Thanh Hóa thay đổi tên gọi các xã, phường gắn với lịch sử và văn hóa

Thay vì đặt tên các xã, phường theo số thứ tự, nhiều địa phương đã tổ chức lấy ý kiến người dân và chọn các tên gọi gắn liền với lịch sử và văn hóa.

TP Sầm Sơn thành lập 2 phường mới là Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn.

TP Sầm Sơn thành lập 2 phường mới là Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn.

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 11.114,71 km², quy mô dân số 4.320.947 người. Sau khi sắp xếp, Thanh Hóa còn 166 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm 18 phường và 148 xã (73 xã đồng bằng và 75 xã miền núi). Số xã, thị trấn giáp nước bạn Lào là 16 đơn vị. Toàn tỉnh đã giảm 381 xã, tương ứng giảm 69,65%.

Về việc đặt tên các xã, phường sau khi sáp nhập, nhiều địa phương đã lựa chọn tên gắn liền với các địa danh nổi tiếng, ưu tiên yếu tố văn hóa, lịch sử. Các phương án này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ từ nhân dân. Tuy nhiên, một số địa phương khác lại chọn phương án đặt tên mang tính cơ học, như tên huyện cộng với số thứ tự 1, 2, 3...

Ngày 26/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn, Ban Thường vụ Thị ủy Nghi Sơn, Bỉm Sơn và Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện: Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hà Trung, Yên Định, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc khẩn trương họp bàn kỹ lưỡng để thống nhất lại tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã mới.

Ngay sau đó, HĐND TP Sầm Sơn đã thống nhất chủ trương thành lập 2 phường mới là Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn. Cụ thể, Phường Sầm Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các phường: Quảng Tiến, Quảng Cư, Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn, Quảng Châu và Quảng Thọ.

Phường Nam Sầm Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các xã, phường: Quảng Vinh, Đại Hùng, Quảng Minh (thuộc TP Sầm Sơn) và xã Quảng Giao (huyện Quảng Xương).

Tại huyện Hoằng Hóa, cũng đã bỏ phương án đặt tên xã theo số thứ tự, thay vào đó chọn phương án đặt tên xã mới theo tên các xã cũ.

Cụ thể, có 1 xã khu vực trung tâm mang tên Hoằng Hóa. Tên 8 xã theo phương án mới dự kiến là: xã Hoằng Hóa (gồm thị trấn Bút Sơn, xã Hoằng Đức, Hoằng Đồng, Hoằng Đạo, Hoằng Hà, Hoằng Đạt); xã Hoằng Tiến (gồm xã Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường); xã Hoằng Thanh (gồm xã Hoằng Đông, Hoằng Thanh, Hoằng Ngọc, Hoằng Phụ); xã Hoằng Lộc (gồm xã Hoằng Thịnh, Hoằng Thái, Hoằng Lộc, Hoằng Thành, Hoằng Trạch, Hoằng Tân); xã Hoằng Châu (gồm xã Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Châu); xã Hoằng Sơn (gồm xã Hoằng Trinh, Hoằng Sơn, Hoằng Xuyên, Hoằng Cát); xã Hoằng Phú (gồm xã Hoằng Phú, Hoằng Quý, Hoằng Kim, Hoằng Trung); xã Hoằng Giang (gồm xã Hoằng Xuân, Hoằng Giang, Hoằng Quỳ, Hoằng Hợp).

Huyện Hoằng Hóa chọn phương án đặt tên xã mới theo tên các xã cũ.

Huyện Hoằng Hóa chọn phương án đặt tên xã mới theo tên các xã cũ.

Tương tự, tại huyện Vĩnh Lộc, thống nhất điều chỉnh tên gọi các xã mới sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Kết quả, 22.530 đại diện cử tri đã đồng ý với phương án điều chỉnh tên gọi các xã mới sau sắp xếp, đạt tỷ lệ 93,18%.

Cụ thể, điều chỉnh tên gọi xã Vĩnh Lộc 1 thành xã Vĩnh Lộc (được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Vĩnh Lộc và các xã: Vĩnh Phúc, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hòa, Ninh Khang); điều chỉnh tên gọi xã Vĩnh Lộc 2 thành xã Tây Đô (được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Long và Vĩnh Tiến); điều chỉnh tên gọi xã Vĩnh Lộc 3 thành xã Biện Thượng (được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã: Vĩnh Hùng, Vĩnh Thịnh, Vĩnh An và Minh Tân).

Sau điều chỉnh, tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc gồm: xã Tây Đô, xã Vĩnh Lộc và xã Biện Thượng.

Sau điều chỉnh, tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc gồm: xã Tây Đô, xã Vĩnh Lộc và xã Biện Thượng.

Vào ngày 28/4, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục họp và yêu cầu một số địa phương trong tỉnh khẩn trương bàn kỹ lưỡng để thống nhất lại tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới, bảo đảm không trùng với tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã khác trong tỉnh và trên cơ sở đồng thuận ý kiến của nhân dân.

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị mới, hạn chế tối đa tác động đến người dân và doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.

Tên gọi của các đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đảm bảo tính hệ thống, khoa học, phát huy lợi thế so sánh của địa phương và phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thanh-hoa-thay-doi-ten-goi-cac-xa-phuong-gan-voi-lich-su-va-van-hoa-172250428134047969.htm