Thanh niên xung phong trên tọa độ lửa

Những thanh niên xung phong gan góc, dạn dày, anh dũng kiên cường đã vượt lên 'mưa bom, bão đạn', trực tiếp cùng với dân công, bộ đội chủ lực đảm bảo giao thông chi viện cho chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Trong không khí chào mừng kỷ niệm 68 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022), chúng tôi tìm gặp những người trực tiếp tham gia chiến dịch, những nhà nghiên cứu lịch sử để ghi lại những ngày tháng oai hùng đó.

Cầu Tà Vài - 75 ngày đêm địch phá, ta lại sửa ta đi

Cùng với Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh, chúng tôi đến thăm ông Thái Hữu Hoành, tổ 11, phường Quyết Thắng (Thành phố), cựu thanh niên xung phong (TNXP) trực tiếp tham gia đảm bảo giao thông tại cầu Tà Vài, huyện Yên Châu từ ngày 25/2/1954-12/5/1954. Hầu hết các nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu, công tác trên tuyến lửa Cò Nòi ngày ấy đến nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ký ức một thời hoa lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí.

Ông Thái Hữu Hoành (ngồi giữa), cựu TNXP kể lại những kỷ niệm trực tiếp tham gia đảm bảo giao thông tại cầu Tà Vài, huyện Yên Châu từ ngày 25/2/1954-12/5/1954 .

Ông Thái Hữu Hoành (ngồi giữa), cựu TNXP kể lại những kỷ niệm trực tiếp tham gia đảm bảo giao thông tại cầu Tà Vài, huyện Yên Châu từ ngày 25/2/1954-12/5/1954 .

Năm 2022, ông Hoành đã 85 tuổi, những hồi ức, kỷ niệm về những ngày tháng hào hùng của lực lượng TNXP gan góc, dạn dày, anh dũng kiên cường, bảo đảm giao thông nơi “tọa độ lửa” vẫn được ông nhớ như in và kể lại mạch lạc. Ông bảo ngày đó chiếc cầu Tà Vài là chiếc cầu sắt bậc trung, dài 60m, bắc qua suối Tà Vài trên đường 41 độc đạo tại Km 278+200; nơi đây địa hình hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là suối sâu. Từ khu IV, khu III- Hòa Bình, Mộc Châu đi lên chiến dịch Điện Biên, ô tô, bộ đội, dân công đều phải đi qua cầu này nên địch đã có âm mưu ngăn chặn. Từ tháng 1/1954, máy bay “bà già” của Pháp đã bay đi, bay lại, bay sát ngọn cây để trinh sát, xác định mục tiêu, tìm vị trí chiếc cầu.

Ông Hoành nhớ lại: Đúng 10h ngày 25/2/1954, trời vừa tan mù thì địch cho 4 tốp máy bay T28, T26 đến oanh tạc, đánh phá suốt 3 giờ liền. Chúng ném bom Na Pan đốt cháy một vùng rộng lớn, rồi ném bom phá cho đất đá, cây cối đổ ập xuống suối nhiều tầng, nhiều lớp khiến cây cầu đổ sập; rồi ném nổ chậm và bom bi để gây sát thương cho quân ta. Ngay khi vừa ngớt tiếng bom, hơn 600 TNXP của 3 đại đội cầm dao, cuốc, xẻng dốc sức, dốc lòng để nhanh chóng tạo đường đi mới.

Theo phân công, tổ phá bom nổ chậm tìm vị trí các quả bom để xử lý; bộ phận làm đập tràn thì đem rọ bằng nứa, bỏ đá cuội vào trong, kê đóng cọc để tạo thành 2 đường lề trên và dưới; những bó cây dài hơn 3m được để ngang giữa 2 lề rọ, tạo thành các đập tràn, đường ngầm, đảm bảo cho ô tô, xe thồ và bộ đội qua lại an toàn, thuận lợi.

Từ ngày 26/2/1954 và liên tiếp những ngày sau đó, địch đánh phá khu vực cầu này mỗi ngày một mức độ cao hơn, ác liệt hơn. Nhất là sau ngày 13/3, ta đánh thắng cứ điểm Him Lam, địch càng lồng lộn, điên cuồng đánh phá. Ngày nào cũng có 1-2 tốp máy bay đến ném bom phá hoại con đường có chiếc cầu này. Cứ mỗi lần ném bom là đất đá, cây cối đổ ập xuống suối, làm tung bay đường ngầm. Và ngày nào cũng như ngày nào, cứ mỗi lần ngớt tiếng bom là TNXP 3 đại đội lại tiếp tục nhiệm vụ sửa chữa, khắc phục để đảm bảo 17h là thông đường.

Ông Hoành nhấn mạnh giọng đầy tự hào: Trong 75 ngày đêm, ngoài nhiệm vụ chính ở cầu Tà Vài, khi có lệnh chi viện cho Ngã ba Cò Nòi, anh em chúng tôi đều xung phong tình nguyện hành quân cấp tốc lên để cùng các đơn vị đảm bảo giao thông tại trọng điểm ác liệt này.

Ngã ba Cò Nòi – tọa độ lửa trên đường 41

Theo các tư liệu lịch sử tại Hội thảo khoa học: “Ngã ba Cò Nòi anh hùng – Tầm vóc và giá trị lịch sử”, ghi lại: Tỉnh Sơn La nằm trên con đường huyết mạch lên mặt trận Điện Biên Phủ. Ngã ba Cò Nòi thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nằm trên Quốc lộ số 6, là giao điểm của quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Lai Châu và tỉnh lộ 37 từ Yên Bái sang. Con đường lên Sơn La – Lai Châu đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Cò Nòi ngày ấy là tọa độ lửa trên đường 41 (Quốc lộ 6 ngày nay). Ngã ba Cò Nòi có diện tích khoảng 120 ha trải dài theo thung lũng, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông.

Đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi.

Đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi.

Chính vì vị trí hiểm yếu và quan trọng đó mà máy bay giặc Pháp liên tục đánh phá Ngã ba Cò Nòi, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường Điện Biên Phủ. Từ 13/3/1954, đợt tiến công thứ nhất vào Điện Biên Phủ bắt đầu. Quân Pháp không đánh rải rác khắp nơi như trước, chúng tập trung máy bay, bom đạn đánh phá đường tiếp tế của ta từ Cò Nòi trở lên. Lúc đầu chúng rải các loại bom phá, bom nổ chậm, bom Na Pan. Chúng đánh trên mặt đường, vào nơi đóng quân. Các đơn vị của ta luôn phải thay đổi địa điểm đóng quân, ở phân tán và ngụy trang kỹ.

Một quả bom của Pháp thả xuống Ngã ba Cò Nòi được trưng bày tại Phòng truyền thống của Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.

Một quả bom của Pháp thả xuống Ngã ba Cò Nòi được trưng bày tại Phòng truyền thống của Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.

Tại Ngã ba Cò Nòi, bom đạn địch rải dày đặc, cứ 13 phút, chúng lại ném bom bắn phá một lần, nơi này được mệnh danh là “túi bom”, “chảo lửa”, “cửa tử”. Ngày cũng như đêm, địch đánh phá ác liệt, có ngày chúng thả tới 300 quả bom các loại. Có đợt chúng đánh phá 2-3 tuần liên tục, ném bom rải thảm kết hợp nhiều loại bom trong một trận nhằm hủy diệt lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta.

Những hiện vật được trưng bày tại Phòng truyền thống của Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.

Những hiện vật được trưng bày tại Phòng truyền thống của Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.

Bà Vương Ngọc Oanh, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, người nhiều năm dành thời gian nghiên cứu về các tư liệu lịch sử Ngã ba Cò Nòi, chia sẻ: Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Cò Nòi, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường. Đội 34 và Đội 40 của Tổng đội thanh niên xung phong được lệnh thường trực tại Ngã ba Cò Nòi. Bất chấp nguy hiểm, thanh niên xung phong thường xuyên trụ vững tại đây để làm đường, sửa đường, đảm bảo giao thông thông suốt. Bám trụ tại Ngã ba này là các Đại đội 300, 301, 302, 403 do các anh Nguyễn Khắc Chếnh, Dương Phước Tú, Nguyễn Văn Kim chỉ huy. Đội phá bom được chốt ở đây trong một thời gian dài. Từ tháng 3/1954 đến kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, không ngày nào ngừng tiếng bom của giặc Pháp ném xuống nơi đây. Theo số liệu ngành Công binh tổng kết, trung bình mỗi ngày không quân Pháp ném xuống đây 69 tấn bom các loại.

Vang mãi bản Anh hùng ca bất tử

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự, lịch sử chiến tranh trong và ngoài nước phân tích về vai trò, vị trí, ý nghĩa chiến lược của Ngã ba Cò Nòi; về công lao vô cùng to lớn của các lực lượng, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tại nơi đây; nhiều nhà khoa học khẳng định: Ngã ba Cò Nòi là địa danh ghi dấu tiêu biểu cho sự cống hiến, hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; có chiến thắng ở Ngã ba Cò Nòi mới có chiến thắng ở Điện Biên Phủ.

Lực lượng TNXP, đoàn viên thanh niên thắp hương thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi.

Lực lượng TNXP, đoàn viên thanh niên thắp hương thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi.

Ghi nhớ công ơn của các Anh hùng, liệt sỹ TNXP, cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi khánh thành năm 2002; năm 2004, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhân là Di tích cấp Quốc gia. Năm 2020, Di tích lịch sử tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp với tổng diện tích quy hoạch hơn 10 ha. Giai đoạn 1 của Dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình: Nhà tưởng niệm, bia ghi công và một số hạng mục khác. Đây là công trình rất ý nghĩa về lịch sử văn hóa, là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và cứ vào ngày 23/3 âm lịch hàng năm, tại khu di tích này, Tỉnh đoàn Sơn La, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh và huyện Mai Sơn đều tổ chức Lễ dâng hương Ngày giỗ chung tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ, TNXP đã chiến đấu, hi sinh tại Ngã ba Cò Nòi.

Ông Vũ Xuân Hải, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Sơn La, cho biết: Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, Hội đang phối hợp với các đơn vị, các chi hội trong tỉnh thực hiện các hoạt động thăm hỏi, tặng quà và tri ân cho các bác TNXP từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; chuẩn bị các hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam 15/7; phối hợp với Bảo tàng tỉnh tiếp tục thực hiện sưu tầm các tư liệu lịch sử để bổ sung thêm vào Phòng truyền thống của khu di tích.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, rất nhiều đoàn du khách, lực lượng TNXP, đoàn viên thanh niên và cán bộ, nhân dân đến dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi để tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh to lớn của các lực lượng, trong đó có thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tại Ngã ba Cò Nòi, Đây cũng là địa chỉ đỏ tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi về giá trị lịch sử, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông trong cuộc chiến đấu dành độc lập, tự do cho dân tộc.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thanh-nien-xung-phong-tren-toa-do-lua-49947