Thành lập Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM: Quản lý thực phẩm thoát phận 'cắt khúc'?

Từ mô hình thí điểm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại TP.HCM đang hướng đến thành lập đơn vị quản lý nhà nước cấp sở đầu tiên trong cả nước theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Liệu việc dứt ra khỏi mô hình 'thí điểm cục bộ' để trở thành Sở ATTP có giúp 'làm sạch' câu chuyện chồng chéo muôn thuở trong quản lý thực phẩm?

Chúng tôi đã trao đổi với PGS-TS. Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý (BQL) ATTP TP.HCM về những kỳ vọng lẫn ưu tư. Bà nói: Hồi đó, khi mới thành lập, BQL đã lập tức đối diện với cách đặt vấn đề: phải chăng từ ngày có ban, không có ngộ độc? Tôi nói đâu phải. Như vậy coi chừng năng lực phát hiện ngộ độc của mình có vấn đề, có khi là giấu giếm nữa. Hơn nữa, những vụ ngộ độc xảy ra chỉ là bề nổi. Có những thứ ăn vô mà không trúng độc liền, làm sao ai biết? Những thứ ngộ độc trường diễn đó những mấy chục năm sau mới phát ra qua tỷ suất bệnh tật này kia.

Cho nên nếu đánh giá bằng cách đó xem chừng chưa được. Người ta lại bảo đánh giá qua số vụ thanh tra, xử phạt nhiều hơn. Nghe vậy chứng tỏ hệ thống thanh tra làm việc quyết liệt hơn nhưng rõ ràng cho thấy mặt trái là kết quả vi phạm nhiều hơn. Kể ra để thấy quản lý thực phẩm chưa bao giờ giản đơn ở xứ mình.

PGS-TS. Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.

PGS-TS. Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.

“Đạo cao một thước, ma cao một trượng”

Việc thành lập sở đã được Nghị quyết 98 đề cập. Bà có thể hé lộ một chút về lộ trình, định hướng sắp tới như thế nào đối với Sở ATTP TP.HCM?

Vừa qua Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có báo cáo trước kỳ họp HĐND. Theo quy trình, HĐND thành phố sẽ biểu quyết thành lập Sở ATTP trên cơ sở tờ trình của Sở Nội vụ. Hiện BQL đang phối hợp với Sở Nội vụ hoàn tất chi tiết đề án trình hội đồng. Theo Chủ tịch UBND thành phố, toàn bộ quy trình này sẽ phải hoàn thành trong quý 3 năm nay, nghĩa là chậm nhất thì tháng 9 tới Sở sẽ ra đời.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là những ràng buộc về mặt pháp lý mới cho việc thành lập sở. Bây giờ nếu cứ máy móc với một mô hình sở như các sở ngành khác mà triệt tiêu đi những cái đã làm nên thành công của BQL trước đây thì như vậy việc “lên sở” sẽ mất đi ý nghĩa. Bởi mục tiêu của chúng ta vẫn là làm sao bảo đảm ATTP. Một trong những sáng kiến tỏ ra thành công của BQL là mô hình Đội quản lý ATTP. Vì sao? Từ trước tới nay, tất cả các sở ngành đều bị vướng rất nhiều về công tác thanh tra.

Trừ Sở Xây dựng, còn lại lực lượng thanh tra tầm vài chục người ở mỗi sở ngành là quá mỏng so với quy mô một thành phố mười mấy triệu dân. Thường các sở trông chờ nhiều vào thanh tra liên ngành. Về mặt chuyên môn, nghe hai chữ “liên ngành” là thấy tính hiệu quả rồi. “Đụng chuyện” mới bắt đầu có quyết định thành lập, rồi gom tụ lại, đi thanh kiểm tra, xong chiến dịch thì “ai về nhà nấy”, chưa kể chuyển công tác. Ở các địa bàn cũng không đủ lực lượng chuyên môn quản lý tại chỗ. Còn lực lượng nằm ở các sở lại dễ “đò ngang cách trở”.

Nói thật, để bảo đảm ATTP một cách sang trọng theo mô hình của các nước phát triển chỉ là giấc mơ, làm không nổi, không đủ nguồn lực.

Cho nên chúng tôi lập ra các Đội quản lý ATTP với lực lượng biên chế tập trung lại từ 3 ngành nông nghiệp, công thương, y tế trước đây để phân công xuống tận các địa bàn. Các đội này không chỉ làm công tác thanh tra mà còn đóng chốt ở ngay trên địa bàn với nhiệm vụ phối hợp với lực lượng sẵn có của quận huyện để cùng nhau quản lý ATTP, nhất là khi xảy ra ngộ độc. Về mặt chuyên môn, các đội được tập huấn, lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên giúp bù đắp được cho địa phương phần thiếu về chuyên môn, con người. Khi cần thiết, chúng tôi có thể huy động lực lượng các đội khác nhau đến một địa bàn để trợ giúp ngay lập tức. Vì vậy, chúng tôi đề xuất giữ nguyên các đội như hiện nay.

Vậy khi thành Sở ATTP, các đội sẽ thuộc phòng thanh tra dưới quyền chánh thanh tra?

Không. Vì theo nguyên tắc, phòng chuyên môn của các sở có quy định cứng. Ví dụ thanh tra sở sẽ quy định rất rõ chánh thanh tra quyền hạn tới đâu, các thanh tra viên sẽ có thẻ. Nếu các đội này mà thuộc phòng thanh tra thì sẽ chỉ có chức năng thanh tra thôi và lại không được bố trí ở các quận huyện, bởi có e ngại bố trí thanh tra ngay tại chỗ sẽ nảy sinh vấn đề cát cứ, khó kiểm soát. Đội trưởng hiện nay chúng tôi cũng phải luân chuyển thường xuyên.

Do đó, tôi muốn nhấn mạnh lại, mô hình này như cánh tay nối dài của sở, thực hiện nhiều nhiệm vụ, chứ không phải chỉ có thanh tra. Trong đề án thành lập sở, tôi đề nghị cho các đội trực thuộc ban giám đốc để có thể làm công tác thanh tra vừa làm các nhiệm vụ khác, được bố trí ở các quận huyện.

Chúng ta cần thấy tính chất đặc thù trong quản lý thực phẩm?

Đúng. Ngoài những đặc thù của lĩnh vực quản lý, hiện nay chúng ta đang khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Thế thì hãy quay trở lại đặt vấn đề, tại sao lại phải thành lập BQL ATTP? Bây giờ tại sao mô hình này phải cần tiếp tục được duy trì và còn phải nâng tầm lên là một sở. Chính là vì thực tế đòi hỏi. Và chúng ta cũng phải thấy không thể cứ dùng những quy định cũ kỹ, lạc hậu để đối phó với một thị trường hết sức sôi động, có rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt trong nhận thức của cộng đồng về ATTP, chưa kể thái độ cố tình vi phạm “đạo cao một thước, ma cao một trượng” hễ hàng rào quy định lên, lập tức phương kế đối phó cũng lên theo. Nói thật, để bảo đảm ATTP một cách sang trọng theo mô hình của các nước phát triển chỉ là giấc mơ, làm không nổi, không đủ nguồn lực.

Thách thức lớn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là sự bùng phát dịch vụ mua bán thực phẩm online. Ảnh: Quế An

Thách thức lớn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là sự bùng phát dịch vụ mua bán thực phẩm online. Ảnh: Quế An

Tôi nói một chút về đặc thù nhận thức. Tại sao Việt Nam mình xử phạt không nghiêm như nước ngoài đối với vi phạm ATTP? Nói thẳng, mình có nỡ mạnh tay không, thí dụ với người buôn thúng bán bưng, thức ăn đường phố với trên 15.000 cơ sở khắp thành phố này. Chỉ cần một hành vi không mang găng tay, dùng tay trần bốc thức ăn là cũng có thể đủ để xử phạt ba triệu đồng. Nhưng trên thực tế số vụ xử phạt chiếm tỷ lệ rất thấp. Đa số chúng tôi đi chỉ để nhắc nhở.

Ở các nước, có thể xử rất nặng hành vi mất ATTP như phạt tiền rồi cấm buôn bán luôn. Hiện nay chúng tôi phân tích các mối nguy lớn để tập trung quản lý. Chuyện dài về ATTP luôn đòi hỏi phối hợp nhiều ngành, nhưng cần thấy trách nhiệm chủ yếu là các lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế và chúng tôi, chứ không đặt vấn đề phối hợp y tế, nông nghiệp, công thương nữa.

Thách thức lớn khác là sự bùng phát về dịch vụ mua bán thực phẩm online. Chúng ta còn đang rất thiếu những biện pháp chế tài. Chúng tôi đề xuất bổ sung quy định một website quảng cáo, quảng bá bán thực phẩm thì phải công khai các giấy tờ chứng minh điều kiện sản xuất, đóng gói, phân phối. Hiện giờ chưa có luật về phần này, chúng tôi kêu gọi người tiêu dùng hết sức thận trọng, không mạo hiểm với sức khỏe của mình.

Sự ra đời của BQL khẳng định cái lạc hậu của “chiều ngang cắt khúc”

Thưa bà, dường như quản lý thực phẩm vẫn không thoát khỏi “cái bóng” ba ngành nông nghiệp, công thương và y tế. Bà nghĩ sao khi người ta cho rằng sự ra đời của BQL lại thêm vào một “ông thứ tư” nữa?

Thật ra đó là di chứng kéo dài của tư duy quản lý thuở xa xưa. Ở nước phát triển, ngay từ đầu người ta gom triệt để quản lý dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm, là những mặt hàng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, về một mối. Còn pháp lệnh đầu tiên về ATTP của chúng ta đã chia theo chiều ngang cắt khúc. Lúc còn trên đồng ruộng, trang trại, nuôi trồng là nông nghiệp quản lý. Sau đó thực phẩm lưu thông trên thị trường thì của công thương. Khi được chế biến lên mâm, bàn ăn để vào cơ thể là của y tế. Trên đời có cái gì tuyệt đối để mà phải chia 3 khúc như vậy?

Nhìn thấy cái bất cập đó, Luật ATTP mới nói không chặt khúc kiểu đó nữa. Ngành nào liên quan ATTP thì quản theo nhóm sản phẩm. Nhưng vẫn không thể thoát cảnh “chia khúc”. Thực phẩm thuộc nhánh nông sản, tươi sống sẽ là ngành nông nghiệp, thực phẩm chế biến đóng gói sẵn sẽ là công thương. Còn nước uống mới ngộ, nước ngọt tức có chút đường được cho là nước giải khát thì công thương quản lý, nhưng nếu nước uống đóng chai lại là của ngành y tế. Thực tế, có rất nhiều trường hợp sản phẩm trung gian giữa 3 ngành đó, chả biết phân biệt sao.

Đừng ráng “vở sạch chữ đẹp” trong cấp phép nữa. Cơ sở sau khi “trầy vi tróc vẩy” có được giấy phép xong rồi tung tăng muốn “quậy gì quậy”.

Lập BQL ATTP thành phố chính là để giải quyết vấn đề triển khai luật một đầu mối. Chúng tôi có thể quyết định sau khi phân tích thực tế xem kiểm nghiệm nên tập trung vào mẫu nào, tập trung vào khu vực nào nhiều hơn; chúng tôi là đầu mối cấp phép cho các doanh nghiệp, quận huyện cấp cho hộ kinh doanh cá thể, cần thì không phải hỏi qua sở ngành nào; hơn 400 con người, thay vì tản mạn ở 3 sở ngành thì tập trung về thành các đội quản lý ATTP xuống tận quận huyện cùng làm…

Nhưng rõ ràng BQL giống như một cơ quan FDA bao quanh thành phố thôi, còn từ các hướng và đổ về Sài Gòn, vẫn là mô hình chia “ba khúc” kia?

Tôi chỉ biết trả lời câu hỏi này bằng những kỷ niệm của BQL. Vụ phát hiện số lượng lớn heo bị tiêm thuốc an thần. Nếu vẫn do ngành nông nghiệp quản như ngày xưa thì sức mấy dám bắt, nhưng mà lúc đó tôi đề xuất UBND thành phố tiêu hủy nhưng gặp phản ứng rất mạnh từ ngành nông nghiệp. Họ viện dẫn luật rằng chỉ có thể tiêu hủy khi nào chứng minh được lượng thuốc an thần vượt ngưỡng an toàn cho phép của Bộ Y tế. Nhưng Bộ Y tế lại không hề đưa ra cái ngưỡng đó.

Lại có tin biết được ngày mai mới có quyết định tiêu hủy thì tối đó họ đã rắp tâm giết mổ luôn trước khi trời sáng. Tôi gọi luôn cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, nói bây giờ mà “động thớt” là báo chí vào cuộc ngay. Sáng mai toàn ngành nông nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm. Thế là ngay lập tức bộ trưởng trực tiếp ra lệnh tiêu hủy. Giờ mới nhớ lại, trong đề án thành lập BQL thì giết mổ cũng do chúng tôi quản lý nhưng tới chừng lúc bàn giao thì lờ đi. Một kỷ niệm đáng nhớ khác là lúc bắt được 20 tấn thịt heo ở Hóc Môn, nhưng không có kinh phí tiêu hủy mới “dở khóc dở cười”…

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra các quầy hàng thịt tươi sống tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Đinh Hằng

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra các quầy hàng thịt tươi sống tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Đinh Hằng

Nhắc đến FDA, tôi nói thêm hiện giờ thực phẩm chức năng do BQL làm. Trước đây tôi đã làm chuyên đề cho 24 quận huyện. Tất cả các đội quản lý ATTP của ban phải bảo đảm giống như cách làm ở trường học. Lập danh sách nhà thuốc để kiểm soát thực phẩm chức năng, nhưng quận huyện không đồng ý. Sắp tới mô hình sở sẽ thay đổi điều này, quận huyện không chịu thì cứ ký cam kết. Chúng tôi xuống kiểm tra mà phát hiện thực phẩm chức năng giả thì chịu trách nhiệm.

Từ khi thành lập tới nay, BQL đã có chuyển cho cơ quan điều tra vụ việc vi phạm ATTP nào có dấu hiệu hình sự không, thưa bà?

Ít lắm. Thường chuyển xong thì thấy mọi thứ im lặng, tới giờ vẫn chưa thấy tin tức gì.

Sở ATTP có nhiều hứa hẹn và chắc chắn cũng đang có những con mắt dõi theo kiểu như “đánh giá hiệu quả” ATTP?

Giống như đánh giá một xã hội, tự dưng tỷ lệ tội phạm bị phát hiện và kết án tăng vọt, lúc đó chúng ta kết luận nó đang bất ổn hay có quyền kết luận xã hội đó đang trong quá trình xây dựng an toàn hơn, đúng luật hơn và lực lượng chuyên ngành đang nỗ lực hơn? Nhưng về bản chất rõ ràng nó đang bất ổn. Vậy nên mọi thứ chỉ tương đối thôi. Còn muốn tuyệt đối nhất, theo tôi chỉ có thể là tỷ lệ thực phẩm sạch thật cao. Bằng cách đi kiểm nghiệm qua phương thức lấy mẫu bất ngờ, lấy được càng nhiều mẫu càng bảo đảm tính đại diện để có số liệu thực phẩm sạch. Chỉ số tuyệt đối như vậy lại khó thực hiện được. Nhưng quyết tâm làm vẫn hơn ngồi mà hô khẩu hiệu.

Bây giờ tăng cường kiểm nghiệm nhưng không phải cái gì cũng kiểm mà mỗi thứ, mỗi một mặt hàng cộng với định hướng kiểm những hóa chất độc hại thường thấy nhất. Ngoài kết quả của mình, chúng tôi cũng sẽ lấy thêm kết quả của gần 300 phòng kiểm nghiệm trên địa bàn, kể cả những labo chịu trách nhiệm kiểm nghiệm các mặt hàng xuất khẩu. Tôi vẫn nhấn mạnh chủ trương kiểm tra đột xuất, lấy mẫu.

Cuối cùng, đừng ráng “vở sạch chữ đẹp” trong cấp phép nữa. Cơ sở sau khi “trầy vi tróc vẩy” có được giấy phép xong rồi tung tăng muốn “quậy gì quậy”. Trong khi ở các nước ngược lại, lập một công ty rất dễ dàng, tự công bố, tự cam kết, nhưng sau đó bắt buộc cơ quan quản lý nhà nước hậu kiểm nghiêm ngặt. Thành ra mình thì cứ theo cái nguyên lý ngược, nên hiệu quả không cao.

Xin cảm ơn bà.

Quốc Ngọc thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/quan-ly-thuc-pham-thoat-phan-cat-khuc-40449.html