Thành phố Hà Nội đã ủy quyền 578 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94%
Đến nay, toàn Thành phố đã ủy quyền 578 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94%. Hiện, Thành phố chỉ đạo tập trung đánh giá kết quả xây dựng, triển khai thực hiện phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính sau 1 năm thực hiện.
Thực hiện hiệu quả một số mô hình thí điểm
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa trình Hội đồng nhân dân Thành phố báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính năm 2023. Trong đó, công tác cải cách tổ chức bộ máy đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong năm, Thành phố đã tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Thành phố đã tổ chức triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Đến nay, Chính phủ đã sơ kết thí điểm báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chấm dứt thí điểm và quy định chi tiết chính quyền đô thị trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đồng thời, chỉ đạo, rà soát và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã được phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm kể từ ngày 10/8/2023 cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Thành phố cũng hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố; tập trung rà soát đồng bộ các nhiệm vụ giao thoa, chồng chéo nhằm tinh gọn bộ máy và hoạt động có hiệu quả từ Thành phố xuống cấp huyện.
Bên cạnh đó chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả một số mô hình thí điểm khác (mô hình Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND các huyện: Mê Linh, Chương Mỹ, Thanh Trì); chỉ đạo, rà soát, xây dựng Đề án tổng thể công tác quản lý di tích và quản lý hoạt động du lịch tâm linh, tham quan thắng cảnh tại Quần thể di tích - thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Hương Sơn (huyện Mỹ Đức).
Thành phố cũng đánh giá, sắp xếp, tổ chức lại mô hình hoạt động Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc UBND cấp huyện, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội; phối hợp các cơ quan Trung ương triển khai Đề án chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND Thành phố.
Kết quả, Thành phố đã giảm từ 6 xuống còn 4 đơn vị đối với các Ban Quản lý dự án chuyên ngành; giảm 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp; 2 chi cục thuộc sở; 7 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở; 1 đơn vị sự nghiệp thuộc chi cục thuộc Sở. Qua triển khai thí điểm cho thấy bước đầu đã có những hiệu quả rõ rệt.
73 đơn vị hành chính cấp xã cần phải sắp xếp
Trong năm 2023, Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế; phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của Thành ủy, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Thành phố; ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 3/9/2023 để triển khai thực hiện Kết luận số 1269-TB/TU ngày 2/8/2023 của Thành ủy.
Thành phố đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương; cơ quan nào đủ điều kiện thực hiện tốt nhất thì giao việc đi đôi với tăng cường, kiểm tra, giám sát.
Đến nay, toàn Thành phố đã ủy quyền 578 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94%. Hiện, Thành phố chỉ đạo tập trung đánh giá kết quả xây dựng, triển khai thực hiện phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính sau 1 năm thực hiện, để sớm có phương án, giải pháp ủy quyền hợp lý nhất, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Qua rà soát, toàn Thành phố có 173 đơn vị hành chính cấp xã cần phải sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội. Dự kiến sau sắp xếp, giảm còn 509 đơn vị hành chính cấp xã. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang tích cực rà soát, đánh giá, đảm bảo hoàn thành việc sắp xếp và thời gian theo yêu cầu (hoàn thành để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội chậm nhất trước ngày 31/3/2024).
Trong năm tới, UBND Thành phố xác định sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tập trung theo dõi, đánh giá các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp. Thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tiếp tục triển khai tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp phòng, các đơn vị trực thuộc các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã…