Thành phố Hà Nội: Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ

Hiện phần lớn nông sản, thực phẩm cung cấp từ chợ đầu mối, chợ dân sinh, nhưng các hộ kinh doanh vẫn chưa chú trọng tới nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Do đó, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản bán trên thị trường, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức kinh doanh cho các tiểu thương và tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Hương Giang

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Hương Giang

Vẫn khó khăn trong truy xuất nguồn gốc

Toàn thành phố Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 112 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 435 chợ với khoảng 18.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Trong đó, hệ thống chợ là kênh phân phối chủ lực, cung ứng khoảng 60% nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm và chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai) và 3 chợ mang tính chất đầu mối, gồm: Chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai), chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Các chợ đầu mối này đều kinh doanh lượng lớn nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các chợ gặp không ít khó khăn.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát, tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng còn dễ dãi trong sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định bảo đảm an toàn, thực phẩm, như: Kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Bà Nguyễn Thị Trang, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Xanh (quận Hà Đông) chia sẻ, hằng ngày cửa hàng bán khoảng 50-80kg thịt lợn được nhập từ các lò mổ trên địa bàn, nhưng cũng chỉ có hóa đơn thanh toán tiền, chứ chưa có hồ sơ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh cho biết, hiện nay, một lượng lớn nông sản, thực phẩm được tiêu thụ tại chợ dân sinh trên địa bàn xã, nhưng thực tế nông dân tự sản, tự tiêu hoặc đi lấy hàng ở các chợ đầu mối. Do đó, các hộ kinh doanh vẫn chưa chú trọng tới nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và Ban Quản lý chợ cũng chưa giám sát được chất lượng nông sản, thực phẩm bán tại chợ...

Giám sát từ sản xuất đến tiêu thụ

Để quản lý hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ đáp ứng yêu cầu của Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” (ban hành kèm Quyết định số 4727/QĐ-UBND ngày 5-11-2021 của UBND thành phố) và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và cơ bản đáp ứng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) Nguyễn Đăng Thênh, trên địa bàn xã có chợ gia cầm Hà Vỹ, hằng ngày tiêu thụ một lượng lớn gia cầm, do đó xã đã phối hợp với Ban Quản lý chợ, các ngành chức năng của huyện tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về các quy định an toàn thực phẩm. Các ngành chức năng hỗ trợ tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và hộ kinh doanh, qua đó nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, xã phối hợp với Ban Quản lý chợ tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh có sổ sách, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quầy sạp phải bảo đảm vệ sinh; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra, truy xuất nguồn gốc hàng thực phẩm ra vào chợ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương triển khai tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy hoạch giết mổ; nhân rộng các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; hỗ trợ, khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở và xử lý, công khai cơ sở vi phạm theo quy định. Cùng với đó, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký cam kết đối với các hộ không kinh doanh buôn bán hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh.

Về lâu dài, các sở, ngành tham mưu với thành phố cơ chế, chính sách ưu đãi đối với những doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác chợ, nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm tại chợ; đồng thời xử lý các chợ cóc, chợ tạm còn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của UBND thành phố; đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra chuyên ngành theo phân công, phân cấp quản lý, kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm của các hộ kinh doanh để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thanh-pho-ha-noi-tang-cuong-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tai-cho-623373.html