Thanh Thủy: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

PTĐT- Những năm qua, huyện Thanh Thủy luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn.

Lớp quản lý dịch hại tổng hợp học bài thực hành.

Lớp quản lý dịch hại tổng hợp học bài thực hành.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tổ chức điều tra, thống kê nhu cầu học nghề của lao động trong độ tuổi, từ đó phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong và ngoài huyện triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với thực tế và nhu cầu của người lao động. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề để người lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc tiếp cận với chính sách về đào tạo nghề, thường xuyên phối hợp với các trường; trung tâm và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt việc tư vấn học nghề qua nhiều hình thức.

Lớp kỹ thuật chế biến món ăn thực hành.

Lớp kỹ thuật chế biến món ăn thực hành.

Chính quyền các xã, thị trấn đã ưu tiên các lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số. Qua chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, kết thúc các lớp học, 100% học viên nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, từ đó áp dụng vào thực tiến các mô hình sản xuất của gia đình. Nhiều học viên mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh giúp tăng nguồn thu nhập chính đáng cho gia đình. Không chỉ vận dụng kiến thức có được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình, các học viên còn là những tuyên truyền viên tích cực phổ biến kiến thức đã học, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất đến các gia đình hội viên, nông dân khác; giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.Trong 5 năm qua, huyện phối hợp với các trường; trung tâm và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức 25 lớp dạy nghề miễn phí cho 875 lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức được 13 lớp đào tạo nghề về: Kỹ thuật chăn nuôi; chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng; may mặc; hàn xì; sửa chữa điện lạnh; kỹ thuật lễ tân; chế biến món ăn cho 450 lao động đến từ các xã còn nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế cũng như tư duy sản xuất.

Một góc của lớp may công nghiệp.

Một góc của lớp may công nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Quang – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Thông qua lớp đào tạo đã trang bị cho người lao động kiến thức về khoa học, kỹ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo. Nhìn chung, các lớp đào tạo nghề đã được chú trọng nâng cao về chất lượng, nội dung đào tạo, với phương châm cầm tay, chỉ việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tiếp cận với kỹ thuật cơ bản, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình.Với những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề, trong năm 2019, huyện Thanh Thủy tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư, giải quyết việc làm; đồng thời tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201910/thanh-thuy-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-167502