Thanh tra hành chính tăng cường pháp chế, ngăn ngừa vi phạm pháp luật

Trong năm qua, hoạt động thanh tra hành chính trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tăng cường pháp chế, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, trong đó có thanh tra hành chính, Thanh tra tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra sát với yêu cầu nhiệm vụ quản lý, tổ chức triển khai thực hiện linh hoạt giữa kế hoạch và nhiệm vụ đột xuất; từng bước chuyển hướng hoạt động chủ yếu là thanh tra vụ việc sang thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thanh tra hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, toàn ngành đổi mới tổ chức và phương pháp thanh tra, bảo đảm công khai, dân chủ, chính xác, khách quan nên các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra được các đối tượng thanh tra tiếp thu và nghiêm túc chấp hành. Đặc biệt, ngành làm tốt việc xử lý chồng chéo trong công tác thanh tra, đảm bảo tính hiệu quả không trùng lắp, thực hiện việc thanh, kiểm tra không quá 1 lần 1 năm đối với 1 đơn vị, kết hợp thanh tra liên ngành, nhiều nội dung trong một đợt thanh tra.

Trong năm 2019, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 120 cuộc thanh tra hành chính, trong đó có 8 cuộc thanh tra đột xuất tại 437 tổ chức, đơn vị và 89 hộ gia đình, cá nhân. Đã ban hành 114 kết luận thanh tra. Qua các cuộc thanh tra đã phát hiện 186 đơn vị, 48 hộ gia đình có sai phạm, xử phạt hơn 9.357 triệu đồng, quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.196 triệu đồng. Yêu cầu giảm trừ, loại khỏi giá trị khi nghiệm thu, thanh toán hơn 2.769 triệu đồng, yêu cầu thi công bổ sung với giá trị hơn 178 triệu đồng, yêu cầu thi công lại với giá trị hơn 583 triệu đồng. Yêu cầu giảm cấp phát hơn 114 triệu đồng, đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy thu thuế đất hơn 948 triệu đồng, xử lý khác hơn 568 triệu đồng. Qua thanh tra cũng đã kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 tổ chức 15 triệu đồng; kiến nghị chấm dứt hoạt động của 3 dự án, chấm dứt nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch xây dựng đối với 12 dự án; kiến nghị thu hồi 152.197 m2 đất của 3 dự án; kiến nghị thu hồi và cấp lại 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng vị trí, diện tích; yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của 156 tập thể, 354 cá nhân, xử lý kỷ luật 2 cá nhân.

Nội dung thanh tra chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý tài chính, điều hành và sử dụng ngân sách, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó là thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp trong việc quản lý Nhà nước, quản lý KT-XH. Theo Phó Chánh thanh tra tỉnh Phạm Tiến Dũng, với các nội dụng này, riêng Thanh tra tỉnh đã triển khai 124 cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch thanh tra năm 2019 và 2 cuộc thanh tra đột xuất, 1 cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Thanh tra các huyện, thành phố triển khai 69 cuộc thanh tra hành chính, trong đó có 5 cuộc thanh tra đột xuất. Thanh tra các sở, ban, ngành triển khai 35 cuộc thanh tra hành chính. Qua thanh tra đã giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện tốt từng khâu kế hoạch đầu tư, tiến độ giải ngân vốn nhanh, quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành kịp thời, khắc phục tình trạng thanh toán cao hơn thực tế thi công…

Đồng chí Nguyễn Văn Trường cho biết thêm: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra hành chính trên địa bàn tỉnh, năm nay và những năm tiếp theo, ngành Thanh tra tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều bức xúc của dư luận xã hội; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời chú trọng giám sát, thực hiện tốt kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.

P.L

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/137360/thanh-tra-hanh-chinh-tang-cuong-phap-che,-ngan-ngua-vi-pham-phap-luat.htm