Tại sao rong biển là giải pháp vạn năng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Khám phá những siêu năng lực của rong biển giúp giảm khí thải, bảo vệ bờ biển và thay thế nhựa, góp phần đối phó biến đổi khí hậu hiệu quả.

Cánh đồng rong biển ở thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cũ, nay thuộc Khánh Hòa). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Cánh đồng rong biển ở thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cũ, nay thuộc Khánh Hòa). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Khi nói đến việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, rong biển được cho là sở hữu siêu năng lực. Nó có thể lưu trữ khí nhà kính, giảm lượng khí thải carbon của hệ thống lương thực toàn cầu, giúp các cộng đồng ven biển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, và thậm chí có thể trở thành một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho nhựa.

Siêu năng lực trong lưu trữ khí thải carbon

Được tạo ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, lượng khí thải carbon dư thừa trong khí quyển Trái Đất là một trong những tác nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu. Bằng cách hấp thụ carbon từ môi trường đại dương, rong biển có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Trong quá trình phát triển, các mảnh rong biển rơi ra và trôi xuống đáy biển, lưu trữ carbon. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thảm rong biển trên toàn thế giới lưu trữ lượng carbon tương đương với rừng ngập mặn, cỏ biển và đầm lầy mặn cộng lại.

Đóng vai trò là nguồn thực phẩm ít carbon

Nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Ví dụ, việc sản xuất đậu nành và thịt bò đang thúc đẩy nạn phá rừng ở Amazon do ngày càng nhiều đất bị khai hoang để nhường chỗ cho các cánh đồng trồng trọt.

Trong khi đó, nuôi trồng rong biển có lượng khí thải carbon rất thấp. Nó không cần đất hay nước ngọt, cũng không cần thuốc trừ sâu hay phân bón, giúp tránh được những tác động có hại đến hệ sinh thái. Việc chuyển đổi chế độ ăn uống của con người sang rong biển giúp tránh việc sử dụng nhiều thực phẩm và cây trồng tiêu tốn nhiều tài nguyên và khí thải, gây áp lực lên hệ sinh thái.

Ngoài ra, việc sản xuất các loại thức ăn bổ sung từ rong biển cho gia súc được cho là có tác dụng làm giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu từ hoạt động chăn nuôi gia súc.Theo bà Fran Cowley, Giáo sư ngành chăn nuôi gia súc, nhà nghiên cứu tại Đại học New England của Australia, hơn 40 nghiên cứu đã chỉ ra rằng rong biển có thể làm giảm đáng kể lượng khí methane phát thải từ gia súc khi được bổ sung vào thức ăn.

Giải pháp "hai trong một"

Nghề nuôi rong biển có thể bổ sung thu nhập cho ngư dân trong bối cảnh ngư nghiệp chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Rong biển được trồng vào mùa đông, trong khi mùa đánh bắt chính là mùa hè, điều này có nghĩa là nó hoàn toàn phù hợp với lịch trình của ngư dân.

Trong bối cảnh nhiệt độ trái đất ấm lên, nghề cá vốn là nguồn việc làm quan trọng của hàng ngàn người, lại đang bị đe dọa, thì nuôi trồng rong biển trở nên phù hợp.

Lấy ví dụ, tại Vịnh Maine, nơi đang ấm lên nhanh chóng so với toàn bộ đại dương, gây áp lực với việc đánh bắt cá, lại có thể mang đến những cơ hội to lớn cho việc nuôi trồng rong biển.

Một ví dụ khác là ở Khánh Hòa của Việt Nam, khai thác rong mơ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, từ 500.000-600.000 đồng/người. Rong mơ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò bảo vệ hệ sinh thái biển. Theo đó, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động người dân trong việc khai thác rong mơ vừa để đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân ven biển; vừa bảo vệ hệ sinh thái biển, giảm thiểu tác hại đến môi trường sống của các loài sinh vật biển, duy trì nguồn lợi rong mơ lâu dài.

 Bằng cách hấp thụ khí thải carbon từ môi trường đại dương, rong biển có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)

Bằng cách hấp thụ khí thải carbon từ môi trường đại dương, rong biển có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)

Đệm chống lại những cơn bão mạnh

Khi biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ bão và đẩy mực nước biển lên cao, bờ biển đang bị xói mòn. Rong biển giúp bảo vệ bờ biển khỏi bị xói mòn.

Ví dụ, khi những cơn bão liên tiếp đổ bộ vào bờ biển Maine vào tháng 1 năm 2024, thiệt hại lên đến 70 triệu USD đã được ghi nhận đối với cơ sở hạ tầng công cộng dọc bờ biển. Tuy nhiên, hầu hết các trang trại rong biển vẫn còn nguyên vẹn và chỉ bị thiệt hại ở mức tối thiểu. Rong biển đã đóng vai trò như một lớp đệm tự nhiên trước các cơn bão.

Cung cấp giải pháp thay thế cho nhựa

Được làm từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt, nhựa tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ, và cũng tác động rất lớn đến đại dương. Mỗi phút, lượng nhựa đổ ra biển có thể lấp đầy cả một xe ben. Điều này gây nguy hiểm cho các loài động vật như rùa biển và cá voi.

Tuy nhiên, rong biển có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thay thế cho nhựa, chẳng hạn như dây câu, lưới và thậm chí cả túi không chứa nhựa. Bằng cách sử dụng rong biển được trồng tại địa phương, những sản phẩm thay thế này có lượng khí thải carbon thấp.

Giải quyết vấn đề axit hóa đại dương

Một tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu là axit hóa đại dương, xảy ra khi khí thải carbon được hấp thụ vào nước biển. Điều này làm thay đổi tính chất hóa học của nước, tăng độ axit, dẫn đến sự phân hủy vỏ của các loài động vật biển như tôm hùm, cua và tôm. Các trang trại rong biển có thể giúp giảm axit hóa cục bộ.

Rong biển có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của axit hóa đại dương. Chúng có khả năng hấp thụ một lượng lớn khí thải carbon từ nước biển, giúp giảm nồng độ khí thải carbon hòa tan và làm chậm quá trình axit hóa.

 San hô tại rạn san hô Great Barrier ở Queensland, Australia. (Ảnh: THX/TTXVN)

San hô tại rạn san hô Great Barrier ở Queensland, Australia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoài ra, rong biển còn có thể giúp bảo vệ các sinh vật biển khác khỏi tác động của axit hóa, đặc biệt là các loài động vật có vỏ và rạn san hô.

Axit hóa đại dương có thể không gây chú ý nhiều như biến đổi khí hậu, nhưng nó đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và ngày càng gia tăng đối với sinh vật biển, cũng như các hệ sinh thái và nền kinh tế phụ thuộc vào nó.

Các nhà khoa học hiện nay nhận định đây là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất của thời đại - một vấn đề đe dọa sức khỏe của đại dương toàn cầu.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tai-sao-rong-bien-la-giai-phap-van-nang-trong-cuoc-chien-chong-bien-doi-khi-hau-post1049954.vnp