Thành phố chăm lo y tế học đường

Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo công tác y tế học đường, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh, hạn chế các dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cán bộ Chữ thập đỏ Trường tiểu học Tô Hiệu, Thành phố theo dõi sức khỏe cho học sinh.

Cán bộ Chữ thập đỏ Trường tiểu học Tô Hiệu, Thành phố theo dõi sức khỏe cho học sinh.

Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố phối hợp với Trung tâm Y tế Thành phố ký kết phối hợp triển khai hoạt động y tế học đường. Trong đó, trạm y tế các xã, phường tổ chức khám sức khỏe định kỳ vào đầu năm học; tư vấn các bệnh về khúc xạ học đường, răng miệng, phòng chống dịch bệnh và các bệnh thường gặp cho học sinh tại trường. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường như tiêm chủng mở rộng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh, phòng chống thiếu Vitamin A... Hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo công tác vệ sinh học đường, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng trong trường học.

Tại các trường học, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, rèn kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, kỹ năng sống, tham gia bảo hiểm y tế trong các buổi học được các trường tổ chức linh hoạt với các hình thức, như: Tổ chức các buổi ngoại khóa hoặc lồng ghép trong giờ chào cờ đầu tuần, các giờ giảng phù hợp với môn học, cấp học, hoặc các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt tập thể của nhà trường. Các trường học đều có sổ sách, hồ sơ lưu trữ tình trạng sức khỏe học sinh. Công tác phòng chống bệnh, tật trong trường học được triển khai, góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, gù vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán, hen phế quản và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe trong trường học. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, thông tin: Hiện, 100% trường học trên địa bàn có phòng y tế, nhân viên và trang thiết bị y tế thông thường, bảo đảm đủ cơ số thuốc thiết yếu phục vụ công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định.

Trường THCS Chiềng Sinh hiện có 25 lớp, 1.023 học sinh. Nhà trường đã bố trí phòng y tế và xây dựng 25 tủ thuốc tại các lớp học. Hàng năm, vận động cán bộ, giáo viên đóng góp kinh phí mua sắm bổ sung các vật tư y tế, như: Bông, băng, nước sát trùng… Đồng thời, phối hợp với Trạm y tế xã, phường xây dựng phương án điều trị và sơ cứu khi có học sinh bị tai nạn, ngộ độc thực phẩm, mắc bệnh, kịp thời chuyển tuyến điều trị đúng quy định.

Em Trần Anh Thu, lớp 8A, Trường THCS Chiềng Sinh, chia sẻ: Đầu năm học, cả lớp được cán bộ trạm y tế phường khám sức khỏe, đo cân nặng, chiều cao. Chúng em thường xuyên được các thầy, cô giáo tuyên truyền không ăn thực phẩm bán ngoài cổng trường; rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và giữ vệ sinh môi trường.

Trường tiểu học Tô Hiệu hiện có 700/1.008 học sinh ăn bán trú tại trường. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường đã hợp đồng với cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, rau xanh bảo đảm chất lượng. Hàng ngày, xây dựng thực đơn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng; nhân viên y tế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện lưu mẫu thức ăn đúng quy trình.

Để nâng cao hiệu quả công tác y tế học đường, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố tham mưu cho ngành Giáo dục - Đào tạo và UBND Thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định; bổ sung trang thiết bị, dụng cụ phục vụ hoạt động thể thao trường học; truyền thông giáo dục về sức khỏe, nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh tật học đường, sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi.

Thu Thảo

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thanh-pho-cham-lo-y-te-hoc-duong-53629