Thanh Hóa tập trung ứng phó với mưa lớn

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND, ngày 6/6/2024 yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, các lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lớn.

Vào lúc 14 giờ ngày 6/6, mưa lớn khiến Tràn cửa Dụ, xã Luận Thành (Thường Xuân) ngập sâu.

Vào lúc 14 giờ ngày 6/6, mưa lớn khiến Tràn cửa Dụ, xã Luận Thành (Thường Xuân) ngập sâu.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc bộ bị nén kết hợp với hội tụ gió trên cao; từ ngày 4/6 đến 7 giờ ngày 6/6/2024, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50-115mm.

Một số nơi có lượng mưa lớn như: Nga Sơn 168mm, Sầm Sơn 184mm, Cửa Đạt 248mm.

Dự báo ngày và đêm 6/6, ở khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 70mm. Từ chiều tối ngày 7/6 đến 9/6, có khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng trở lại.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai để chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời/sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Chủ động triển khai công tác tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

Khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ Nhân dân thu hoạch diện tích lúa và hoa màu còn lại đã đến kỳ thu hoạch.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, nhất là là các vị trí xung yếu, công trình đang thi công dở dang; bố trí lực lượng thường trực để vận hành và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa, lũ xảy ra.

Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để triển khai khi có tình huống.

Công ty Điện lực Thanh Hóa chịu trách nhiệm cấp điện an toàn, liên tục cho các trạm bơm tiêu, cống tiêu (vận hành bằng điện).

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến mưa, lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.

Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến của thời tiết, thiên tai và công tác chỉ đạo của tỉnh để các cấp, các ngành và Nhân dân biết, chủ động triển khai ứng phó.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định.

Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thanh-hoa-tap-trung-ung-pho-voi-mua-lon-216095.htm