Thạnh Hóa đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung, có lợi thế vùng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản.
Từ cây lúa...
Nhằm phát huy thế mạnh chủ lực của cây lúa, thời gian qua, huyện Thạnh Hóa thực hiện tốt chủ trương quy hoạch sản xuất, đặc biệt là quy hoạch cánh đồng lớn dần phát huy hiệu quả. Địa phương từng bước kêu gọi nhà đầu tư cùng nông dân thực hiện liên kết trong sản xuất nhằm tạo đầu ra cho nông sản.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua tiếp tục tăng trưởng. Việc ƯDCNC vào sản xuất được mở rộng, tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng 41.000ha, sản lượng đạt trên 230.000 tấn/năm.
Trong đó, diện tích lúa ƯDCNC trên 3.216ha. Hiện ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục triển khai, thực hiện chương trình sản xuất lúa ƯDCNC và mô hình liên kết tại các xã: Thạnh Phú, Thạnh Phước, Thạnh An với diện tích trên 2.600ha.
Nhờ ƯDCNC trong sản xuất, huyện đã hình thành nhiều mô hình mang lại hiệu quả như 1 phải, 5 giảm; Ứng dụng máy cấy; sạ cụm; Ứng dụng thiết bị bay rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật;... góp phần giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ khoảng 10-15% so với trước đây và giảm từ 1-2 lần phun thuốc phòng, trừ sâu, bệnh. Từ đó, nâng cao chất lượng nông sản, hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như an toàn sức khỏe cho người sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Trạng (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) cho biết, khi tham gia các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC, ông được hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, giới thiệu bao tiêu sản phẩm, từ đó, lợi nhuận tăng so với sản xuất thông thường từ 1,5-2 triệu đồng/ha.
Còn ông Lê Tấn Nghĩa (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) bộc bạch: “Từ khi được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật, năng suất lúa cao hơn từ 500-700kg/ha so với sản xuất truyền thống. Cùng với đó, lượng giống giảm khoảng 15%, giảm 2 lần phun thuốc nên lợi nhuận cao hơn từ 1-2 triệu đồng/ha. Năm 2023, do giá lúa ở mức cao so với các năm trước nên lợi nhuận trong mô hình cao hơn bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha”.
... đến cây chanh
Cùng với cây lúa, cây chanh cũng được huyện Thạnh Hóa chọn để phát triển theo hướng công nghệ cao. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, diện tích chanh trên địa bàn huyện liên tục tăng. Toàn huyện hiện có trên 600ha chanh, tập trung ở xã Thuận Bình, Tân Hiệp. Trong đó, có trên 103ha chanh ƯDCNC và 165ha chanh được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu.
Ông Võ Văn Ư (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) đang canh tác 6ha chanh được hơn 4 năm tuổi, chia sẻ: “Thông thường, sau 2 năm, chanh bắt đầu cho trái. Trung bình mỗi năm, chanh cho thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt thu được khoảng 30 tấn trái. Sau khi trừ chi phí, tôi có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha”. Được biết, hiện nay, ông Ư là thành viên của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Thành (xã Thuận Bình) nên bảo đảm được đầu ra của chanh.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Thành - Trần Đăng Khoa cho biết: “Thời gian qua, chanh là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Để đầu ra của chanh ổn định, HTX vận động các thành viên ƯDCNC và thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến sản xuất sạch, tạo liên kết với doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng được mùa, rớt giá”.
Hiện nay, việc ƯDCNC trên cây chanh trên địa bàn huyện Thạnh Hóa được triển khai thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống tưới tự động; sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; sử dụng máy móc trong phun thuốc, bón phân;...
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: Để khai thác tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, huyện triển khai đầu tư 34 công trình với tổng nguồn vốn 65,72 tỉ đồng. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 6 công trình, huyện thực hiện 28 công trình.
Hiện tại, 60% đường giao thông trong vùng ƯDCNC của huyện đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản; 94,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện được xây dựng đê bao lửng; 19% diện tích đê bao lửng có trạm bơm điện phục vụ sản xuất.
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển vùng lúa ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, ngành củng cố, thành lập mới HTX trong vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC để làm đầu mối cho việc xây dựng và mở rộng mô hình liên kết sản xuất; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất.
Ngoài ra, ngành ưu tiên bố trí ngân sách để hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng sản xuất ƯDCNC như đường trục chính nội đồng, hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng đê bao lửng, trạm bơm điện,... giúp người dân chủ động trong sản xuất” - ông Nguyễn Kinh Kha thông tin thêm./.