Thanh tra công tác phòng chống dịch: Cần xem xét bối cảnh thực tế
Ngày 3/3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP HCM về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch; thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM thông tin, trong năm 2020-2022, tổng nguồn lực huy động cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 toàn thành phố là 29.010,6 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách Trung ương là 2.000 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố là 21.102,6 tỷ đồng.
Trong thời điểm dịch COVID-19 xảy ra tại TP HCM, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và thực hiện tiết kiệm, hiệu quả trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế.
Tuy nhiên, việc mua sắm còn gặp những khó khăn nhất định, trong đó việc lập dự toán kinh phí cho phòng chống dịch chưa sát với thực tế do các kịch bản phòng chống dịch phải thay đổi thường xuyên theo diễn biến của tình hình dịch. Bên cạnh đó, hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh... gây khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế.
Mặt khác, việc lấy báo giá của các nhà cung cấp do giãn cách xã hội, có nhiều mặt hàng, dịch vụ chỉ có một đến hai nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể có đủ 3 báo giá theo quy định. Việc tìm công ty thẩm định giá rất khó khăn, các đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối, không nhận thực hiện dịch vụ.
Giá cả của các thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 biến động rất nhanh nên khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm thì giá cả đã giảm xuống, các báo giá, thẩm định giá không còn phù hợp cho việc thực hiện quy trình mua sắm tiếp theo. Công tác nhập khẩu và các điều kiện thương mại do diễn biến của dịch bệnh nên ảnh hưởng đến giá hàng hóa, tiến độ mua sắm dẫn đến việc khan hiếm hàng hóa trên thị trường, có đơn vị đã tổ chức đấu thầu nhưng không có nhà thầu nào tham gia thầu…
Đặc biệt, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhiều đơn vị tích cực trong phòng, chống dịch đã phải thực hiện kiểm điểm, thậm chí là làm việc với cơ quan điều tra. “Việc này làm cho nhân viên y tế giảm niềm tin, nhiệt huyết, động lực và sẽ rất khó để huy động tham gia phòng, chống dịch trong tương lai (nếu có) hoặc dè dặt khi mua sắm phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh hiện nay”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nêu thực tế.
Trước những khó khăn đã nêu, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM kiến nghị cần hoàn thiện chính sách pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế nhầm mua được hàng chất lượng với giá cả hợp lý thay cho mục tiêu là hàng hóa giá rẻ. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần có quy định, hướng dẫn cụ thể trong trường hợp phòng, chống dịch.
Khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch, cơ quan chức năng cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Kỳ họp thứ Nhất - Quốc hội khóa 15, quyết định 8 nhóm giải pháp cấp bách để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Khi đánh giá, xem xét xử lý cán bộ, công nhân, viên chức người lao động cũng dựa vào Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.
Về khó khăn, tồn tại thứ hai liên quan đến thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng phòng chống dịch, tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Sở đã triển khai thực hiện các văn bản chế độ hỗ trợ cho người tham gia phòng chống dịch của Trung ương và thành phố. Tuy nhiên, thực tế việc chi trả có phần chậm trễ và chưa thống nhất. Nguyên nhân là khối lượng công việc rất nhiều, một số văn bản quy định phòng chống dịch chưa rõ ràng, đầy đủ, kịp thời phù hợp với thực tế. Điều này khiến các đơn vị gặp khó khăn, lúng túng, mất nhiều thời gian thực hiện.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, trên thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong đó có vô vàn tình huống phát sinh khó khăn không thể lường hết, đặc biệt ở các địa phương là “tâm dịch”.
Trong bối cảnh đó, các lực lượng tuyến đầu đã luôn cố gắng xử lý tình huống, làm hết sức mình để làm sao đảm bảo an toàn sinh mạng, tính mạng của người dân là trước hết, trên hết. Mặc dù vậy, khi cơ quan thanh tra tổ chức thanh tra lại không xem xét đến các yếu tố khẩn cấp, cấp bách và hoàn cảnh thực tế mà lại chiếu theo các quy định hiện hành, trong điều kiện bình thường, đưa ra các kết luận sai phạm gây tâm lý hoang mang đến nhân viên y tế.
“Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ có sự tổng hợp ý kiến để cơ quan chức năng xem xét bởi TP HCM là một thành phố năng động, là địa phương đi đầu với những sáng kiến, đề án thí điểm tiên phong đã được ghi nhận bằng cách đưa vào văn bản quy phạm pháp luật cũng như áp dụng tại nhiều địa phương”, bà Nguyễn Thúy Anh thông tin và kỳ vọng những vướng mắc của TP HCM trong giai đoạn chống dịch COVID-19 sẽ được xử lý ổn thỏa trên tinh thần của Nghị quyết 30.
Cũng trong ngày 3/3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu ngành y tế tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vấn đề bất cập của TP trong phạm vi, thẩm quyền TP về các chính sách y tế. Trong đó, ông nhắc đến tình trạng thiếu vật tư y tế, máy móc tại một số bệnh viện hiện nay. Từ đó yêu cầu ngành y tế TP rà soát và có thông báo chính thức với người dân. “Phải cam kết với người dân TP, với người có nhu cầu điều trị bệnh tại TP.HCM về tình trạng y tế thật rõ ràng, không thể để tình trạng này khiến người dân hoang mang, lo lắng”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu rõ.