Thanh long ruột đỏ và ruột trắng, loại nào nhiều dinh dưỡng hơn?

Thanh long có hai loại ruột đỏ và ruột trắng, mỗi loại mang đến hương vị riêng, khiến nhiều người quan tâm về chất lượng của hai loại thanh long.

Thanh long ruột đỏ và ruột trắng thoạt nhìn bên ngoài khá giống nhau, gây khó khăn trong việc phân biệt. Tuy nhiên, thanh long ruột trắng thường có hình dáng tròn trịa hơn và kích thước dài hơn so với thanh long ruột đỏ.

Dù là thanh long ruột đỏ hay ruột trắng, cả hai đều là nguồn cung cấp dồi dào các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Chúng chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa như vitamin C, betalain và carotenoid. Hương vị của thanh long thường ngọt thanh, hơi chua và có độ giòn hấp dẫn.

Thanh long, đặc biệt là ruột trắng, có chỉ số đường huyết thấp, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa

Thanh long, đặc biệt là ruột trắng, có chỉ số đường huyết thấp, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa

Thanh long ruột đỏ thường có vị ngọt đậm đà hơn so với thanh long ruột trắng. Tuy nhiên, thanh long ruột trắng lại được ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi hơn. Chính vì sự khác biệt về độ ngọt này, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng người bệnh tiểu đường nên ưu tiên chọn thanh long ruột trắng.

Thanh long ruột đỏ ngọt hơn do có hàm lượng đường cao hơn loại trắng. Trong 100gr thanh long ruột đỏ chứa 11,5 gram đường, trong khi thanh long ruột trắng chỉ chứa 7,65 gram.

Thanh long là một trong số ít loại trái cây tự nhiên chứa sắt, cung cấp 8% lượng tiêu thụ sắt cần thiết hàng ngày trên mỗi khẩu phần (RDI). Bổ sung thanh long trong chế độ ăn giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, tăng lưu thông máu cho cơ thể. Vitamin C cũng có trong thanh long để hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn cho quá trình tạo máu.

Đối với người có sức khỏe bình thường, cả thanh long ruột đỏ và ruột trắng đều là những lựa chọn bổ dưỡng và cần thiết trong một chế độ ăn uống lành mạnh.

Tác dụng của quả thanh long đối với sức khỏe

Giàu chất chống oxy hóa: Thanh long chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, betalain và carotenoid, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra, từ đó làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư và tim mạch.

Tốt cho hệ tiêu hóa: Cả hai loại thanh long, dù ruột đỏ hay ruột trắng, đều có tác dụng kích thích sự phát triển của các lợi khuẩn như bifidobacteria và lactobacilli, hàm lượng chất xơ cao trong thanh long giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ sức khỏe đường ruột

Kiểm soát đường huyết: Thanh long, đặc biệt là ruột trắng, có chỉ số đường huyết thấp, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Tăng cường hệ miễn dịch: Vitamin C và các chất chống oxy hóa khác trong thanh long giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Tốt cho tim mạch: Thanh long chứa các khoáng chất như magie và kali, giúp điều hòa huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Hỗ trợ giảm cân: Với lượng calo thấp và chất xơ cao, thanh long là một lựa chọn tuyệt vời cho những người muốn giảm cân hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Cải thiện sức khỏe làn da: Các chất chống oxy hóa trong thanh long giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời và ô nhiễm môi trường, đồng thời làm chậm quá trình lão hóa da.

Tăng cường sức khỏe xương: Thanh long chứa một lượng nhỏ canxi và phốt pho, góp phần duy trì sức khỏe xương và răng.

Tốt cho mắt: Vitamin A và các carotenoid trong thanh long giúp bảo vệ mắt khỏi các bệnh thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.

Cải thiện tâm trạng: Thanh long chứa một số chất có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng, như magie và tryptophan.

Thanh long ruột đỏ và ruột trắng, cả hai loại đều có chất lượng giống nhau, điều khác biệt chỉ là màu sắc. Vì vậy sử dụng loại thanh long nào cũng đều tốt cho sức khỏe của chúng ta.

Những lưu ý khi ăn thanh long

+ Liều lượng khuyên dùng thanh long cho bệnh nhân tiểu đường là hai phần một ngày với mỗi phần khoảng 120gr.

+ Những người thường bị lạnh bụng, đại tiện phân lỏng, đầy bụng, thì không nên ăn thanh long.

+ Phụ nữ không nên ăn thanh long trong chu kỳ kinh nguyệt.

+ Thanh long chứa nhiều đạm thực vật, phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn.

+ Đối với thanh long ruột đỏ thì không nên ăn quá nhiều vì sẽ khiến cho phân và nước tiểu có màu đỏ sẫm.

Lê Nguyệt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-long-ruot-do-va-ruot-trang-loai-nao-nhieu-dinh-duong-hon-331744.html