Thành lập liên doanh với Gazprom Neft, Shell cho thấy châu Âu cứng rắn như thế nào và tác động đến Nord Stream 2 ra sao?
Trong tuần trước, Gazprom Neft và Shell thông báo thành lập liên doanh dầu khí thăm dò và phát triển các tài nguyên dầu khí trên bán đảo Gydan và các lô Leskinsk và Pukhutsyakhsk.
Điều đáng chú ý không phải là việc thành lập liên doanh mà là thời điểm thành lập của liên doanh này. Hiện nay, Mỹ đang gia tăng sức ép mạnh mẽ hơn lên châu Âu nhằm phá hủy dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2. Mỹ đe dọa các lệnh cấm vận đối với các doanh nghiệp châu Âu tham gia xây dựng đường ống này, trong đó có Shell.
Nếu các lệnh trừng phạt mới có hiệu lực, chúng có thể ảnh hưởng đến ít nhất 120 công ty từ 12 quốc gia châu Âu. Điều này sẽ gây ra làn sóng phản kháng mạnh mẽ không chỉ của giới kinh doanh mà còn của giới chính trị khắp châu Âu. Trong bối cảnh đó, việc Shell quyết định thành lập liên doanh với Gazprom Neft tại thời điểm này có vẻ như là một động thái chống lại mối đe dọa trừng phạt của Mỹ.
Trước đó vào đầu năm 2020, Shell đã chủ động rút khỏi dự án hợp tác với Gazprom Neft trong phát triển 5 mỏ và 1 lô được cấp phép tại Khu tự trị Yamalo-Nhenhetxky trong khuôn khổ liên doanh Meretoyakhaneftegaz. Vào thời điểm rút khỏi dự án, Shell thông báo, nguyên nhân hãng rút khỏi liên doanh là do "môi trường bên ngoài khó khăn". Mặc dù vẫn chưa rõ lý do này có liên quan đến bối cảnh hoạt động (giá dầu sụt giảm mạnh và đại dịch lây lan mạnh) hay là do phía Mỹ ngày càng tỏ ra thái độ thù địch với việc làm ăn với Nga. Tuy nhiên, Shell cũng là một trong 5 nhà đầu tư chính vào dự án Nord Stream 2 đang là tâm điểm chú ý tại châu Âu và Mỹ.
Shell cho thấy châu Âu cứng rắn như thế nào?
Một chuyên gia dầu khí cấp cao của hãng tin Oil Price cho biết, sự cứng rắn của châu Âu ngày càng trở nên rõ ràng hơn trước sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề của liên minh này. Cảm giác phẫn nộ bắt đầu với tiết lộ của Edward Snowden vào năm 2013 rằng, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đang theo dõi các thành viên của EU. Tiếp đến là vụ việc nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel, hành động mà phía Đức sẽ không bao giờ tha thứ cho Mỹ.
Có thể thấy sự ác cảm/phản đối của EU trước hành động can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Mỹ, nhất là khi EU từ chối cùng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tình huống với dự án Nord Stream 2 có thể trở thành giọt nước tràn ly cho sự kiên nhẫn của liên minh này với Mỹ. Đó là lý do tại sao việc thành lập liên doanh giữa Shell và Gazprom Neft tại thời điểm này có thể được coi là một hành động đáp trả mối đe dọa trừng phạt của Mỹ.
Nhận định
Dự án Nord Stream 2 được phía Mỹ coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia Mỹ và an ninh các đồng minh châu Âu nhằm chặn nguồn cung khí đốt tương lai của Nga, thay thế bằng nguồn cung LNG của mình và dần dần giảm vai trò cung cấp năng lượng của Nga cho Liên minh này. Để thực hiện ý đồ của mình, phía Mỹ đã trực tiếp và gián tiếp can thiệp, tác động đến Liên minh châu Âu và chính quyền các nước, nơi có dự án đi qua phản đối việc xây dựng dự án, không cấp phép hoặc trì hoãn cấp phép vì lý do môi trường, an ninh năng lượng. Trước những áp lực trừng phạt từ phía Mỹ, dự án đã bị trì hoãn một số lần và gần nhất là ngừng lắp đặt đoạn đường ống ngầm từ cuối tháng 12/2019 đến nay do nhà thầu lắp đặt đường ống Allseas (Thụy Sĩ) rút khỏi dự án để tránh các lệnh cấm vận từ phía Mỹ. Sau khi Đan Mạch cấp phép (6/2020) cho tàu Akademik Chersky (Nga) sử dụng định vị neo để tiếp tục công việc lắp đặt đường ống, phía Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép lên các thành viên EU có lợi ích kinh tế trong dự án và đe dọa áp đặt cấm vận đối với tất cả các công ty châu Âu tham gia dự án, trong đó có tập đoàn dầu khí Shell. Công ty năng lượng Uniper - một trong những nhà đầu tư chính của dự án bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ dự án bị xóa sổ. Đơn vị cho thuê sà lan lắp đặt ống Fortuna tuyên bố không có ý định tham gia hoàn thành nốt phần đường ống còn lại. Nord Stream 2 đứng trước nguy cơ bị “khai tử”.
Tuy nhiên, phía Đức - quốc gia có lợi ích kinh tế lớn nhất trong dự án chính thức tuyên bố đáp trả các sức ép từ Mỹ, khẳng định quyết tâm hoàn thành dự án này. Nhiều quốc gia trong EU cũng ủng hộ việc hoàn thành dự án vì lợi ích kinh tế của châu Âu và phản đối sự can thiệp phi lý và phân biệt đối xử đối với các công ty năng lượng châu Âu trong Nord Stream 2. Đối với các doanh nghiệp năng lượng châu Âu có liên quan, mặc dù kỳ vọng dự án sớm được hoàn thành và phản đối sự đe dọa của Mỹ, nhưng vì lợi ích của mình nên rất hạn chế tuyên bố hoặc có những động thái mang tính đáp trả trực tiếp. Chính vì vậy động thái lập liên doanh tìm kiếm thăm dò với Gazprom Neft của Shell dù không liên quan trực tiếp đến Nord Stream 2 song có thể được coi là phản ứng cứng rắn của hãng (đại diện cho các doanh nghiệp năng lượng châu Âu có hợp tác với Nga) trước sự đe dọa trừng phạt tại Mỹ. Shell là một trong những tập đoàn dầu khí tích hợp lớn nhất thế giới, có vị trí quan trọng trên thị trường toàn cầu nói chung (bao gồm cả Mỹ) và thị trường châu Âu nói riêng. Do đó, động thái này sẽ tác động đến tâm lý các đối tác có liên quan đến Nord Stream 2 hoặc đang hợp tác với các đối tác Nga.