Thành phố mới ở phía Bắc Bình Dương có gì đặc biệt?
Theo Nghị quyết vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký, thị xã Bến Cát (Bình Dương) lên thành phố và có hiệu lực từ ngày 1/5 tới. Với vị trí địa lý nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Dương, Bến Cát được định hướng trở thành trung tâm đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông. Thành phố Bến Cát hội tụ nhiều yếu tố để trở thành 'ngôi sao' kinh tế của tỉnh.
Ngày 23/3, đại diện lãnh đạo thị xã Bến Cát (Bình Dương) cho biết, địa phương đã nhận được Nghị quyết số 1012 do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ngày 22/3 về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024.
Nghị quyết nêu rõ việc thành lập phường An Điền trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 31,22 km2 và quy mô dân số là 25.363 người của xã An Điền. Thành lập phường An Tây trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 44,01 km2 và quy mô dân số là 41.917 người của xã An Tây.
Thành lập thành phố Bến Cát trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 234,35 km2 và quy mô dân số là 364.578 người của thị xã Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương. Sau khi thành lập, thành phố Bến Cát có 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An.
Theo kế hoạch dự kiến, thành phố Bến Cát sẽ tổ chức lễ công bố Nghị quyết vào ngày 25/4 tới tại Quảng trường 30/4.
Bến Cát có đến 8 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp về xây dựng nhà máy sản xuất, đầu tư kinh doanh, tạo ra việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Theo quy hoạch, đô thị Bến Cát được phát triển theo mô hình đô thị công nghiệp kết hợp với dịch vụ và đầu mối giao thông. Định hướng đến năm 2040, đô thị Bến Cát phát triển mô hình theo dạng tuyến gồm 2 hướng chính: Phát triển hành lang thương mại - dịch vụ dọc Quốc lộ 13 theo hướng Bắc - Nam và phát triển các khu đô thị - thương mại dịch vụ dọc theo đường Vành đai 4 TPHCM là tuyến vận tải theo hướng Đông - Tây.
Đô thị Bến Cát được chia thành 6 khu vực để phát triển, gồm: Khu trung tâm hành chính - dịch vụ - công nghiệp (phường Mỹ Phước); Khu đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp (phường Tân Định); Khu đô thị công nghiệp và thương mại dịch vụ (phường Hòa Lợi); Khu đô thị công nghiệp - dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật (phường Chánh Phú Hòa); Khu đô thị công nghiệp - dịch vụ ở phía Tây (phường An Điền) và Khu đô thị cảng kết hợp dịch vụ, nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch ở phía Tây Nam (phường An Tây).
Bên cạnh đó, Bến Cát định hướng 8 công viên trung tâm cấp đô thị có tổng quy mô 306 ha tại các phường Tân Định, Thới Hòa, Mỹ Phước và công viên dọc bờ sông, công viên liên đô thị với huyện Bàu Bàng và Dầu Tiếng.
Về đầu mối giao thông, đối với đường bộ sẽ bố trí cảng cạn IDC An Điền quy mô 30 ha ở khu vực phía đông KCN Việt Hương 2; nâng cấp bến xe hiện hữu ở phường Mỹ Phước lên bến loại 2 và phát triển một bến xe mới quy mô 3 ha tại xã An Tây.
Đối với đường sông, phát triển cảng An Tây quy mô 100 ha, cảng An Điền quy mô 8 ha và cảng ICD Rạch Bắp quy mô 10 ha tại xã An Tây (khu vực ven sông Sài Gòn). Phát triển khu công trình cung cấp năng lượng đô thị khoảng 30 - 35 ha ở xã An Tây. Đối với đường sắt, ngoài ga Chánh Lưu quy mô 6,6 ha, địa phương sẽ phát triển khu vực sử dụng hỗn hợp xung quanh nhà ga, trong đó ưu tiên cho dịch vụ logistics.
Riêng đối với Dự án Cảng sông An Tây nằm giáp sông Sài Gòn có diện tích 100ha, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng đang trong quá trình khởi động.
Cảng An Tây được quy hoạch nằm giáp sông Sài Gòn, phía Nam xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, được xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động vận tải hàng hóa, hình thành chuỗi dịch vụ logistics (dịch vụ hậu cần) với mô hình vận tải đa phương thức.
Dự án cảng này nhằm phục vụ vận tải cho hệ thống logistics bằng đường sông từ trong nội địa tỉnh Bình Dương đến cảng biển nước sâu Cái Mép - Bà Rịa Vũng Tàu và cảng Cát Lái ở TPHCM. Vị trí Cảng An Tây nằm bên sông Sài Gòn và giáp với dự án đường Vành đai 4 TPHCM mà tỉnh Bình Dương đang triển khai thực hiện.
Với vị trí địa lý nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Dương, thành phố Bến Cát hội tụ nhiều yếu tố để trở thành “ngôi sao” kinh tế của tỉnh.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bến Cát đạt 12,1%, vượt chỉ tiêu được giao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp chiếm 70,1%, thương mại dịch vụ chiếm 29,7%, nông nghiệp chiếm 0,2%. Tổng giá trị sản xuất thực tế đạt hơn 285.000 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 199.000 tỷ đồng. Trong năm, thu hút được 671 dự án đầu tư; nâng tổng số dự án trên địa bàn thị xã lên 6.441 dự án; phát triển mới 498 doanh nghiệp vừa và nhỏ.