Thanh Nưa - điểm sáng vùng biên sau chiến tranh
Trải qua 71 năm, sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', từ mảnh đất chịu nhiều vết thương chiến tranh, Thanh Nưa nay đã 'thay da đổi thịt'.

Thanh Nưa từng bước thoát nghèo, khoác lên mình diện mạo mới.
Nằm trên tuyến Quốc lộ 12, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) là địa danh lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với Di tích đồi Độc Lập. Trải qua 71 năm, sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, từ mảnh đất chịu nhiều vết thương chiến tranh, Thanh Nưa nay đã “thay da đổi thịt” với nhiều khởi sắc, minh chứng cho sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.
Là một trong 13 thôn, bản của xã Thanh Nưa, thôn Độc Lập bao quanh đồi Độc Lập, nên người dân địa phương lấy Di tích đồi Độc Lập để đặt tên cho thôn. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi nằm một mình, không liên kết với đồi nào nên bộ đội ta gọi là Độc Lập (tiếng Thái gọi là Pú Băng). Thực dân Pháp đặt tên đồi Độc Lập là Gabrielle, tên của một thiếu nữ xinh đẹp của nước Pháp. Đồi có chiều dài 700m, rộng 150m, nơi cao nhất so với mực nước biển là 500m. Nơi đây, quân Pháp bố trí trận địa dày đặc mìn, thép gai… do Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 7 Angeri (Bắc Phi) trấn giữ, với nhiệm vụ ngăn chặn sự tấn công của bộ đội ta từ hướng Bắc theo đường từ Lai Châu về Điện Biên.
Về phía ta, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 được giao tấn công đồi Độc Lập. Vào khoảng 2 giờ sáng 15/3/1954, trận tấn công đồi Độc Lập của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu, đến 6 giờ 30 phút cùng ngày thì kết thúc với thắng lợi hoàn toàn. Kết quả, quân ta đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn Bắc Phi, bắt sống gần 300 tên địch, cờ Quyết chiến Quyết thắng đã được cắm trên đỉnh đồi Độc Lập.
Chiến thắng đồi Độc Lập đã đẩy địch vào thế bị động, mở ra cục diện và thế trận mới có lợi cho ta; tạo khí thế và quyết tâm cho các đơn vị trên toàn mặt trận tiếp tục tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
71 năm sau Ngày Giải phóng Điện Biên, nhân dân các bản quanh cứ điểm Độc Lập đoàn kết, hàn gắn vết thương chiến tranh, thi đua phát triển sản xuất. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi Nậm Rốm... dần được xây dựng phục vụ đời sống nhân dân. Hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội bị bài trừ. Cuộc sống mới của nhân dân đã hồi sinh và từng bước cải thiện trên chính mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa.

Là một xã vùng biên, Thanh Nưa từng bước thoát nghèo, khoác lên mình diện mạo mới.
Tâm sự với chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn Độc Lập, xã Thanh Nưa Nguyễn Đại Đồng chia sẻ, sau chiến tranh, cuộc sống của người dân ở Độc Lập nói riêng và Thanh Nưa nói chung gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn lạc hậu. Đến nay, cùng với sự phát huy nội lực của địa phương, nhờ thụ hưởng các chương trình, chính sách của Nhà nước; đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhà cửa được xây dựng kiên cố khang trang, giao thông thuận tiện, hệ thống trường học các cấp được xây mới.
Năm 2019, bản Quyết Thắng sáp nhập vào thôn Độc Lập để thành lập thôn Độc Lập mới; đến nay, thôn có 152 hộ với trên 520 nhân khẩu. Ngoài trồng lúa, người dân nơi đây còn biết kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, hàng ăn uống dọc tuyến Quốc lộ 12, nên kinh tế ngày một khấm khá, với mức thu nhập bình quân từ 45 - 50 triệu đồng/người/năm. Hiện, toàn thôn Độc Lập có khoảng 40% hộ giàu, khá giả, không có hộ nghèo và chỉ còn duy nhất một hộ cận nghèo.
Sau chiến tranh, bao quanh đồi Độc Lập bây giờ là những ngôi nhà kiên cố, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Những con đường bê tông vào từng thôn, bản đêm đêm rực rỡ ánh điện. Hệ thống trường học các cấp, trạm y tế, điểm bưu điện cho đến nhà dân đa phần đều đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đói nghèo và lạc hậu năm xưa đã bị đẩy lùi. Tại các thôn, bản văn hóa, nhiều hộ đang vươn lên làm giàu, biến những bãi chiến trường năm xưa thành những cánh đồng lúa 2 vụ, cánh đồng ngô xanh tít tắp.

Nhiều người dân trong xã Thanh Nưa phát triển kinh tế hiệu quả từ mô hình vườn - ao - chuồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Nưa Lường Văn Chum, Thanh Nưa là xã có đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Hiện, toàn xã có hơn 1.140 hộ dân với gần 4.400 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm 2,2 %; cận nghèo chiếm 3,7%. Năm 2017, Thanh Nưa vinh dự là một trong những xã biên giới đầu tiên của tỉnh Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, kinh tế - xã hội của xã phát triển mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người trong xã từ 42,1 triệu đồng/người năm 2023 đã tăng lên trên 45 triệu đồng/người năm 2024. Tổng thu ngân sách của xã ước gần 7,3 tỷ đồng, đạt trên 96% so với dự toán giao.
Hiện, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng gần 992 ha cây lương thực, với tổng sản lượng đạt hơn 3.074 tấn/năm. Chăn nuôi luôn duy trì ổn định, tổng đàn gia súc đạt 3.507 con và gia cầm các loại là 115.984 con, đạt trên 100% so với kế hoạch. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì, đến nay số gia đình được công nhận Gia đình văn hóa là 921 đạt trên 86%; 13/13 thôn bản được công nhận thôn, bản văn hóa chiếm 100%. Công tác giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô trường lớp ngày càng được hoàn thiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 100%; Trường Tiểu học huy động học sinh 6 tuổi vào lớp một đạt 100%; Trường Trung học cơ sở tỷ lệ học sinh chuyển thẳng lớp đạt 99,3%, xét tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt 100%...
Là một xã vùng biên, chịu nhiều vết thương trong chiến tranh, nhưng Thanh Nưa ngày nay đang “vươn mình” mạnh mẽ để từng bước thoát nghèo và "khoác lên mình" diện mạo mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Nưa tiếp tục nỗ lực để xây dựng bản làng ngày càng no ấm hơn, xứng danh với vùng đất lịch sử.