Thanh niên dám nghĩ, dám làm
ĐBP - Anh Trần Khắc Huệ (sinh năm 1994), thôn Lập Thành, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) là thanh niên dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn, quyết tâm làm giàu chính đáng, trở thành tấm gương tiêu biểu trong số những thanh niên nông thôn làm giàu trên chính quê hương của mình.
Anh Trần Khắc Huệ vệ sinh chuồng trại chuẩn bị cho trâu, bò ăn. Ảnh: Thùy Trang
Với khát vọng làm giàu, anh Huệ bắt đầu tìm kiếm cho mình hướng phát triển kinh tế ngay tại quê nhà. Nhận thấy việc chăn nuôi trâu, bò, lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2018, anh quyết tâm tìm hiểu nguồn giống, thức ăn đảm bảo để phát triển chăn nuôi.
Nghĩ là làm, với nguồn vốn ban đầu 200 triệu đồng, anh mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 tỷ đồng. Tận dụng hơn 2ha đất của gia đình, anh xây dựng chuồng trại với tổng diện tích hơn 1.000m2, ban đầu nuôi 30 con trâu, bò; 100 con lợn. Năm đầu tiên chăn nuôi, chưa có nhiều kinh nghiệm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thiếu kỹ năng chăm sóc, phòng bệnh nên chất lượng chăn nuôi giảm sút, trâu, bò chậm lớn. Không nản lòng, anh không ngừng học hỏi kinh nghiệm của các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài huyện; thường xuyên, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi qua sách, báo, tivi để ứng dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Qua những kinh nghiệm tích lũy dần, anh mở rộng quy mô chăn nuôi, hàng năm anh xuất ra thị trường 200 con lợn, 50 con trâu, bò thu lợi hàng trăm triệu đồng; số tiền vay ngân hàng đến nay gia đình anh đã trả gần xong. Năm 2020, anh xuất ra thị trường 4 lứa lợn, mỗi lứa 50 con thu về 80 triệu đồng; đàn trâu, bò với 50 con dịp tết Nguyên đán xuất bán, dự kiến thu lợi 500 triệu đồng.
Anh Huệ cho biết, nguồn giống lợn gia đình tự phối giống, còn trâu, bò bà con dân bản không chăm sóc được nên gầy, anh thu mua lại đem về nuôi béo nên cứ nuôi một năm là có thể bán ra thị trường. Nuôi trâu, bò không cần nhiều kinh nghiệm, chủ yếu phải tiêm thuốc phòng bệnh đầy đủ; cho ăn 4 bữa/ngày. Hiện tại ngoài cám và sắn phải đi mua thì gia đình anh tận dụng vườn nhà trồng cỏ, rơm, đến mùa gặt lúa anh thu gom của bà con đem về làm thức ăn dự trữ. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, không con gia súc nào của gia đình anh bị thiệt hại vì hệ thống chuồng nuôi được quây kín bạt, cho ăn tại chuồng, không thả rông.
Ðể trâu, bò lớn nhanh, anh chia sẻ: “Ngoài ăn cám, rơm và cỏ tôi còn cho trâu, bò ăn một loại thức ăn ở địa phương chưa phổ biến là sắn ủ lên men. Sắn bóc vỏ, luộc chín, ủ từ 35 - 40 ngày, sắn ủ nếu chưa dùng đến ngay có thể để được khoảng 1 năm, nếu đã dùng thì phải dùng hết luôn. Ăn sắn ủ lên men giúp tuần hoàn của trâu, bò tốt hơn, ăn ngon, béo khỏe, lớn nhanh”.
Ông Vũ Trọng Sáng, cán bộ khuyến nông xã Noong Hẹt cho biết: “Gia đình anh Trần Khắc Huệ là hộ tiêu biểu của địa phương trong việc phát huy hiệu quả vốn vay phát triển kinh tế. Tuy còn trẻ nhưng biết cố gắng, phấn đấu làm kinh tế giỏi, là tấm gương phát triển kinh tế để người dân địa phương học tập”.
Không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, với sự quyết tâm anh Huệ đã bước đầu gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong phát triển kinh tế. Những thành quả trong quá trình lao động sẽ là nền tảng, là bước đệm để anh tiếp tục phấn đấu, vươn lên đạt nhiều thành công hơn nữa trong cuộc sống.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/184671/thanh-nien-dam-nghi-dam-lam