Thanh Ðiền nước biếc non xanh
Ðúng ra, theo đa số người dân Thanh Ðiền thì phải gọi là 'Nước biếc đồng xanh' mới trúng. Vì, bản thân hai chữ Thanh Ðiền đã là đồng (hay đất) màu xanh.
Như trong bản thảo “Ba mươi năm làm nên sự nghiệp anh hùng” của Ðảng bộ xã, biên soạn xong ngày 30.4.1985 có đoạn: “Tổ tiên ta ngày xưa đặt cho nó cái tên là Ðồng Ðình, Thái Ðịnh và qua nhiều biến đổi, xã được mang tên Thanh Ðiền. Ðồng Ðình hay Thanh Ðiền là “đặc trưng” của cánh đồng ruộng xanh biếc, bạt ngàn. Cả tỉnh người ta thường gọi “Thanh Ðiền gạo trắng nước trong”, là “vựa lúa”, là “vú sữa của tỉnh…”.
Vậy tại sao Thanh Ðiền lại là nước biếc non xanh? Ðấy là do khi tìm về ký ức xa xưa của vùng đất này, qua các kết quả khảo cổ học, thì hóa ra Thanh Ðiền xưa vốn có nhiều “núi non”. Báo cáo khoa học “Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh” (BCKH) do Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, năm 2011 cho biết, riêng ở Thanh Ðiền đã có tới 11 di chỉ khảo cổ học đều thuộc về thời kỳ văn hóa hậu Óc Eo, cách nay trên 1.000 năm.
Ðấy là các địa điểm ở gò tháp đánh theo số thứ tự từ 1 đến 11, thuộc về các ấp Thanh Trung, Thanh Ðông, Thanh Phước và Thanh Thuận. Trong đó, một số có tên riêng, như gò Cổ Lâm, di tích Vườn Dầu, Bụi Lò Gạch hoặc gò Ðít Mọi…
Phần lớn các di tích kể trên đều có cấu trúc bàu-gò. Bàu tượng trưng cho đại dương, gò đại diện cho núi, nơi thần linh trú ngụ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cấu trúc này “được hình thành từ quan niệm hòa hợp hai yếu tố núi và nước vào thời kỳ văn hóa sau Óc Eo. Ðây là kiến trúc tôn giáo độc đáo thuộc văn hóa hậu Óc Eo mà cho tới nay mới chỉ được biết đến trên vùng đất Tây Ninh” (trang 199, BCKH).
Trong 11 di chỉ khảo cổ ở Thanh Ðiền, tiêu biểu nhất là gò Cổ Lâm đã được công nhận di tích lịch sử-văn hóa quốc gia. Cấu trúc bàu-gò rất rõ rệt, với bàu nước là “một cái bàu vuông cổ, bàu có chiều dài Bắc-Nam150 mét, chiều Ðông-Tây trên 200 mét, sâu 1,2 mét so với gò… đất đào trong bàu trước đây một phần dùng để đắp bờ, một phần được đắp lên gò Cổ Lâm hiện nay, bàu nước hiện được dân cấy lúa dưới lòng bàu…” (trang 50, BCKH).
Gò Cổ Lâm còn được đầu tư xây dựng như một kiểu “Bảo tàng mở” để trưng bày vài phần hố móng trong các ngôi tháp cổ. Tuy nhiên, người biết hoặc quan tâm đến còn rất ít. Ngược lại, có một di chỉ tuy chưa được xếp hạng, nhưng lại thu hút khá đông người đến. Ðấy là di chỉ “Di tích Vườn Dầu” ở tại ấp Thanh Phước. Người đến không phải do các dấu vết đền tháp cổ, mà chủ yếu do trên đỉnh gò có ngôi miếu linh thiêng thờ bà Chúa xứ (còn gọi là An Nhàn cung).
Di tích Vườn Dầu đã được người Pháp biết đến từ khá sớm (1909, do nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier). Tuy nhiên, nó chưa được quan tâm bằng gò Cổ Lâm. Vào năm 1990, nhóm các nhà khảo cổ học thuộc Viện Phát triển vùng Nam bộ đã được phép khai quật lần đầu vào năm 1990.
Kết quả cho biết là: “Có ít nhất bốn kiến trúc nhỏ xây bằng gạch, với 2 loại bình đồ (mặt bằng) hình vuông và hình chữ nhật. Loại bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 4m, thuộc loại kiến trúc có hố thờ hình vuông ở trung tâm, vách hố thờ xây gạch thẳng đứng; chung quanh bên ngoài hố thờ có bờ tường vách bao bọc, dày 0,75m.
Loại bình đồ chữ nhật có kích thước 7 x 4,2m theo hướng Ðông-Tây, có tường vách xây quanh dày 0,8m; cao còn lại trung bình 8 lớp gạch. Cửa hướng ra phía Ðông rộng 0,7m”. Và, điều quan trọng nhất là vẫn còn: “Bàu nước ở phía Ðông có cạnh rộng 60 x 50m theo hướng Bắc-Nam. Vào năm 1990, bàu nước có chỗ còn sâu hơn mặt ruộng khoảng 2m…”.
Hơn 20 năm sau cuộc khảo sát năm 1990, vào khoảng các năm 2009-2010, các nhà khảo cổ học cùng Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khảo sát lại các di chỉ khảo cổ học ở Thanh Ðiền. Ít nhất có 4 di chỉ đã hoặc có nguy cơ biến mất. Ðấy là các gò tháp nằm trên đất vườn nhà các ông Võ Văn Tiết, ấp Thanh Phước và ông Hoa Văn Dũng, ấp Thanh Ðông.
Ngoài ra là di tích Bụi Lò Gạch trên đất vườn ông Nguyễn Văn Lũy ở ấp Thanh Phước. Có cái tên này là do gia đình thấy nhiều gạch cổ, nên tưởng lầm là một lò gạch cũ bỏ hoang. Vậy nên ông moi hết gạch móng tháp lên dùng để lát sân nhà.
Hai di tích kể trên cũng đã biến mất, do san lấp mặt bằng sử dụng vào việc khác. Di chỉ thứ tư chính là di tích Vườn Dầu, các nhà khoa học khảo cổ cảnh báo rằng: “Dân địa phương xây một ngôi miếu rộng lớn làm nơi thờ cúng và gần như gò đã bị bê tông hóa”.
Cũng trong đợt khảo sát hơn 10 năm trước đây, có 4 khu gò tháp bị sử dụng làm nơi chôn cất người đã mất. Ðấy là 2 ngôi gò tháp 1 và gò tháp 2 đều thuộc ấp Thanh Trung. Một ngôi ở ấp Thanh Thuận, thuộc đất vườn nhà ông Nguyễn Văn Hoài và một ngôi nữa là gò Ðít Mọi thuộc vườn đất nhà ông Lê Văn Hiệp ở ấp Thanh Phước.
Chính những nơi này, gò tháp lại được “bảo quản” tốt nhất. Như ở gò tháp Thanh Thuận. Vào tháng 6.2021 gò vẫn còn nguyên trạng hình gần tròn với kích thước dài hơn 40m, rộng hơn 35m. Ngoài 4 ngôi mộ được xây cẩn thận, thì mặt gò vẫn vồng lên như một nấm cỏ ngời xanh.
Ở phía Ðông, phần dốc xuống phía ao nước cổ là một khoảnh rừng cây. Ao nước thấp hơn đỉnh gò khoảng trên 3m. Nơi này chỉ cách đường 786 khoảng 100m. Ở gò Ðít Mọi cũng tương tự; đặc biệt vẫn còn nguyên vẹn một tấm sa thạch cổ màu xanh xám, hình chữ nhật, kích thước rộng dài 0,84 x 0,9m bo tròn ở 4 góc. Tấm đá dày 0,15m, mà các nhà khảo cổ đoán định là một tấm “mi cửa”. Tuy vậy, nó còn có thể là nắp đậy của các hố vuông thường thấy trong các lòng tháp cổ thời kỳ văn hóa hậu Óc Eo.
Trở lại với di tích Vườn Dầu được cảnh báo là sẽ biến mất trên kia. Sân nền khu miếu dù đã “bê tông hóa” với gạch xi măng lát kín mặt sân, nhưng phần di tích nền móng tháp vẫn còn được giữ nguyên vẹn trong lòng đất gò, không mất đi đâu cả.
Ra phía sau, nơi có những hàng dầu mọc trên gò vươn lên mạnh mẽ vẫn có thể thấy những viên gạch cổ xưa trồi lên dưới gốc cây. Chính là nhờ vào ngôi miếu cổ mà từ lâu ở đây đã không còn nạn đào bới tìm cổ vật làm hư hại di tích cổ. Trên những móng nền của trầm tích cổ xưa, Thanh Ðiền vẫn là xứ sở non xanh nước biếc của ngày nay.
Trần Vũ
(còn tiếp)
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thanh-ien-nuoc-biec-non-xanh-a135861.html