Thành phố Hồ Chí Minh tập huấn các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng
Sáng 24/11, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội nghị tập huấn các quy định mới của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Trình bày tại Hội nghị, ông Bùi Văn Dưỡng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng chia sẻ về các quy định chung và hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng. Khi đầu tư xây dựng công trình phải có giải pháp kỹ thuật và biện pháp quản lý nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Khuyến khích áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM), giải pháp công nghệ số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình...
Theo ông Dưỡng, dự án được phân loại theo quy mô, mức độ quan trọng (quan trọng quốc gia, nhóm A, B, C); Theo công năng, tính chất chuyên ngành; Theo nguồn vốn sử dụng, hình thức đầu tư...
Đối với dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật thì có dự án sử dụng cho mục đích tôn giáo, dự án có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất); Dự án chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị công trình hoặc sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có giá trị chi phí phần xây dựng dưới 10% và dưới 5 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư)...
Tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ có quy định giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: khảo sát xây dựng; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xâydựng hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để phê duyệt hoặc quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án...
Căn cứ quy mô, tính chất, nguồn vốn và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng, người quyết định đầu tư áp dụng 1 trong các hình thức: Ban Quản lý dự án chuyên ngành/khu vực; Ban Quản lý dự án một dự án; Chủ đầu tư tự quản lý dự án; Tổ chức tư vấn quản lý dự án...
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi, nêu những khó khăn, vướng mắc thực tế trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng dự án và đại diện Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã giải đáp giúp cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước nắm rõ hơn về các quy định mới của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng.