Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 9 tỉnh/thành phố đạt doanh thu du lịch từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có mức doanh thu đạt khá.
Theo đó, các tỉnh/thành phố doanh thu du lịch từ 10.000 tỷ đồng trở lên gồm:
1. TP Hồ Chí Minh: 80.833 tỷ đồng
Là trung tâm du lịch lớn, trong 6 tháng đầu năm 2023, TPHCM đã đón hơn 16,415 triệu lượt khách nội địa, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách quốc tế ước đạt hơn 1,941 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu du lịch ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022.
2. Hà Nội: 44.880 tỷ đồng
Theo UBND TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đón 10,3 triệu lượt khách nội địa, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Lương khách quốc tế đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44.880 tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2022.
3. Quảng Ninh: 16.660 tỷ đồng
6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt du khách, tăng 61% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 16.660 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
4. Thanh Hóa: 15.072 tỷ đồng
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Với hơn 8,3 triệu lượt khách đến Thanh Hóa trong 6 tháng qua, tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh ước đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 63,2% kế hoạch năm 2023.
5. Khánh Hòa: 12.567 tỷ đồng
Du lịch Khánh Hòa đang phục hồi rất tốt. Thành công của Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023 và chương trình liên kết quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh đã tạo được sức hút lớn cho du lịch Khánh Hòa.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã đón 2,78 triệu lượt khách lưu trú, tăng 165,3% so với cùng kỳ, đạt 69,5% kế hoạch năm 2023. Trong đó, có hơn 780.000 lượt khách quốc tế, tăng gấp 17,6 lần so với cùng kỳ; hơn 1,9 triệu lượt khách nội địa, tăng 99,3% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 12.567 tỷ đồng, tăng 126,2 % so với cùng kỳ.
6. Nghệ An: 11.491 tỷ đồng
Thời gian qua, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Các khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh nói chung và khách sạn ven biển nói riêng đạt công suất phục vụ lớn, thường xuyên ở mức hơn 80% công suất buồng, phòng.
6 tháng qua, Nghệ An đón 4,9 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 11.491 tỷ đồng.
7. Bình Thuận: 11.348 tỷ đồng
Du lịch Bình Thuận có sự tăng trưởng rất lớn về lượng khách, nhất là sau khi tỉnh tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 và tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến địa phương.
Nửa đầu năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 4,46 triệu lượt khách, tăng 86,36% so cùng kỳ năm 2022. Riêng khách quốc tế đạt 133.900 lượt, tăng 5,42 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 11.348 tỷ đồng, tăng 2,52 lần so cùng kỳ năm 2022 và đạt 71,4% kế hoạch năm.
8. Lào Cai: 10.813 tỷ đồng
Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, 6 tháng đầu năm, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì được đà phục hồi và phát triển.
Tổng lượng khách đến Lào Cai đạt gần 3,783 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 237.139 lượt; khách nội địa đạt hơn 3,545 triệu lượt.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 10.813 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022.
9. Đà Nẵng: 10.618 tỷ đồng
Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 116,6% với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 930.000 lượt, tăng 11,3 lần so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 2,578 triệu lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng doanh thu doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 10.618 tỷ đồng, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương có mức doanh thu đạt khá như: An Giang, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình.