Thanh niên khởi nghiệp – Đường dài 'chân cứng, đá mềm'
Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đã giúp cho nhiều thanh niên cảm thấy tự hào vì đã vượt qua thử thách, tự mở ra con đường đi cho chính mình. Nhiều thanh niên ở xứ Thanh cũng đã và đang viết nên câu chuyện khởi nghiệp từ đam mê, hoài bão và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, tôi hẹn gặp anh Nguyễn Hữu Tráng (sinh năm 1984), ở thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn) vào một ngày anh đang khá bận rộn ở Cơ sở sản xuất bạt cuốn Tráng Thơm. Anh là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến được Đảng bộ thị trấn biểu dương trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2023.
Vốn tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp chuyên ngành cơ khí, song cơ duyên khởi nghiệp với ngành nghề sản xuất, thi công bạt dân dụng của anh đến một cách khá tình cờ, xuất phát từ một lần đi làm thuê lắp bạt cho một cơ sở nhỏ trong huyện. Nhận thấy thị trường tiềm năng, nhu cầu sử dụng các loại bạt cuốn tại các công trình dân dụng rất cao, năm 2019, anh Tráng đã quyết định đầu tư số vốn ban đầu gần 400 triệu đồng để mở cơ sở sản xuất, mặt bằng ban đầu là đất ở của gia đình. Cơ sở bạt cuốn Tráng Thơm chuyên sản xuất, thi công các loại bạt mái xếp di động, mái vòm di động, giàn phơi thông minh... Ban đầu, cơ sở sản xuất của anh chủ yếu cung cấp cho thị trường trong huyện, sau hơn 3 năm hoạt động, với uy tín, chất lượng và trách nhiệm, mẫu mã phong phú, bảo hành tận tình, chu đáo, cơ sở đã mở rộng thị trường ra các huyện lân cận và một số tỉnh, thành phố trong nước. “Để phát triển lâu dài, tạo được uy tín đối với khách hàng, đòi hỏi phải có sự kiên trì và nỗ lực. Ban đầu khi mới mở cơ sở, mình cũng phải lăn lộn đi thị trường giới thiệu, tìm kiếm khách hàng. Mỗi đơn hàng nhận được, sản phẩm không chỉ bảo đảm chất lượng, uy tín, giá cả hợp lý mà còn phải tận tụy, chu đáo khi lắp đặt, thi công, có chế độ bảo hành tốt cho khách. Dần dần, “tiếng lành đồn xa”, nhiều khách hàng tự giới thiệu cho nhau và tự tìm đến cơ sở để đặt hàng khi có nhu cầu”, anh Tráng chia sẻ.
Cuối năm 2022, anh Tráng quyết định mở rộng quy mô sản xuất khi đầu tư mua 400 m2 đất tại mặt đường tỉnh 58, khu phố Nguyễn Năm Hạnh, thị trấn Nga Sơn để xây dựng xưởng sản xuất quy mô rộng rãi hơn. Anh đầu tư trên 2 tỷ đồng để mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ quá trình sản xuất và thi công. Hiện nay, mỗi tháng, khối lượng đơn hàng mà cơ sở sản xuất trung bình đạt khoảng 300 triệu đồng. Hiện nay, cơ sở sản xuất đang tạo việc làm cho 5 lao động chính với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng, nhiều lao động thời vụ chuyên thi công lắp đặt với mức công cao trong ngày. Cơ sở của anh đang sản xuất thêm sản phẩm rèm cuốn cầu vồng có công dụng cản nắng, chống côn trùng, nhỏ gọn tiện lợi, độ bền cao. Mục tiêu của anh Tráng là trong năm 2023 sẽ đăng ký thành lập doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu Công ty sản xuất rèm cửa T&T HOMME với mong muốn phát triển bền vững, lâu dài.
Khác với anh Tráng, lựa chọn khởi nghiệp ở một lĩnh vực khó là nông nghiệp, anh Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Điền Trạch, thôn Điền Trạch, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) cũng có nhiều trăn trở và tâm huyết với đồng đất quê hương. Có vài dịp ghé thăm nông trại sản xuất của Công ty CP Ứng dụng và Phát triển NNCNC Điền Trạch và được gặp gỡ ông chủ trẻ của mô hình này. Khác với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, ấn tượng của tôi khi lần đầu gặp anh Đỗ Văn Tùng và các cộng sự của mình là phong cách trẻ trung, năng động của những người có trình độ, có chuyên môn.
Theo anh Tùng, năm 2019, khi nắm bắt được chủ trương, chính sách về tích tụ đất đai để phát triển NNCNC, anh cùng các cộng sự của mình đã quyết định thuê đất nông nghiệp để đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Lấy kiến thức làm nền tảng, niềm đam mê làm động lực, cùng nhau “xắn tay áo” góp công, góp vốn thuê đất, dựng lên những khu sản xuất hiện đại với nhà màng, nhà lưới, trang bị hệ thống ứng dụng công nghệ tưới thông minh, hiện đại... để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu là dưa vàng. Quy mô sản xuất hiện nay có 7 khu nhà màng với tổng diện tích khoảng 1,5 ha, chủ yếu sản xuất dưa vàng. Giữa một vùng đất khô cằn, những mầm xanh mơn mởn trong những khu nhà màng vẫn mọc lên, đơm hoa và cho trái ngọt. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của những người trẻ, mang hơi ấm từ bàn tay, trí tuệ, nhiệt huyết và đam mê để đầu tư vào nông nghiệp.
Điểm đặc biệt là nông trại sản xuất ở Điền Trạch áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, với yêu cầu nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, vật tư đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ. Đây chính là nền tảng để sản phẩm của Điền Trạch tiếp cận thị trường và giữ được uy tín, mối hàng và đầu ra thuận lợi. Những quả dưa vàng trĩu nặng, đều tăm tắp của thương hiệu Điền Trạch được thị trường đón nhận và hiện có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội, một số tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung.
Những năm qua, đường đi của nhiều thanh niên không chỉ là “đầu quân” cho các cơ quan, doanh nghiệp mà còn tự mình phát triển sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, từng điểm xuất phát đến đích có thể dài hay ngắn. Khởi nghiệp cần ý chí, kiên trì, bền bỉ quyết tâm cao cũng cần cả “thiên thời địa lợi”, hoàn toàn không có chỗ cho những ảo tưởng về thành công dễ dàng và nhanh chóng. Mặc dù vậy, đường dài, “chân cứng, đá mềm”, thành công chỉ đến với những người dám thay đổi và biết thay đổi, thích nghi trong cuộc sống luôn biến động.