Thanh Hóa hụt hơi nếu 'đua' về khách ngoại
Thanh Hóa xếp thứ 2 cả nước về lượng du khách dịp 30/4 - 1/5, nhưng bị bỏ xa nếu tính riêng lượng khách quốc tế.

4.170 tỷ đồng doanh thu du lịch tại tỉnh Thanh Hóa trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đến từ 1,6 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 7.500 khách quốc tế, tương đương 4,7%.
Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Thanh Hóa xếp thứ 2 cả nước về lượng khách và doanh thu trong dịp lễ, chỉ sau TP.HCM - nơi tổ chức đại lễ 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Xếp hạng này không gây bất ngờ. Cùng kỳ năm ngoái, xứ Thanh giữ “ngôi vương” cả về lượng khách và doanh thu, dù cho không phải điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch nội địa.
Tuy nhiên, tỷ lệ khách quốc tế so với khách nội địa tại Thanh Hóa có sự chênh lệch rõ rệt. So với một số điểm đến lân cận, quê hương của biển Sầm Sơn dường như chưa nhận được sự quan tâm đủ lớn từ khách ngoại.

Điểm sáng
Tâm điểm của du lịch Thanh Hóa dịp lễ năm nay vẫn là phố biển Sầm Sơn với khoảng 916.000 lượt khách, chiếm hơn 50% tổng lượt khách toàn tỉnh.
Ngoài ra, các khu du lịch khác như Hải Tiến, Bãi Đông, Pù Luông, Lam Kinh... cũng ghi nhận lượng khách tăng mạnh. Trong bối cảnh thời tiết đầu kỳ nghỉ không hoàn toàn thuận lợi, dòng khách vẫn đổ về đều đặn cho thấy sức hút ổn định của du lịch biển và cộng đồng tại đây.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, nhận định lượng khách đến Thanh Hóa dịp lễ tăng cao nhờ vị trí địa lý thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đại chúng về tắm biển và nghỉ ngơi ngắn ngày.
“Bãi biển Thanh Hóa khá tốt nếu so với các điểm du lịch biển phía Bắc, lại gần Hà Nội và các tỉnh lân cận, nên rất dễ thu hút khách đi lại tự túc”, ông phân tích với Tri Thức - Znews.




Biển Sầm Sơn nơi được mệnh danh “thủ phủ du lịch biển miền Bắc” trong dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tiếp tục đứng đầu lượng khách toàn tỉnh. Ảnh: @huyenn_3106, ivivu.
Về phía đơn vị lữ hành, ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Du Lịch Việt, cho biết kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay ghi nhận lượng khách đặt tour đến Thanh Hóa tăng đột biến từ cả hai thị trường Hà Nội và TP.HCM.
Tại miền Bắc, gần 70% du khách là người Hà Nội lựa chọn các tour ngắn ngày 2-3 đêm, lưu trú tại khu nghỉ ven biển như Sầm Sơn, Hải Tiến.
Với khách từ TP.HCM, các tour trọn gói liên tỉnh có điểm đến là Thanh Hóa cũng được ưa chuộng. Các hoạt động phổ biến gồm tắm biển, ăn hải sản, team building, gala dinner, tham quan di sản và trải nghiệm du lịch cộng đồng như Pù Luông, suối cá Cẩm Lương.
“Xu hướng lưu trú dài ngày hơn rõ rệt năm nay cho thấy du khách đánh giá cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm ở Thanh Hóa”, ông Vũ nhận định.
Lý giải Thanh Hóa giữ vững vị thế trong nhóm đầu về lượng khách nội địa, ông Vũ cho rằng ngoài lợi thế bãi biển và vị trí địa lý, hạ tầng giao thông cải thiện mạnh, với hệ thống cao tốc kết nối Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, là yếu tố quyết định.
Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều khu nghỉ dưỡng mới, công viên giải trí, phố đi bộ và các điểm check-in hiện đại giúp địa phương này tiếp cận nhóm khách trẻ và khách đoàn.
“Trước đây Sầm Sơn từng bị chê là ‘chặt chém’, nhưng nay Thanh Hóa kiểm soát giá tốt hơn, đảm bảo an ninh, vệ sinh và chất lượng dịch vụ. Đây là thay đổi quan trọng”, ông nói.
Vắng bóng khách ngoại
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, dù tổng lượng khách tăng, tỷ trọng khách quốc tế tại Thanh Hóa lại ở mức rất thấp - chỉ khoảng 7.500 lượt. Trong khi đó, Hà Nội trong cùng kỳ đón tới 136.000 khách quốc tế, gấp gần 20 lần, dù tổng lượng khách chỉ bằng khoảng một nửa. Tình trạng này phản ánh rõ “khoảng trống” trong chiến lược thu hút khách quốc tế tại Thanh Hóa.
Chuyên gia này nhận định con số 1,6 triệu lượt khách cần được nhìn nhận thận trọng. Báo cáo số liệu du lịch hậu nghỉ lễ chưa tách biệt khách địa phương, khách ngoại tỉnh hay khách quốc tế. Phần lớn khách quốc tế đến tỉnh hiện nay là các đoàn nhỏ, chủ yếu lưu trú tại FLC Sầm Sơn hoặc chơi golf. Những sản phẩm đặc trưng mang giá trị văn hóa, trải nghiệm cao cấp vẫn còn mờ nhạt, chưa đủ sức hấp dẫn so với các điểm đến như Ninh Bình, Quảng Ninh hay Đà Nẵng.




Pù Luông (Thanh Hóa) đang là một trong điểm đến hút khách. Ảnh: Blog Của Rọt.
Theo chuyên gia, Thanh Hóa hiện gần như không có khách quốc tế đúng nghĩa, do hạ tầng chưa đạt chuẩn, sản phẩm thiếu riêng tư và độc đáo, nên khó cạnh tranh với các điểm đến khác.
“Các bãi biển ở Thanh Hóa đông nghịt người mỗi mùa hè, nhưng chủ yếu là khách đại chúng từ các tỉnh phía Bắc phù hợp với nhu cầu tắm biển, nghỉ ngơi cơ bản chứ chưa tạo được giá trị cao cấp để hút khách ngoại”, ông Lương nói.
Về công suất lưu trú dịp lễ, Thanh Hóa ước đạt gần 70%, tương đương Hà Nội, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Ninh Bình (85-90%) và Quảng Ninh (trên 90%). Mức này cũng giảm so với 82,5% của Thanh Hóa năm ngoái, phản ánh thực tế lượng khách tăng nhưng tỷ lệ lưu trú và mức chi tiêu chưa đồng đều, địa phương vẫn còn dư địa để nâng hiệu quả lưu trú.
PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng địa phương chưa phân định rõ khách lưu trú và khách tham quan trong ngày, khiến việc đánh giá hiệu quả kinh tế từ du lịch còn thiếu cơ sở vững chắc.
Nhiều người chỉ đến chơi trong ngày, không sử dụng dịch vụ lưu trú, nhưng vẫn được tính vào tổng lượng khách. Thực tế, đây là lượng khách rất lớn nhưng không tạo ra nhiều giá trị du lịch.
Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Du Lịch Việt cho rằng Thanh Hóa vẫn chưa có sức bật mạnh ở phân khúc khách quốc tế.
Theo ông Vũ, nguyên nhân chủ yếu nằm ở hạ tầng đón khách chưa đầy đủ, sân bay Thọ Xuân thiếu kết nối quốc tế và tỷ lệ khách sạn, resort đạt chuẩn quốc tế còn hạn chế.
Có cần giải bài toán khách ngoại?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hóa, cho biết chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 đã xác định trong giai đoạn hiện nay, khách du lịch nội địa là thị trường khách trọng điểm của tỉnh.
Riêng trong thời điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 chưa phải là thời gian cao điểm thu hút khách du lịch quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam thường vào thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
Cũng theo bà Yến, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, du lịch Thanh Hóa thu hút được 21,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 1,6 triệu lượt.

Lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hóa cho rằng đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 chưa phải là thời gian cao điểm thu hút khách du lịch quốc tế. Ảnh: Thạch Thảo.
Như vậy, song song với việc thu hút, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch nội địa, tỉnh Thanh Hóa chú trọng đến các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện tỉnh triển khai những phương án đồng bộ, từng bước hút khách lượng lớn khách ngoại trong tương lai.
Đầu tiên, Thanh Hóa tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Tỉnh ưu tiên nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông chiến lược nhằm tăng cường kết nối giữa các khu, điểm du lịch trọng điểm.
Thứ 2, tỉnh chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế địa phương. Trong đó, ba loại hình được xác định là mũi nhọn gồm: du lịch biển, du lịch di sản văn hóa - tâm linh và du lịch sinh thái - cộng đồng. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong nước mà còn có tiềm năng mở rộng ra thị trường quốc tế.

Cảnh "vỡ trận" tại bãi biển Sầm Sơn ngày đầu nghỉ lễ dịp 30/4/2022. Ảnh: Thạch Thảo.
Thứ 3, hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch được đổi mới mạnh mẽ, gắn với chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh. Tỉnh lựa chọn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô lớn để tạo điểm nhấn thu hút truyền thông và du khách.
Thứ 4, phát triển nguồn nhân lực du lịch được xác định là yếu tố then chốt. Tỉnh tập trung nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo bài bản, chú trọng đội ngũ có kỹ năng nghề nghiệp vững, tác phong chuyên nghiệp và khả năng ngoại ngữ tốt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch hiện đại.
Thứ 5, Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Tỉnh nỗ lực xây dựng hình ảnh một điểm đến văn minh, thân thiện và hấp dẫn trong mắt du khách trong nước lẫn quốc tế.
Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nếu muốn mở rộng thị trường quốc tế, Thanh Hóa cần đầu tư vào sản phẩm du lịch cao cấp, có chiều sâu văn hóa, trải nghiệm riêng biệt và nâng cấp hạ tầng đón khách quốc tế.
“Để đón khách ngoại, Thanh Hóa cần làm nhiều hơn nữa”, ông Phạm Anh Vũ nói, đề xuất địa phương nâng cấp sân bay, cảng biển, phát triển sản phẩm chuyên biệt như du lịch di sản, sinh thái, golf, tour mạo hiểm, MICE và phối hợp chặt với các hãng lữ hành để đưa tour Thanh Hóa vào chuỗi xuyên vùng.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thanh-hoa-hut-hoi-neu-dua-ve-khach-ngoai-post1551415.html