Thanh toán số - lợi cả đôi đường
Hiện nay, với chiếc smartphone có tích hợp các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt như internet banking, ví điện tử... bạn có thể đi đến bất cứ đâu mà không cần mang theo tiền mặt, thậm chí không dùng thẻ visa hay ATM.
Gia đình chị N ở Hòa Thành vừa mới có chuyến du lịch Quảng Bình về. Chi phí cả chuyến đi hơn năm chục triệu nhưng hầu như chị không chạm vào tiền mặt. Từ mua vé máy bay, xe đi lại, vé tham quan, uống cà phê, ăn nhà hàng, mua quà lưu niệm... tất tần tật đều quét mã QR, chuyển khoản. Trên đường 30.4 có khá nhiều quán ăn, cà phê luôn tấp nập khách, nhiều quán đã liên kết ngân hàng trang bị mã QR thanh toán không dùng tiền mặt, sau khi dùng xong, nhân viên ra phiếu tính tiền, thực khách chỉ cần quét mã QR chuyển khoản. Mọi trình tự diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng, không dây dưa giấy tờ, không mất phí và đỡ mất thời gian cho cả người mua và người bán.
Thực ra, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã được triển khai từ lâu, nhưng chỉ đến khi đại dịch Covid– 19 xảy ra làm gián đoạn toàn bộ các giao dịch trực tiếp, tương tác online mới có cơ hội bùng nổ thì thanh toán không dùng tiền mặt càng được khuyến khích góp phần hạn chế sự lây lan của virus. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại gần như trước, nhưng thanh toán không tiền mặt không vì thế mà giảm sút, thậm chí còn phổ biến hơn. Cho thấy, việc thanh toán qua app, mã QR... những hình thức không dùng đến tiền mặt cùng với “dòng chảy” chuyển đổi số, đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của xã hội.
Để tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành khá nhiều văn bản, như Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, theo đó, Đề án hướng đến việc tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế…; tiếp đến là Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 23.2.2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 11.4.2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự. Và gần đây nhất, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong Quyết định 942/QĐ-TTg, ngày 15.6.2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với quyết tâm thực hiện chiến lược Chuyển đổi số, Tây Ninh cũng đã ban hành nhiều văn bản triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế, các chợ truyền thống.... Điều này thể hiện quyết xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thật sự hiệu quả của chính quyền tỉnh nhà. Tuy nhiên, mặc dù đã và đang thúc đẩy thanh toán số nhưng phải thừa nhận, tỷ lệ người dân ứng dụng thanh toán không tiền mặt chưa cao. Nguyên nhân là chúng ta chưa có thói quen. Do vậy, điều quan trọng trước mắt là tạo thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt. Nói thì dễ nhưng người dân đã quen với tiền mặt, “có tiền trong tay mới chắc”, nên cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Một thách thức khác rất liên quan là nhiều người dân chưa có kỹ năng công nghệ thông tin (rất muốn thanh toán không tiền mặt nhưng chưa hiểu cách thức thanh toán, nhiều cơ sở kinh doanh không có dịch vụ này...), nên các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như viễn thông, ngân hàng... cần chủ động phối hợp với truyền thông để cung cáp dịch vụ cho người dân một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến tháng 4.2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021 (Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước 20.5.2022).
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thanh-toan-so-loi-ca-doi-duong-a149276.html