Thành phố mở rộng lớp dạy học chữ Thái
Dân tộc Thái ở Thành phố Sơn La chiếm khoảng 52% dân số. Tuy nhiên, hiện nay, ít người biết đọc và viết chữ Thái. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, thành phố Sơn La đã triển khai nhân rộng các CLB văn hóa dân tộc tại các xã, phường. Từ đó, nhiều lớp học chữ Thái được mở ra, thu hút nhân dân tham gia.
Bà Lù Thị Đoàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố, cho biết: Từ năm 2022 đến nay, các CLB đã tổ chức 7 lớp truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết cho các thành viên và nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Thái, thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc.
Phường Chiềng Lề có CLB văn hóa dân tộc với 61 thành viên. Tháng 8/2023, CLB đã tổ chức khai giảng lớp học chữ Thái, với gần 50 học viên tại nhà văn hóa bản Lầu, người trẻ tuổi nhất là 17 tuổi, người cao tuổi nhất đã 75 tuổi. Em Lò Thị Diệp ở bản Lầu, là học viên trẻ tuổi nhất, chia sẻ: Mình là người dân tộc Thái mà không biết chữ viết, tiếng nói truyền thống của dân tộc mình là một thiếu sót rất lớn. Sau hơn 1 tháng học, em đã biết đọc, biết viết chữ Thái cổ.
Lớp học chữ Thái tại Nhà văn hóa bản Hẹo với 30 học viên cũng mới mở được 2 tháng nay. Ông Lò Văn Quân, Chủ nhiệm CLB văn hóa dân tộc Thái bản Hẹo, cho biết: Học viên học vào tối các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần; sau 2 tháng học chữ Thái, học viên được học viết 19 cặp chữ Thái, tập đọc, ghép vần, hiểu nghĩa từ, câu, đọc thông, viết thạo chữ Thái. Hiện nay, đang học các bài ca dao, tục ngữ, giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của dân tộc. Bên cạnh đó, CLB còn tổ chức luyện tập văn nghệ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lớp học chữ Thái với những học sinh ham học, đam mê tìm hiểu bản sắc dân tộc khiến những người ghé thăm nơi đây cảm thấy thú vị, xúc động. Điều đáng trân quý hơn là tâm huyết của những người giáo viên truyền dạy chữ Thái qua các bài giảng.
Cô giáo Cà Thị Định ở tổ 2, phường Quyết Tâm đã cao tuổi nhưng tình nguyện “xóa mù chữ” không đòi hỏi bất cứ một đồng thù lao. Để học viên dễ dàng tiếp thu, bà đã dựa vào tài liệu dạy chữ Thái của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh để xây dựng chương trình học phù hợp, tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Đồng thời, soạn giáo án gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con; bà dành thời gian phân tích, giải nghĩa, dịch ra tiếng phổ thông để học viên hiểu hơn. Tìm tòi, hướng dẫn học viên cách cài phần mềm ngôn ngữ Thái trên máy tính và điện thoại di động để có thể học thêm tại nhà. Ngoài ra, bà còn sưu tầm, lồng ghép, giới thiệu những cuốn sách chữ Thái cổ, giới thiệu những câu ca dao, dân ca Thái vào bài giảng.
Bà Cà Thị Định nói: Những người tham gia lớp học đều là người cao tuổi, khả năng tiếp thu không nhanh nhạy như người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, cách viết, phát âm và ghép vần của chữ Thái khác nhiều so với tiếng phổ thông. Để đọc thông viết thạo chữ Thái, người học cần kiên trì, đam mê, học thuộc và ghi nhớ chữ cái. Vì vậy, tôi luôn động viên các học viên cố gắng kiên trì học hỏi, chịu khó tìm tòi. Sau một thời gian, những người già, sau khi hiểu được giá trị của chữ Thái cũng vận động con em mình đi học; người trẻ cũng say mê chữ Thái. Học viên chuyên cần đến lớp là động lực giúp tôi kiên trì với tấm bảng, viên phấn truyền dạy chữ Thái cho bà con.
Chúng tôi hy vọng, những lớp học dạy chữ Thái sẽ tiếp tục được nhân rộng, phát huy hiệu quả hơn với cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.