Thanh Sơn sẵn sàng bứt phá trong giai đoạn mới
Thanh Sơn là vùng đất giàu tiềm năng, vùng lõi của văn hóa Mường Phú Thọ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 song toàn huyện đang từng bước vượt lên gian khó, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực…
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch luôn được huyện quan tâm chú trọng. Ảnh: ĐINH VŨ
Vượt qua những khó khăn của huyện miền núi có 61,5% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, huyện Thanh Sơn đã có đóng góp không nhỏ vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực với các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thu hút một số nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu, đầu tư. Đặc biệt, nhờ chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hai khâu đột phá về “đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng” đã tạo nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng đổi mới; các dịch vụ y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo… Đến hết năm 2021, toàn huyện có 4/23 xã và 103 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 8,89%; tỉ lệ hộ cận nghèo giảm còn 9,28%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 33,3 triệu đồng. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn luôn được quan tâm.
Minh chứng rõ nét cho quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn là việc tập trung hiệu quả nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Tỉ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn toàn huyện đạt 74,86%; huyện cũng thành công trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong nhiều năm trước, cùng xác định rõ tiềm năng, lợi thế, huyện rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung; thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp về đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, bao gồm: Lúa đặc sản chất lượng cao, chè, bưởi, cây gỗ lớn, chuối phấn vàng, chăn nuôi, phấn đấu đưa Thanh Sơn trở thành trung tâm chế biến nông, lâm sản của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Cùng với đó, huyện Thanh Sơn chủ động trong việc đón bắt, tận dụng các cơ hội mới từ sự phát triển của tỉnh và từ các địa phương lân cận. Thực hiện khâu đột phá “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút nguồn lực cho phát triển, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành, lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Sơn quan tâm cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng… Từ chỗ chưa có cụm công nghiệp tập trung nào, đến nay, huyện đã có cụm công nghiệp Thục Luyện và đang hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Thắng Sơn, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt thành lập.
Đặc biệt, xác định năm 2022 là năm tiếp tục tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) để thu hút mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, huyện tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc trong GPMB các dự án đầu tư công chậm tiến độ, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với các dự án: Đường Thanh Thủy - Thanh Sơn giai đoạn 2021-2025; cải tạo, sửa chữa tuyến đường Văn Miếu - Thượng Cửu; quyết liệt triển khai công tác GPMB để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư đối với các dự án nhà ở, thương mại, du lịch; phối hợp các sở, ngành triển khai lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư quan tâm (Dự án khu dân cư nông thôn mới, biệt thự nghỉ dưỡng, nông nghiệp kết hợp giáo dục trải nghiệm và sân golf Thanh Sơn; khu nhà ở kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái hồ Phượng Mao và du lịch trải nghiệm thác Đá Mài; khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng và sân golf hồ Phượng Mao…).
Bên cạnh đó, những tiềm năng phát triển du lịch của Thanh Sơn cũng từng bước được khai phá. Đó là các con suối, thác nước, hồ đầm tự nhiên xen kẽ trong những cánh rừng, khu đồi thích hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các xã: Thắng Sơn, Cự Đồng (hồ Đá Mài); Lương Nha, Tinh Nhuệ (đầm Gai); Thạch Khoán (đầm Bạch Thủy)…; là các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Dao như ở Khả Cửu, Tất Thắng, Thạch Khoán, Hương Cần, Yên Sơn, Yên Lương… Đây cũng là tiềm năng, thế mạnh để Thanh Sơn phát triển du lịch trong tương lai gần.
Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện; từ nền tảng những thành quả đã đạt được thời gian qua, tinh thần quyết tâm đổi mới, phát huy nội lực để đi lên của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn tiếp tục được thể hiện rõ trong những mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn mới. Nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống, UBND huyện đã bám sát và kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch quan trọng trên các lĩnh vực để cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm định hướng cho hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội huyện Thanh Sơn, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành các Nghị quyết về: Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021-2025; phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025; tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, để thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ; giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết việc làm, an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Nguyễn Duy Anh
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn