Thanh tra có trọng tâm, tăng cường chống hàng lậu tại những địa bàn trọng điểm

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường quản lý, đấu tranh với những mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm...

Lực lượng liên ngành Hà Nội phối hợp kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lực lượng liên ngành Hà Nội phối hợp kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, trong những tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn tiềm ẩn phức tạp. Đặc biệt tại một số tuyến cửa khẩu, lực lượng Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục phát hiện các nhiều vụ vận chuyển hàng cấm từ nước ngoài về Việt Nam.

Vì vậy, việc tăng cường các giải pháp cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng được Ban Chỉ đạo yêu cầu các lực lượng tăng cường triển khai, nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ thị trường nội địa.

Tiềm ẩn nhiều phức tạp

Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, số vụ buôn bán hàng lậu và gian lận thương mại trong những tháng đầu năm vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; sản xuất và kinh doanh hàng giả, vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, vi phạm về an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận như tẩy xóa hạn sử dụng, kéo dài thời hạn sử dụng vẫn tiếp tục diễn ra.

Điển hình, vào ngày 7/8, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, tại số 4 Đặng Dung, Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đã phát hiện, cơ sở đang kinh doanh 400 chiếc Bánh nướng, 50gr/chiếc, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng.

Trước đó, ngày 9/7, Đội Quản lý thị trường số 22 phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra 5 gian hàng kinh doanh tại khu vực đường Nguyễn Đình Tứ, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, phát hiện hơn 50.000 sản phẩm (hơn 20 tấn) hàng hóa là mỹ phẩm, dầu gội, kem đánh răng trẻ em các nhãn hiệu ACLEAF Repair toner, OHBT, MAMACOS, O-ZONE... do nước ngoài sản xuất, có dấu hiệu hết hạn sử dụng, trong đó có một lượng lớn kem đánh răng trẻ em nhãn hiệu O-ZONE và nhiều mỹ phẩm đang được tẩy hạn sử dụng và in, dập hạn sử dụng mới.

Đây chỉ là một trong số 2.211 vụ vi phạm các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý trong các tháng vừa qua. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố 14 vụ, đối với 27 bị can. Tổng số tiền thu nộp ngân sách 276,973 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi 175,141 tỷ đồng.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thanh tra, kiểm tra 443 vụ; xử lý hành chính 423 vụ. Phạt hành chính trên 5,88 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm là 2,566 tỷ đồng. Tiền bán hàng 459 triệu đồng. Trong khi đó, Công an thành phố kiểm tra, xử lý 180 vụ (trong đó có 4 vụ tồn), phạt hành chính 3,057 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế 11 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm là 10,052 tỷ đồng. Khởi tố 13 vụ và 26 bị can...

 Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm quanh trường học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm quanh trường học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện Cục Hải quan Hà Nội cho biết trong thời gian qua, hoạt động giao thương giữa các quốc gia theo đường hàng không, đặc biệt là hoạt động xuất nhập cảnh của hành khách cơ bản được khôi phục và tăng nhanh so với thời kỳ dịch COVID-19.

Tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, trong nửa đầu năm 2024, cơ quan Hải quan đã làm thủ tục cho 29.716 chuyến bay quốc tế (bằng 137,86% cùng kỳ năm 2023) với 5.386.223 lượt hành khách (bằng 131,83% cùng kỳ năm 2023) và khoảng 298.510 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cùng với sự phục hồi và tăng trưởng của các chuyến bay hành khách, hàng hóa, các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới qua đường hàng không với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Theo đó, những hành vi, thủ đoạn tinh vi mới nổi lên của đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường hàng không, chuyển phát nhanh nhằm qua mặt cơ quan hải quan: Hàng hóa buôn lậu qua đường hàng không chủ yếu là hàng gọn nhẹ, trị giá cao với các mặt hàng vi phạm đa dạng, nhiều chủng loại bao gồm hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng, hàng sản phẩm, động vật hoang dã thuộc Danh mục Cites và hàng giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Về phương thức thủ đoạn, theo đại diện Cục Hải quan Hà Nội, lợi dụng việc phân luồng kiểm tra khai báo thành các mặt hàng khác để được phân luồng xanh, vàng tránh bị phân luồng đỏ. Lợi dụng chính sách nhập khẩu quà tặng, quà biếu, xé nhỏ hàng hóa gửi cho nhiều tên người nhận khác nhau sau đó thu gom lại. Khai báo sai về tên hàng, mã HS, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá; sửa chữa, giả mạo chứng từ...

Thậm chí, một vận đơn mở nhiều tờ khai, tờ khai phân luồng đỏ thì thực hiện hủy tờ khai; thay đổi thông tin người nhận hàng; từ chối nhận hàng hoặc bỏ hàng nếu lô hàng bị phát hiện là hàng cấm; thành lập những doanh nghiệp “ma” để làm thủ tục Hải quan.

“Nhiều đối tượng còn xé nhỏ hàng hóa loại hình chuyển phát nhanh gửi cho nhiều người nhận để mỗi cá nhân nhận hàng lượng hàng hóa sẽ có trị giá thấp, khai báo thấp trị giá hàng hóa để không phải khai báo hải quan khi làm thủ tục nhận hàng. Người nhận hàng đứng tên trên vận đơn không thể hiện cụ thể, khó xác minh, nhiều trường hợp người nhận hàng đứng tên trên vận đơn không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng có ngành nghề kinh doanh không liên quan đến hàng hóa nhập khẩu,” đại diện Cục Hải quan Hà Nội chia sẻ.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, về phía Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan và phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn giúp tăng cường công tác chống buôn lậu, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, trị giá hàng hóa lớn, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; kiểm tra kiểm soát hoạt động tạm nhập-tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, đầu tư gia công, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Về phía Cục thuế Hà Nội, cơ quan này cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về thương mại điện tử. Xây dựng quy trình phân tích rủi ro từ dữ liệu quản lý thuế trên Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử, sau đó tiến hành đối chiếu dữ liệu kê khai thuế, để lựa chọn kế hoạch kiểm tra đột xuất theo chuyên đề thương mại điện tử.

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, góp phần ổn định thị trường thành phố, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường quản lý, đấu tranh với những mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, an toàn thực phẩm, thương mại điện tử, gian lận về thuế.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triển khai kế hoạch, phương án đấu tranh phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ.

 Liên ngành Công an, quản lý thị trường phối hợp kiểm tra hàng hóa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên ngành Công an, quản lý thị trường phối hợp kiểm tra hàng hóa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng với đó, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tăng cường tuyên truyền giúp người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nâng cao nhận thức, từ đó chủ động phối hợp cùng các lực lượng thực thi đẩy mạnh đấu tranh chống vấn nạn hàng giả, hàng lậu; công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, đẩy mạnh việc ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cam kết kinh doanh hàng hóa bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Về phía các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ gửi Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố để tổng hợp hoặc kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-tra-co-trong-tam-tang-cuong-chong-hang-lau-tai-nhung-dia-ban-trong-diem-post970066.vnp