Thanh tra chỉ ra loạt tồn tại của PGBank về cấp tín dụng và xử lý nợ xấu
Trong hoạt động cấp tín dụng, PGBank chưa thực hiện đầy đủ quy định về điều kiện vay vốn, thẩm định và xét duyệt cho vay. Việc thu hồi và xử lý nợ xấu, PGBank cũng chưa thực hiện việc kiểm tra, đánh giá lại tình hình tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng kịp thời để có hướng xử lý, thu hồi nợ...
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công khai kết luận thanh tra tại Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển - PGBank (mã: PGB).
Cụ thể, kết luận thanh tra nêu về cơ bản, PGBank đã ban hành các chính sách, quy trình nội bộ về cấp tín dụng, cam kết ngoại bảng; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; kiểm tra, giám sát vốn vay; bảo đảm tiền vay; xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xử lý rủi ro...
Tuy nhiên, cơ quan thanh tra phát hiện PGBank vẫn còn một số hạn chế và khuyến điểm.
Chẳng hạn về hoạt động tín dụng, qua thanh tra chọn mẫu khách hàng, còn một số trường hợp thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, của NHNN và quy định nội bộ của PGBank về điều kiện vay vốn; thẩm định và xét duyệt cho vay; về kiểm tra, giám sát vốn vay; về tài sản đảm bảo; về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; về cấp bảo lãnh, ủy thác phát hành thư tín dụng...

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vừa công khai kết luận thanh tra tại PGBank.
Ngoài ra còn một số nội dung cần lưu ý, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của PGBank như: cấp tín dụng đối với các khách hàng có tài sản bảo đảm (TSBĐ) là tín chấp, quyền đòi nợ, khoản phải thu.. một số khách hàng cảnh báo rủi ro về tình hình tài chính, tiến độ dự án, nguồn thu trả nợ.
“Ngân hàng chưa kịp thời phát hiện những vi phạm, tồn tại trong công tác cấp tín dụng để xác định nguyên nhân, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền. Chưa đánh giá nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan”, kết luận thanh tra nêu.
Số lượng nhân sự kiểm toán nội bộ chưa đủ để đáp ứng khối lượng và yêu cầu công việc. Hoạt động kiểm toán, kiểm tra, giám sát đối với các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin còn hạn chế. Các phương pháp và công cụ nhận diện, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro còn giản đơn, đang trong quá trình nghiên cứu phát triển...
Về công tác xử lý nợ xấu và thu hồi nợ ngoại bảng sau khi xử lý rủi ro: Trong năm 2023, PGBank chưa đạt 100% kế hoạch thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro.
Hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu tại PGBank đối với một số khách hàng còn một số tồn tại như: cơ cấu thời hạn khoản vay chưa đầy đủ quy định pháp luật; chưa thực hiện việc kiểm tra, đánh giá lại tình hình tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng kịp thời để có hướng xử lý, thu hồi nợ...
Thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm đối với các tồn tại, vi phạm gồm: Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành PGBank (qua từng thời kỳ) chịu trách nhiệm chung về quản trị, điều hành, kiểm tra, kiểm soát còn để xảy ra các vi phạm, tồn tại nêu tại Kết luận thanh tra…
Chánh Thanh tra NHNN đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng đối với PGBank về 3 hành vi, gồm: Không ban hành một hoặc một số quy định nội bộ theo quy định của pháp luật; Lập hợp đồng ủy thác không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật; Không thành lập Hội đồng mua, bán nợ theo quy định của pháp luật. Tổng số tiền phải nộp phạt là 370.000.000 đồng.
Được biết, PGBank đã thực hiện nộp phạt và khắc phục các hành vi vi phạm theo quy định.
Quá trình thanh tra tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua bán chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của cổ đông tại PGBank, Thanh tra NHNN đã tổng hợp được một số nội dung liên quan đến việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ của PGBank và chuyển thông tin sang Cơ quan chức năng để xem xét theo quy định.
Trước đó, ngày 7/5, Thanh tra NHNN chi nhánh Khu vực I đã công bố kết luận thanh tra PGBank – Chi nhánh Đông Đô, trong đó còn tồn tại, thiếu sót về hoạt động cấp tín dụng.
Về chính sách, quy định nội bộ hoạt động cấp tín dụng: Một số văn bản, quy định có nội dung chưa chặt chẽ, do đó, khi áp dụng quy định vào thực tế triển khai cho vay đối với khách hàng, Chi nhánh còn một số tồn tại trong công tác thẩm định, đánh giá về nguồn trả nợ của khách hàng; chưa thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu làm cơ sở xác định số tiền cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với nhu cầu, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng.
Về chấp hành quy định trong hoạt động cấp tín dụng: Thực hiện thẩm định, quyết định cho vay chưa đầy đủ, chặt chẽ; kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, quy trình của PGBank ban hành từng thời kỳ, phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền; ngoài ra còn có một số tồn tại liên quan đến tài sản bảo đảm…
Về hoạt động xử lý nợ xấu, thu hồi nợ ngoại bảng sau khi xử lý rủi ro: Còn trường hợp Khối xử lý nợ chưa kịp thời trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý khoản cấp tín dụng, có vấn đề kể từ ngày nhận được Báo cáo khoản vay và đề xuất phương án xử lý khoản cấp tín dụng có vấn đề của PGBank Đông Đô theo quy định của PGBank.
Theo báo cáo tài chính I/2025 cho thấy, lợi nhuận của PGBank trong quý I/2025 giảm 17,3% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh lên 248,8%, từ 42 tỷ đồng lên 147 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của PGBank ghi nhận 73.552 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu năm.
Về chất lượng tài sản, tính tới cuối quý I/2025, nợ xấu tại nhà băng này tăng ở cả 3 nhóm (nợ dưới tiêu chuẩn, nghi ngờ và có khả năng mất vốn), kéo tổng dư nợ xấu tính đến cuối tháng 3 lên 1.229 tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng từ 2,57% lên 2,71%.