Thành phố Hồ Chí Minh ngày đại lễ - Điểm hẹn của những câu chuyện mới

TP. Hồ Chí Minh ngập tràn sắc cờ đỏ, rộn ràng trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ là lễ hội của ký ức, nơi đây còn là điểm hẹn của những câu chuyện mới - người dân, du khách, bạn bè quốc tế cùng hòa nhịp trong khúc ca tự hào và khát vọng.

Những ngày cận kề đại lễ 30/4, áo dài, khăn rằn, nón lá và mũ tai bèo xuất hiện khắp các ngả đường, góc phố thành phố mang tên Bác. (Ảnh: Quỳnh Nhi)

Những ngày cận kề đại lễ 30/4, áo dài, khăn rằn, nón lá và mũ tai bèo xuất hiện khắp các ngả đường, góc phố thành phố mang tên Bác. (Ảnh: Quỳnh Nhi)

TP. Hồ Chí Minh những ngày này không chỉ sôi động bởi vai trò đầu tàu kinh tế mà còn ngập tràn trong không khí hào hùng của một ngày hội lớn. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), thành phố mang tên Bác khoác lên mình màu cờ rực rỡ, lấp lánh niềm tin, niềm vui và khát vọng. Từ khắp các nẻo đường đến từng mái nhà, dòng người, và cả những tâm hồn quốc tế - tất cả như đang hòa nhịp trong một khúc ca ngợi ca đất nước Việt Nam trọn niềm vui.

Lá cờ đỏ sao vàng và sự hồi sinh của ký ức

Tháng Tư về, TP. Hồ Chí Minh dường như hối hả hơn thường ngày. Vẫn là guồng quay sôi động quen thuộc, vẫn là nhịp sống đô thị hiện đại, nhưng giờ đây, một làn sóng cảm xúc đặc biệt đang dâng lên từ mọi ngóc ngách. Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở khắp nơi – trên ban công, nóc xe, áo dài, mũ lưỡi trai, thậm chí là trên ly nước mía ở các xe đẩy vỉa hè. Thành phố không chỉ là nơi kỷ niệm, mà trở thành biểu tượng sống động của lòng yêu nước.

Bến Bạch Đằng, từ sáng sớm đã đông vui như ngày hội. Từng đoàn người đổ về, từ các cô gái trong tà áo dài đỏ điểm khăn rằn Nam Bộ, đến những em nhỏ diện quân phục cười rạng rỡ, tay vẫy cờ không ngừng nghỉ. Trên nền nhạc Như có Bác trong ngày đại thắng, những bước chân hối hả tiến về nơi những khẩu đại bác đang nằm. Cảnh tượng diễn tập của chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh khiến không ít người xúc động, bởi không chỉ thể hiện sức mạnh mà còn là lời tri ân với lịch sử.

Những ngày cận kề đại lễ 30/4, áo dài, khăn rằn, nón lá và mũ tai bèo xuất hiện khắp các ngả đường, góc phố thành phố mang tên Bác. (Ảnh: Quỳnh Nhi)

Những ngày cận kề đại lễ 30/4, áo dài, khăn rằn, nón lá và mũ tai bèo xuất hiện khắp các ngả đường, góc phố thành phố mang tên Bác. (Ảnh: Quỳnh Nhi)

Ngay cả những chiếc xe đẩy bán nước cũng trang hoàng lại, treo cờ, dán khẩu hiệu như thể muốn góp phần nhỏ bé vào không khí đại lễ. Không ai bảo ai, dường như ai cũng muốn làm điều gì đó thể hiện niềm tự hào trong dịp kỷ niệm trọng đại này.

Một người đàn ông tóc điểm sợi bạc, khẽ đứng trông theo dòng người trên đường Tôn Đức Thắng, nhẹ châm điếu thuốc, nói trong làn khói: “Chú đi bộ từ nhà tới đây để xem các chú bộ đội diễn tập. Mới đó mà 50 năm rồi con. Nay con gái út của chú cũng theo tới đây. Chú thì sống lại quá khứ, còn nó thì coi để quý cái giá trị của hòa bình. Hòa bình đẹp lắm con à!”.

Điểm đến đặc biệt trong mắt bạn bè năm châu

Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn xưa trong mắt nhiều người nước ngoài không chỉ là đô thị kinh tế mà còn là điểm đến văn hóa đầy quyến rũ và chuyển mình mãnh liệt.

Mathieu Abdoul-Quinque, luật sư người Pháp chia sẻ với niềm xúc động khó giấu: “Tôi đến TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên năm 1994. Lúc đó, Thành phố đã bắt đầu chuyển mình, nhưng không thể tưởng tượng hôm nay mọi thứ lại thay đổi nhanh như vậy”. Anh mô tả những xa lộ mới, những khu đô thị hiện đại, tàu điện ngầm, trung tâm thương mại sầm uất, và đặc biệt là một năng lượng tích cực thấm nhuần vào cuộc sống hàng ngày - tinh thần lạc quan, hiếu khách và luôn hướng về phía trước của người dân nơi đây.

Theo anh Mathieu, sống ở TP. Hồ Chí Minh ngày nay, theo nhiều cách, thú vị và kích thích hơn so với nhiều thành phố lớn khác. Nơi đây có một năng lượng rất đặc biệt, không chỉ phát triển mạnh mẽ, mà còn giữ được bản sắc riêng. Những nét truyền thống không bị cuốn trôi, mà hòa quyện khéo léo với hiện đại.

“Một trong những tài sản lớn nhất của Thành phố là tính đa văn hóa. Đây là nơi giao thoa giữa truyền thống Việt Nam và ảnh hưởng toàn cầu. Từ ẩm thực quốc tế đến đầu tư nước ngoài và cộng đồng người nước ngoài ngày càng đông đảo, vùng đất này tiếp tục thu hút những người đến từ nhiều quốc gia đóng góp vào bối cảnh văn hóa và kinh tế của Thành phố. Sự cởi mở này tạo ra một môi trường năng động vừa có nguồn gốc địa phương vừa kết nối toàn cầu”.

Tuy nhiên, anh Mathieu không quên nhắc tới thách thức: “Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng gây ra áp lực về hạ tầng, nhà ở, giao thông. Những vấn đề này đòi hỏi chính quyền phải có quy hoạch dài hạn và bao trùm, để thành phố không chỉ phát triển mà còn đáng sống trong tương lai”.

Từ một góc nhìn khác, cô Song Ziping – luật sư người Trung Quốc mới sống tại Việt Nam hơn 1,5 năm – bày tỏ tình cảm rất đỗi gần gũi và đời thường. “Tiếng Việt còn hạn chế, song tôi vẫn luôn cảm thấy sự tử tế từ mọi người – từ cô bán hàng đến bác tài xế. Có những đêm tôi lái xe máy quanh Thành phố chỉ để tận hưởng không khí, cuộc sống về đêm đầy màu sắc, nơi mọi người thực sự cảm thấy được sẻ chia”.

Khi biết tin quân đội Trung Quốc sẽ tham gia lễ diễu binh kỷ niệm dấu mốc trọng đại sắp tới, cô cảm thấy “rất tự hào. Sự kiện này không chỉ là biểu tượng của lịch sử, mà còn thể hiện tinh thần hữu nghị và gắn kết giữa hai quốc gia. Tôi chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ, giống như lần Việt Nam ăn mừng chiến thắng ASEAN Cup 2024 vậy”.

 Cán bộ chiến sĩ vận hành dàn pháo phục vụ đại lễ 30/4 tại công viên bến Bạch Đằng, quận 1, TP. HCM. (Ảnh TGCC)

Cán bộ chiến sĩ vận hành dàn pháo phục vụ đại lễ 30/4 tại công viên bến Bạch Đằng, quận 1, TP. HCM. (Ảnh TGCC)

Ở một góc nhỏ khác của Thành phố, không kèn trống, không cờ hoa rợp trời – nhưng lại có hình ảnh khiến trái tim người lớn như tôi chợt lặng đi vì xúc động. Một cậu bé mẫu giáo, miệng ê a câu hát “Việt Nam – Hồ Chí Minh!” trong căn nhà nhỏ, là con trai tôi.

Thằng bé chưa đánh vần được đầy đủ tên đất nước, nhưng lại thuộc lòng bài hát đầu đời về quê hương. Tại trường mầm non, cháu cùng các bạn đang học hát các bài ca cách mạng, nghe cô kể chuyện về anh hùng dân tộc, tham gia múa hát văn nghệ mừng lễ. Những hoạt động tưởng như đơn giản, lại gieo vào tâm hồn con trẻ những hạt mầm đầu tiên của lòng yêu nước.

Tôi xúc động khi chứng kiến các cô giáo không chỉ chăm lo giấc ngủ, bữa ăn, mà còn vun đắp cho con tôi và những đứa trẻ khác một điều thiêng liêng - lòng biết ơn với lịch sử và niềm tự hào về dân tộc mình. Bởi lẽ, khi một đứa trẻ biết cúi đầu trước cờ Tổ quốc, biết hát một khúc ca về đất nước bằng tất cả sự hồn nhiên - thì đó cũng là lúc chiếc “cầu nối yêu nước” từ hôm qua sang ngày mai đang thành hình.

Công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân và du khách chiêm ngưỡng. (Ảnh TGCC)

Công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân và du khách chiêm ngưỡng. (Ảnh TGCC)

Dưới bầu trời tháng Tư xanh thẳm, TP. Hồ Chí Minh như một sân khấu khổng lồ của lòng tự hào, nơi những biểu tượng lịch sử hòa quyện cùng nhịp sống đương đại. Người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đều chung một nhịp đập - hướng về ngày 30/4, một dấu mốc lịch sử, như lời khẳng định cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc.

Từ những em bé mẫu giáo tập hát, các cô bán nước ven đường treo cờ, đến những luật sư, chuyên gia quốc tế đang xây dựng cuộc sống tại đây - mỗi người một câu chuyện, một cảm xúc. Nhưng tất cả đều góp phần tạo nên một bản giao hưởng rực rỡ mang tên Việt Nam - nơi quá khứ và hiện tại không tách rời, nơi hy vọng được thắp sáng từ những điều rất đỗi bình dị.

Quỳnh Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-ngay-dai-le-diem-hen-cua-nhung-cau-chuyen-moi-312179.html