Thanh Hóa tuyên chiến với dự án 'treo': Kiên quyết thu hồi, xóa bỏ lãng phí đất đai

Không chỉ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Thanh Hóa sáng 24.7 còn phát đi thông điệp cứng rắn: Kiên quyết dừng và thu hồi các dự án sử dụng đất chậm triển khai, kém hiệu quả hoặc có dấu hiệu lãng phí nguồn lực.

Sáng 24.7, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ nhằm đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 7, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ trọng tâm tháng 8, cũng như một số nội dung quan trọng khác.

Đây là phiên họp đầu tiên sau khi toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi mô hình chính quyền 2 cấp, với nhiều yêu cầu đặt ra trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cơ sở đến tỉnh.

Phiên họp thường kỳ tháng 7.2025 của UBND tỉnh Thanh Hóa thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc thu hồi dự án chậm triển khai để chống lãng phí tài nguyên đất. Ảnh: Phong Sắc

Phiên họp thường kỳ tháng 7.2025 của UBND tỉnh Thanh Hóa thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc thu hồi dự án chậm triển khai để chống lãng phí tài nguyên đất. Ảnh: Phong Sắc

Theo báo cáo trong tháng 7, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì đà phát triển kinh tế ổn định, nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,05%, góp phần đưa mức tăng 7 tháng đầu năm lên 15,17% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp phát triển bền vững với hơn 143.000 ha vụ Thu Mùa được gieo trồng, 300 ha rừng tập trung được trồng mới, khai thác 3.000 tấn gỗ, tre, luồng và giấy nguyên liệu. Chăn nuôi ổn định, dịch bệnh được kiểm soát.

Hoạt động thu ngân sách ghi nhận kết quả tích cực dù có nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ước tính thu ngân sách tháng 7 đạt 4.273 tỉ đồng, nâng tổng thu 7 tháng lên 33.814 tỉ đồng, bằng 74,3% dự toán năm. Vốn đầu tư công giải ngân đạt hơn 5.755 tỉ đồng, bằng 40,5% kế hoạch năm.

Tỉnh cũng thu hút thêm 15 dự án đầu tư mới trong tháng, bao gồm 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 953 tỉ đồng và 213 triệu USD. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, an sinh, chuyển đổi số và cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh.

Cuộc vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai quyết liệt. Mô hình chính quyền 2 cấp bước đầu cho thấy tính hiệu quả, giúp giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính tại cơ sở.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế nổi bật như tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ công trình; một số dự án đầu tư công chưa bàn giao đúng hạn về cấp xã; khối lượng thủ tục hành chính dồn về cơ sở quá lớn khiến đội ngũ cán bộ xã, nhất là ở miền núi, gặp nhiều áp lực. Nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng mạnh, trong khi nhân lực công nghệ thông tin tại xã vẫn còn hạn chế.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành trong điều kiện nhiều thách thức đan xen. Ông nhấn mạnh: “Tháng 7 là giai đoạn đặc biệt vừa chuyển đổi mô hình chính quyền, vừa ứng phó với mưa bão nhưng Thanh Hóa vẫn giữ được sự ổn định và phát triển. Đây là kết quả từ sự đồng lòng, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành.”

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ về công tác quản lý sử dụng đất: “Tỉnh sẽ kiên quyết dừng và thu hồi các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, không cần thiết, có nguy cơ gây lãng phí.”

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống thiên tai, rà soát và củng cố hệ thống thủy lợi, hồ đập, trạm bơm, đê điều, giao thông… theo phương châm “4 tại chỗ”.

Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất giải pháp đầu tư bổ sung các trạm bơm ở những khu vực thường xuyên ngập úng. Sở Khoa học & Công nghệ được yêu cầu đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số để phục vụ hiệu quả cho chính quyền cấp xã.

Tỉnh cũng đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, tập huấn kỹ về mô hình chính quyền mới, nhất là đối với các xã miền núi.

Đồng thời tăng cường quản lý báo chí, truyền thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân đối với các chính sách phát triển.

Phiên họp cũng thống nhất các chỉ tiêu về phát triển xã miền núi, bổ sung tiêu chí xây dựng trường nội trú, đảm bảo bữa ăn trưa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đồng thời, thảo luận dự thảo các cơ chế đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công lập, cũng như đề xuất phân cấp nhiệm vụ tín ngưỡng, tôn giáo về cho Sở Dân tộc và Tôn giáo quản lý.

NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/thanh-hoa-tuyen-chien-voi-du-an-treo-kien-quyet-thu-hoi-xoa-bo-lang-phi-dat-dai-155653.html