù hợp với số liệu tại bản vẽ QH-06: Bản đồ định hướng cao độ san nền quy hoạch (bản vẽ kèm theo Quyết định) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt trong tháng 5/2023.

Đồng thời, phía huyện Hậu Lộc cũng cho rằng, quá trình san nền, khối lượng đất cần vận chuyển đi để tạo mặt bằng xây dựng nhà máy trong quá trình thi công sẽ phát sinh khối lượng đất, đá thừa phải di chuyển là khoảng 5.5 triệu m3 (số liệu tính toán do Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế cung cấp).

Về xử lý lượng đất thừa, theo văn bản UBND huyện Hậu Lộc nêu quan điểm cho rằng, với khối lượng đất dư thừa nếu vận chuyển đổ đi sẽ gây lãng phí tài nguyên khoảng sản, không giải quyết được khó khăn về nguồn cung vật liệu đất đắp cho các dự án của huyện Hậu Lộc hiện nay và các địa phương lân cận. Mặt khác, theo quy hoạch vùng huyện Hậu Lộc đã được UBND tỉnh phê duyệt, trên địa bàn huyện Hậu Lộc cũng không có quy hoạch bãi đổ đất đá thải tập chung.

Loay hoay phương án "xử lý" 5,5 triệu khối đất thừa

Để giải quyết lượng đất dư thừa khi san nền thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu đã ký Hợp đồng số 12/HĐNT/2023 ngày 12/10/2023 với Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến để thi công gói thầu san lấp, chuẩn bị mặt bằng cho dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại các xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Vì vậy, ngày 13/10/2023, Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến đã có đơn (kèm theo hồ sơ nộp qua Trung tâm phục vụ hành chính công) đề nghị được khai thác, vận chuyển ra ngoài khoảng 5.556.672m3 đất san lấp, với công suất khai thác hơn 2.77 triệu khối mỗi năm, thời hạn khai thác 2 năm kể từ ngày được cấp phép.

Tuy nhiên, với khối lượng đất thừa quá lớn lên tới 5,5 triệu m3 và việc tận thu khoáng sản thực hiện trong khu vực một dự án đã khiến các cơ quan chức năng Thanh Hóa tỏ ra "lúng túng", phải xin ý kiến chỉ đạo cơ quan cấp trên, mà cụ thể là xin ý kiến hướng dẫn từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, trên cơ sở kết quả kiểm tra và ý kiến các ngành, đơn vị liên quan, ngày 10/11/2023, Sở TNMT Thanh Hóa đã có Công văn số 10512/STNMT-TNKS đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thành phần hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong dự án đầu tư xây dựng công trình được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Dự kiến có hơn 5,5 triệu khối đất dư thừa khi thực hiện dự án.

Dự kiến có hơn 5,5 triệu khối đất dư thừa khi thực hiện dự án.

Đồng thời, sau đó ít ngày, Sở đã có Văn bản số 10670/STNMT-TNKS ngày 15/11/2023, trả hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đất ở khu vực Dự án Toàn Cầu theo đề nghị của Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến, với lý do chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tới ngày 27/11/2023, Cục Khoáng sản Việt Nam đã có văn bản trả lời hướng dẫn về trình tự, thành phần hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong dự án đầu tư xây dựng công trình được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sau khi có hướng dẫn từ Cục Khoáng sản Việt Nam, ngày 29/11/2023, Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến có Văn bản số 11/CV-NT tiếp tục đề nghị cấp phép khai thác đất san lấp tại khu vực trên.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, do khối lượng đất đề nghị cấp phép rất lớn với khoảng hơn 5,5 triệu khối và thực hiện trong thời gian ngắn, cùng số liệu về cao độ san nền trong Quy hoạch chi tiết 1/500 và Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công chưa thống nhất, vì vậy, ngày 11/12/2023 Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 11511/STNMT-TNKS đề nghị Sở Xây dựng, UBND huyện Hậu Lộc rà soát làm rõ nội dung liên quan đến cao độ san nền và khối lượng đất thừa cần vận chuyển đi tại dự án trên.

Một tháng sau, ngày 27/12/2023, Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến lại tiếp tục có Văn bản số 2711/CV-NT báo cáo và đề nghị được khai thác đất san lấp gói gọn trong phạm vi diện tích 12,88 ha (đây là khu quy hoạch xây dựng khu điều hành - dịch vụ và khu xưởng sản xuất của dự án) với thời hạn 1 năm.

Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của Cục Khoáng sản Việt Nam, Sở Xây dựng, UBND huyện Hậu Lộc, các ngành, đơn vị có liên quan và đề nghị của Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến, ngày 6/1/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 152/STNMT-TNKS báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các nội dung trên.

Liên quan tới dự án, chiều 7/6, trao đổi nhanh với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản Sở Tài nguyên Môi trường Thanh Hóa cho biết, hiện cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục tiến hành rà soát làm rõ các vấn đề liên quan trong việc cấp phép tận thu tại dự án. Đồng thời, thừa nhận việc tận thu có thể có nguy cơ phát sinh các vấn đề như: ô nhiễm môi trường, áp lực giao thông trên tuyến cũng như ảnh hưởng tới nguồn cung trên địa bàn.

Dự án ô tô của Công ty CP Tập đoàn Toàn Cầu được giới thiệu có tổng vốn đầu tư lên tới gần 7.000 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn với mục tiêu lắp ráp, sản xuất ô tô và dự kiến tạo ra khoảng 10.000 việc làm.

Vị trí dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Toàn Cầu đặt tại xã Đại Lộc và Triệu Lộc nằm sát tuyến Quốc lộ 1A huyết mạch chạy qua tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, tiếp giáp gần các khu vực đô thị hóa nhanh và có nhu cầu san lấp lớn như Hoằng Hóa, Sầm Sơn, cùng nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đang được đầu tư xây dựng.

Đáng chú ý, mặc dù là chủ đầu tư dự án ô tô đầy tham vọng hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu trước đó có rất ít thông tin trong các hoạt động liên quan tới ngành công nghiệp ô tô, gần như "vắng bóng" khi tiến hành các bước tìm kiếm cơ bản trên không gian mạng. Vì vậy, có thể xem Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu là một “ẩn số” cho dự án tham vọng này.

Việt Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dau-dau-xu-ly-5-5-trieu-khoi-dat-thua-tai-du-an-o-to-nghin-ty-a667367.html