Thanh niên Mường Lát quyết tâm lập thân, lập nghiệp
Huyện vùng cao Mường Lát với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng giao thông khó khăn nên con đường lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế của thanh niên nơi đây còn vất vả gian nan. Tuy vậy, với lòng yêu quê hương, quyết tâm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Khát vọng khởi nghiệp trên quê hương
Tốt nghiệp Khoa Luật kinh tế Trường Đại học Vinh năm 2021, cô gái trẻ dân tộc Thái ở xã Quang Chiểu Lò Thị Cúc không chọn con đường làm việc ở thành phố mà quyết định trở về địa phương với trăn trở tìm con đường khởi nghiệp cho bản thân. “Tôi yêu quê hương và muốn gắn bó cuộc sống với nơi này, tôi mong muốn lập thân, lập nghiệp chính tại nơi mình sinh ra, vừa để bản thân được thử thách, rèn luyện, vừa góp phần đóng góp cho sự phát triển của quê hương” - Cúc tâm sự.
Với mong muốn đưa các sản phẩm sạch, đặc trưng của người dân quê hương ra thị trường, mô hình kinh doanh thực phẩm của Cúc được khởi động từ tháng 6/2021. Chị đã kết nối và mua các nguyên liệu của người dân và tiến hành sơ chế, cho ra các sản phẩm đặc trưng của vùng cao như: thịt trâu gác bếp, chẻo ớt, mắc khẻn... Để nét ẩm thực dân tộc của quê hương đến với nhiều đối tượng khách hàng, chị đã đưa sản phẩm của mình lên trang thương mại điện tử để quảng cáo sản phẩm. Với hình thức bán hàng trực tiếp kết hợp online, sản phẩm của chị hiện được đông đảo khách hàng trong và ngoài huyện biết đến. Chị cũng kết nối bán sản phẩm ở một số tỉnh khác như Hải Dương, Bắc Ninh... Mô hình mang lại cho chị mức thu nhập từ 15 - 25 triệu đồng/tháng. Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, với vai trò là ủy viên ban thường vụ đoàn xã, chị Lò Thị Cúc luôn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Sinh ra trong gia đình nghèo tại bản suối Tút, xã Quang Chiểu, chàng thanh niên dân tộc Dao Tặng Văn Sinh sớm chịu nhiều vất vả. Tốt nghiệp Trường THPT Mường Lát, anh đã đi làm thuê nhiều nơi để mưu sinh, nhưng vẫn không đủ tiền lo cho gia đình.
Nhận thấy thế mạnh của địa phương là đất đồi rừng, năm 2016, anh quyết định về quê lập nghiệp. Qua sự tư vấn của gia đình và bạn bè, anh đã xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng gỗ, bưởi, nuôi thêm lợn, gà, vịt. Đến năm 2018, anh Sinh nhận thấy ở khu vực biên giới ít người trồng cây quýt đường, nếu thực hiện sẽ có khả năng thành công và cung cấp ra địa bàn huyện sản phẩm quýt an toàn. Anh quyết tâm vay vốn để mua 200 cây quýt đường về trồng, kết hợp trồng rừng, chăn nuôi.
Hiện trang trại của gia đình anh Sinh đã trồng được 600 cây quýt đường và cam, gần 2ha rừng xoan, lát; nuôi 10 con trâu, bò, hơn 20 con lợn, 100 con gà. Thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí khoảng 140 triệu đồng; tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
Phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh
Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng địa phương có thể phát triển cây lúa nếp Cay Nọi, vợ chồng đoàn viên Lương Thị Nồng và Lò Văn Liêm quyết định thành lập HTX nông lâm Chung Thành và năm 2021 đã xây dựng thành công lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát.
Năm 2022, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát triển khai mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi tại bản Pùng trên diện tích 50ha, với sự tham gia của hơn 200 hộ dân.
Mô hình tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, mở ra hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy XDNTM trên địa bàn.
Hiện tại, HTX nông lâm Chung Thành của gia đình đoàn viên Lương Thị Nồng đã thu mua, cung ứng sản phẩm lúa nếp Cay Nọi ra thị trường nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh như Hòa Bình, Ninh Bình...
Trên địa bàn huyện Mường Lát còn có nhiều bạn trẻ khác như: Lò Khăm Định, đoàn viên xã Trung Lý với mô hình chăn nuôi lợn bản địa; Giàng A Trư, đoàn viên bản Khằm 2, xã Trung Lý với mô hình nuôi gà H’Mông bản địa; Vi Văn Đợi, bí thư chi đoàn khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát với mô hình phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi... Con đường khởi nghiệp, làm giàu của các bạn trẻ này đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của tuổi trẻ, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên, nhất là thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn.
Bí thư Huyện đoàn Mường Lát Lâu Văn Phía cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 21 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, bước đầu đã cho thu nhập ổn định. Hướng đến mục tiêu giúp thanh niên thoát nghèo bền vững, hằng năm các cơ sở đoàn trong huyện đã tiến hành rà soát, nắm bắt hoàn cảnh của thanh niên để từ đó có hướng đồng hành, hỗ trợ thanh niên vươn lên ổn định cuộc sống. Những hoạt động hỗ trợ thanh niên được cơ sở đoàn khởi động thông qua nhiều hình thức: chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật gắn với các mô hình dự án chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; dự án khởi nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm...
“Thời gian tới, Huyện đoàn Mường Lát tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế; duy trì mô hình “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”. Đồng thời, triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời đề xuất với các cơ quan, đơn vị tạo cơ chế tốt nhất để thanh niên có điều kiện sản xuất, có được nguồn vốn để duy trì sản xuất, hướng dẫn thêm kỹ thuật, đấu mối, kết nối số để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm do thanh niên làm ra” - Bí thư Huyện đoàn Mường Lát Lâu Văn Phía nhấn mạnh.