Thành phố Mỹ khốn đốn vì loài vật dễ thương sinh sôi không kiểm soát
Thành phố Minot ở bang North Dakota đang vật lộn kiểm soát sóc đất đào bới khắp nơi, gây hư hại và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.

Ba con sóc đất xuất hiện gần khu chung cư ở Minot, Bắc Dakota (Ảnh AP/Jack Dura)
Cuộc chiến khó cân sức với loài sóc đất
Loài sóc đất Richardson nặng chưa đến 0,45 kg, dài khoảng 30 cm và là loài bản địa của vùng đồng bằng phía bắc.
Sinh vật nhỏ này lại là kẻ đào hang dữ dội, khiến người dân thành phố Minot, bang North Dakota, bực bội khi chúng đào bới khắp nơi, từ các khu đất trống cho tới trung tâm thành phố, và ngày càng sinh sôi trong hai thập kỷ qua.
Giờ đây, thành phố lớn thứ 4 của bang North Dakota đang chống trả, nhưng ngay cả người chuyên diệt chuột đang dẫn đầu chiến dịch cũng thừa nhận rất khó xoay chuyển tình thế trước loài gặm nhấm này.
Ông Joshua Herman nói rằng việc chống sóc đất chẳng khác nào “một người đối đầu với một cơn bão lớn”.
“Nếu tôi đặt bẫy mà hàng xóm tôi không đặt, thì về lâu dài chúng ta thật sự sẽ không đi tới đâu,” ông Herman nói.
Số lượng khổng lồ và mối đe dọa thường trực
Loài sóc đất đã trở thành vấn đề của thành phố Minot, nơi có gần 50.000 dân, trong ít nhất 20 năm, nhưng tình hình đã tồi tệ hơn rõ rệt trong vài năm gần đây, ông Kevin Braaten, Giám đốc Sở Đường phố Minot, cho biết.
Chưa rõ có bao nhiêu con sóc đất sống tại Minot nhưng con số đó có thể gần bằng hoặc thậm chí vượt quá dân số thành phố.
“Trời ạ, chắc phải có hàng chục nghìn con trong khu vực này,” ông Herman nói.
Các quan chức thành phố, nơi có dòng sông Souris uốn khúc bao quanh bởi đất nông nghiệp và đồng cỏ, biết rằng họ không thể loại bỏ hết loài sóc này, nhưng hy vọng giảm bớt số lượng của chúng.
“Tôi không thấy số lượng của chúng bao giờ về mức 0” - ông Braaten nói - “Ý tôi là, gần như không thể với số lượng hiện có.”
Bởi lẽ, loài sóc đã tồn tại trên đồng cỏ này qua hàng thế kỷ. Ở ngoài thị trấn, những kẻ săn mồi như chó sói đồng cỏ, lửng, cú và cả rắn đều ưa săn sóc, nhưng tại các khu dân cư và ngay cả trung tâm thành phố, nơi hầu như không có kẻ săn mồi, chúng có thể tự do hoành hành.
Ông Greg Gullickson, nhà sinh học thuộc Sở Cá và Săn bắn bang North Dakota, bổ sung rằng loài sóc giờ có ít khu đồng cỏ hơn và chúng thích những bãi cỏ được cắt tỉa trong thành phố.

Ông Joshua Herman, chủ sở hữu/người điều hành Dịch vụ Kiểm soát Sâu bọ Herman, bên cạnh những cái hố do sóc đất Richardson đào ở Minot, Bắc Dakota (Ảnh AP/Jack Dura)
Thiệt hại lan rộng và nỗ lực ngăn chặn
Sóc đất cái thường sinh khoảng 6 con mỗi năm, vì vậy số lượng của chúng tăng nhanh chóng.
Ông Herman cho biết ông tiêu diệt từ 3.500 đến 5.000 con mỗi năm, chủ yếu bằng cách đặt bẫy, bơm khí carbon monoxide vào hang và dùng súng hơi.
Theo ông Herman nói rằng chúng phá hỏng lối đi, vỉa hè và bãi cỏ; tạo ra những cái hố gây nguy hiểm vấp ngã và có thể mang mầm bệnh từ bọ chét.
Dọc theo một tòa nhà chung cư, sóc đã đào dưới tấm bê tông và sát nền móng. Gần đó, tại một khu đất trống, chúng liên tục chui ra chui vào các hang.
Sóc đất gần căn hộ tầng trệt của bà Pashone Grandson đào hang gần cửa nhà bà và ăn cây cảnh. Một con sóc thậm chí còn lọt qua hàng rào chắn trẻ em ở cửa và chui vào quần áo con gái bà trong phòng ngủ.
“Thật sự hơi đáng sợ. Mình không biết chúng mang bệnh gì. Chúng bẩn. Tôi có một cô con gái nhỏ… tôi không biết liệu nó có cắn con bé không,” bà Grandson nói.

Ông Joshua Herman bơm khí carbon monoxide vào hang do sóc đất Richardson đào dọc theo một tòa nhà chung cư tại Minot, Bắc Dakota (Ảnh AP/Jack Dura)
Căn cứ không quân đối phó với sóc chuột.
Phía bắc thị trấn, Căn cứ Không quân Minot, nơi có các máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đã chống chọi với loài sóc đất suốt nhiều năm. Đầu tháng này, căn cứ cho biết họ đã bẫy được hơn 800 con.
Ông Jared Edwards, Giám đốc cơ sở vật chất của Trường Công lập Minot, đơn vị có 3 trường trên căn cứ, cho biết khu dân cư và đường băng ở đây đều bị sóc đất tràn ngập. Ông gọi đó là “cuộc chiến liên tục suốt 75 năm qua kể từ khi căn cứ được xây dựng”.
“Tôi không hề phóng đại: Chúng có đến hàng triệu con ở ngoài đó,” ông Edwards nói.
Một loài dễ thương nhưng gây hại
Tuy vậy, không phải ai cũng coi sóc đất là loài gây hại. Một số người thấy chúng dễ thương và đáng yêu.
Ông Herman cho biết có người đã phá hoại, lấy cắp hoặc vứt bỏ bẫy của ông. Thỉnh thoảng, họ còn đối mặt với ông khi ông bắn sóc đất bằng súng hơi, trách móc ông vì làm hại động vật hoang dã.
“Chúng được coi là dễ thương, và chúng đúng là dễ thương thật, nhưng chúng là loài gây hại và nguy hiểm khi được phép sinh sôi tràn lan,” ông Herman nói.
Theo AP