Thanh khoản dư thừa, vì sao doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ vốn?

Thanh khoản của hệ thống đang dư thừa hơn 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc, room tín dụng cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng, còn rất dồi dào. Thế nhưng vì sao doanh nghiệp lại khó hấp thụ vốn?

Chia sẻ với VnBusiness, bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, hiện nay việc cấp tín dụng ra nền kinh tế gặp phải lực cầu yếu. Để kích thích tín dụng và giảm bớt gánh nặng về lãi suất cho các doanh nghiệp và các chủ thể nền kinh tế thì các ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất huy động, qua đó để giảm lãi suất cho vay.

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang giảm sút

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng chưa bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái.

Thanh khoản của hệ thống đang dư thừa hơn 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc. (Ảnh minh họa: Int)

Thanh khoản của hệ thống đang dư thừa hơn 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc. (Ảnh minh họa: Int)

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, lãi suất gửi tiết kiệm trên thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, hiện nay tín dụng tăng chậm, sức cầu vốn suy giảm.

Lý giải về tín dụng tăng chậm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa ra một số lý do như: 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán; “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn; đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái; thị trường bất động sản khó khăn khiến nhu cầu suy giảm.

Trong khi đó, bà Hoàng Anh cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ngoài sức cầu giảm, còn do mặt bằng lãi vay quá cao khiến lực cầu về tín dụng giảm. Thực tế, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có giảm so với thời điểm cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Ở chiều huy động, mức lãi suất niêm yết dành cho khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại cổ phần đã được điều chỉnh giảm thêm 20-50 điểm cơ bản từ ngày 6/3, xuống chỉ còn cao nhất 9,0%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng đã được đẩy lên mức 14-16%/năm.

“Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù các ngân hàng thương mại có phản ánh room tín dụng chưa được như mong đợi, nhưng thực tế hiện nay việc cấp tín dụng ra nền kinh tế gặp phải lực cầu yếu. Nên để kích thích tín dụng và giảm bớt gánh nặng về lãi suất cho các doanh nghiệp và các chủ thể nền kinh tế thì các ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay”, bà Hoàng Anh nói.

Chỉ tiêu tín dụng có đủ đảm bảo nhu cầu vốn cho doanh nghiệp?

Mới đây, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, với mức tăng trung bình 9-10%, thấp hơn so với năm 2022. Theo bà Hoàng Anh, năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng là 14 - 15%, mới đây NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng cho các NHTM, nhưng có vẻ chưa được như kỳ vọng của các ngân hàng, tuy nhiên, điều này là hoàn toàn bình thường.

Bà Hoàng Anh giải thích, khi NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng phụ thuộc vào xếp hạng tín dụng của các TCTD, mức độ tập trung tín dụng trước đó của các ngân hàng như thế nào, các chỉ tiêu tài chính, mức độ lành mạnh... Đồng thời cũng phụ thuộc thêm vào các yếu tố như bối cảnh kinh tế vĩ mô và những dự báo có thể xảy ra trong tương lai.

“Vì vậy hạn mức tăng trưởng tại thời điểm này chưa được như kỳ vọng cũng hợp với thông lệ, vì một năm NHNN sẽ có thêm lần điều chỉnh vào giữa năm cho các ngân hàng và cân đối với kinh tế vĩ mô”, bà Hoàng Anh cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại bộ phận nghiên cứu Chứng khoán SSI, hạn mức tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại vừa được nhận thấp hơn năm ngoái không mang hàm ý NHNN siết chặt chính sách tiền tệ.

Trên thực tế, theo các nhà phân tích tại đây, quan điểm về chính sách tiền tệ trong năm 2023 từ NHNN mang tính chất ôn hòa hơn, và hạn mức tín dụng này sẽ được điều chỉnh linh hoạt xuyên suốt năm.

Hạn mức thận trọng được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tín dụng chưa cao và NHNN cũng cần phải cân đối việc điều hành chính sách tiền tệ, nhằm ổn định các cân đối vĩ mô trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn tiếp tục tăng.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/thanh-khoan-du-thua-vi-sao-doanh-nghiep-van-kho-hap-thu-von-1091209.html