Thành phố Hồ Chí Minh: Thông xe cầu Long Kiểng sau hơn 20 năm chờ đợi

Dự án Đầu tư Xây dựng cầu Long Kiểng được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư năm 2001 và chính thức khởi công xây dựng năm 2018 trên cơ sở tiếp nhận mặt bằng giai đoạn 1 từ UBND huyện Nhà Bè.

Cầu Long Kiểng sẽ thay thế cầu sắt cũ vốn đã xuống cấp và khá chật hẹp. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Cầu Long Kiểng sẽ thay thế cầu sắt cũ vốn đã xuống cấp và khá chật hẹp. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sáng 8/9, Sở Giao thông Vận tải và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) đã chính thức thông xe cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), giúp kết nối giao thông khu vực phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh được thuận lợi.

Cầu Long Kiểng có chiều dài 317m, rộng 15m; phần đường vào cầu dài 661m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 589 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 211 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 325 tỷ đồng cùng các chi phí khác.

Dự án Đầu tư Xây dựng cầu Long Kiểng được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư năm 2001 và chính thức khởi công xây dựng năm 2018 trên cơ sở tiếp nhận mặt bằng giai đoạn 1 từ Ủy ban Nhân dân huyện Nhà Bè.

Công trình dự kiến thi công trong hai năm nhằm thay thế cầu sắt cũ, vốn đã từng bị sập. Tuy nhiên, cuối năm 2019, dự án phải tạm dừng thi công vì không có thêm mặt bằng.

Đến tháng 9/2022, huyện Nhà Bè mới bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công trở lại.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, suốt giai đoạn 2011-2019, dự án gặp nhiều trắc trở do nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập về quy mô, về nguồn vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng… Dự án đã có hai lần điều chỉnh, một lần chuyển đổi chủ đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng cũng không được triển khai đúng theo kế hoạch dẫn đến phải tạm dừng thi công dự án.

"Sau khi tiếp nhận 100% mặt bằng vào tháng 9/2022, công trình đã hoàn thành sau 1 năm thi công, sớm hơn 3 tháng so với thời gian dự kiến. Công trình hoàn thành giúp người dân ở khu vực đi lại thuận lợi, tăng kết nối giao thông cho phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Long An, thông qua đường Lê Văn Lương," ông Phúc cho biết.

Chia sẻ về những mong mỏi, chờ đợi của người dân về cầu Long Kiểng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết bản thân bà đã 4 lần trực tiếp xuống giám sát dự án cầu Long Kiểng. Đây là một công trình gần 1/4 thế kỷ mà trong đó đã hết 22 năm dành cho bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, cân đối nguồn vốn đầu tư.

"Đến giờ phút này, tôi vẫn nhớ mãi lời tâm sự của cụ Lâm Thị Nga cách đây 4 năm. Cụ mong được sống đến ngày cầu Long Kiểng được hoàn thành. Chúng ta nghe tưởng chừng giản đơn, ấy vậy mà 1/4 thế kỷ công trình mới thành hiện thực. Lúc đó (lúc phê duyệt dự án) cụ mới ngoài 60 tuổi, nay đã gần 90 tuổi," bà Lệ chia sẻ.

Cùng với thông xe cầu Long Kiểng, dự kiến cầu Vàm Sát 2 trên địa bàn huyện Cần Giờ cũng sẽ được thông xe trong tháng Chín này.

Trước đó, trong tháng 8/2023, dự án cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa cũng đã triển khai thi công.

Ban Giao thông mong muốn sẽ tiếp tục được bàn giao mặt bằng và thi công, hoàn thành nhiều công trình giao thông đang phải tạm dừng như cầu Ông Nhiêu, cầu Tăng Long, cầu Bà Hom cùng các tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý, Lương Định Của, Dương Quảng Hàm, Tỉnh lộ 8./.

Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-thong-xe-cau-long-kieng-sau-hon-20-nam-cho-doi/893183.vnp