Đánh giá công chức theo KPI kèm tiêu chí kê khai tài sản, thu nhập

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị đánh giá công chức theo KPI, kèm theo đó là kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập thành một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá cán bộ, đảng viên…

Chiều ngày 7-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về dự án Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm thảo luận là vấn đề thu hút người tài vào bộ máy, việc đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ…

Người tài cần đãi ngộ tương xứng

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng không cần phân loại công chức theo cơ quan công tác như dự thảo luật. Bởi, dù làm việc trong cơ quan Đảng, MTTQ hay Nhà nước, công chức đều thực hiện hoạt động công vụ như nhau, hưởng chế độ, chính sách và có thể luân chuyển giữa các cơ quan. Việc phân loại như dự thảo sẽ tạo sự không thống nhất trong quản lý.

Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ông Đồng đề nghị thống nhất sử dụng thuật ngữ “nhân tài” như các văn kiện của Đảng, đồng thời tách bạch hai chính sách: Thu hút và trọng dụng. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần được quy định ở một điều riêng.

Về phương thức tuyển dụng, ĐB Đồng đề xuất bỏ khái niệm “tiếp nhận” do trùng với “xét tuyển”, đồng thời kiến nghị đẩy mạnh phân quyền tuyển dụng theo hướng “ai dùng người, người đó tuyển”.

 ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

Liên quan nội dung này, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) bày tỏ sự đồng tình với việc Nhà nước cần có cơ chế đặc biệt để thu hút, trọng dụng người có tài như dự luật đưa ra. Tuy nhiên, cần làm rõ chính sách đãi ngộ, bảo đảm nguồn lực tài chính để thực thi hiệu quả.

“Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp thu hút được người tài nhưng không bố trí được công việc phù hợp hoặc chế độ đãi ngộ chưa tương xứng khiến họ phải rời bỏ khu vực công”, ĐB lưu ý.

ĐB Yên cũng hoan nghênh các quy định mới về tuyển dụng công chức (Điều 24, 25 dự thảo luật), nhất là việc cho phép linh hoạt tuyển dụng qua thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận từ khu vực ngoài nhà nước.

Việc cho phép ký hợp đồng có thời hạn với chuyên gia, nhà khoa học là cần thiết để thu hút người giỏi. Bà Yên cho rằng, không thể kỳ vọng một nhà khoa học trẻ hay chuyên gia từ doanh nghiệp chuyển sang khu vực công với mức lương thấp và quy trình nhiêu khê.

Đánh giá cán bộ theo KPI

Tán thành cao với với quy định của dự luật về đánh giá công chức, cán bộ, ĐB Tạ Thị Yên nhấn mạnh: “Việc đánh giá căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao theo tháng, quý, 6 tháng, thông qua các tiêu chí định lượng như số lượng, chất lượng và tiến độ sản phẩm theo từng vị trí việc làm, là một bước tiến đột phá và cần thiết trong cải cách hành chính”.

Theo bà, đây là cách tiếp cận hiện đại, chuyển đổi từ các tiêu chí định tính cảm tính sang tiêu chí định lượng rõ ràng, tương tự như mô hình KPI (Key Performance Indicator) trong khu vực doanh nghiệp.

Việc sử dụng các chỉ số cụ thể để đánh giá giúp phản ánh chính xác, minh bạch và công bằng hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức – một yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh yêu cầu nâng cao chất lượng nền công vụ hiện nay.

 ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên)

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên)

Trong điều kiện chuyển đổi số, khi phần lớn công chức làm việc qua các hệ thống điện tử, xử lý văn bản số, họp trực tuyến, việc đánh giá hiệu quả thực hiện công việc bằng các công cụ công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn hoàn toàn khả thi. Nhiều quốc gia tiên tiến đã triển khai thành công cách tiếp cận này, mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc sàng lọc, sử dụng, đãi ngộ và phát triển đội ngũ cán bộ.

“Tôi đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, để có sự linh hoạt áp dụng phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, cấp quản lý khác nhau. Quy định này sẽ góp phần loại bỏ tình trạng đánh giá cảm tính, dễ dẫn đến tâm lý so bì, bè phái, dĩ hòa vi quý, làm mất động lực phấn đấu của những công chức tận tâm, có năng lực nhưng không được ghi nhận đúng mức”, ĐB Tạ Thị Yên đề nghị.

Đặc biệt, ĐBQH tỉnh Điện Biên cũng bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến của cơ quan thẩm tra khi đề xuất rằng việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập cũng cần trở thành một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá cán bộ, đảng viên, gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu – đúng như tinh thần của Kết luận số 105 năm 2024 của Bộ Chính trị.

Về xử lý kỷ luật (Điều 44), ĐB cho rằng không nên áp dụng thời hiệu với mọi vi phạm. “Cứ vi phạm là phải xử lý, bất kể thời gian bao lâu”, bà nhấn mạnh, đồng thời cho rằng đây là cách răn đe và giữ sự liêm chính trong đội ngũ công chức.

Để cán bộ không còn nhát trong đề xuất, tham mưu

Góp ý về quyền miễn trừ đối với cán bộ, công chức, ĐB Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) chia sẻ: “Khoảng 5 năm trở lại đây, thật tình anh em rất nhát trong đề xuất, tham mưu”.

Theo đó, ĐB cho rằng quy định nội dung này trong luật là cần thiết, tuy nhiên nếu quy định “ràng buộc nhiều thứ thì rất khó khuyến khích sáng tạo”.

Ví dụ, khoản 7 điều 10 (dự thảo Luật) quy định được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có sai sót, thiệt hại khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định của Đảng và pháp luật.

“Đã theo quy định của Đảng và pháp luật thì còn đâu tính sáng tạo”, ĐB Trần Văn Sáu nói. Ông cũng dẫn lại khoản 1 Điều 40 (dự thảo luật) và đề nghị thiết kế lại cho đỡ trùng lặp và có hướng mở để khuyến khích cho tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm cho đội ngũ cán bộ.

ĐB Sáu cũng đề nghị nên quy định rõ hơn trường hợp cho thôi việc cán bộ liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy (điều 38, dự thảo luật) vì trong 5 năm tới sẽ làm rất nhiều về nội dung này.

“Bây giờ nhập tỉnh, nhập xã, không tổ chức cấp huyện, còn ông nào nghỉ, ông nào không nghỉ trước mắt mới khuyến khích mấy ông tự giác, tự nguyện thôi còn lại ràng buộc với nhau về pháp lý thế nào để chúng ta tinh giản và cho nghỉ”, ĐB Sáu gợi mở.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/danh-gia-cong-chuc-theo-kpi-kem-tieu-chi-ke-khai-tai-san-thu-nhap-post848472.html