Thành viên hội đồng quản trị theo luật mới
Luật các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực vào ngày 1-7-2024. So với Luật các tổ chức tín dụng 2010, ngoài những thay đổi liên quan đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, luật mới có sự điều chỉnh đối với thành viên hội đồng quản trị và hội đồng quản trị.
Tiêu chuẩn cao hơn với thành viên hội đồng quản trị
Điều 41, Luật các tổ chức tín dụng 2024 cho phép Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra yêu cầu các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) trong các tổ chức tín dụng (TCTD). Điều này phù hợp với thông lệ của quốc tế. Chẳng hạn như Hướng dẫn thực hành thận trọng (Prudential Practice Guide)(1) của Australian Prudential Regulation Authority (APRA) đối với người điều hành trong các tổ chức nhận tiền gửi (Authorised deposit-taking institutions) tập trung vào việc xây dựng tiêu chuẩn đạo đức thông qua bốn yếu tố chính: chính trực, công bằng, trung thực và độc lập. Ở Việt Nam, các quy tắc này hiện vẫn đang được chuẩn bị bởi NHNN, vì vậy các TCTD cần theo dõi thêm trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, luật mới bổ sung điều kiện “có ít nhất năm năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” là một trong các điều kiện để trở thành thành viên HĐQT(2). Như vậy, người có ít nhất năm năm là người điều hành của doanh nghiệp khác (ngoài lĩnh vực ngân hàng) sẽ không được tính là đủ điều kiện để trở thành thành viên HĐQT. Đây là điểm các TCTD cần lưu ý để đảm bảo tuân thủ khi lựa chọn các chức danh tương ứng cũng như tiến hành sửa đổi những nội dung có liên quan trong các văn bản nội bộ như điều lệ và quy chế hoạt động của mình.
Ngoài ra, luật mới cũng bổ sung các yêu cầu đối với thành viên độc lập của HĐQT. Cụ thể: (i) không được đại diện sở hữu cổ phần của TCTD đó, và (ii) không cùng người có liên quan sở hữu trực tiếp, gián tiếp từ 1% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên(3). Cả hai quy định trên đều thay đổi theo hướng siết chặt hơn trước nhằm đảm bảo tính độc lập, minh bạch của thành viên HĐQT độc lập trong việc điều hành TCTD.
Cụ thể, luật cũ chỉ hạn chế các trường hợp sở hữu trực tiếp, sở hữu gián tiếp hoặc đại diện sở hữu từ 1% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc chỉ hạn chế các trường hợp sở hữu cùng người có liên quan từ 5% trở lên(4). Lưu ý rằng luật mới cũng đã có sự điều chỉnh theo hướng mở rộng hơn đối với định nghĩa “người có liên quan”.
Chẳng hạn như làm rõ các trường hợp cha, mẹ, con, anh chị em là gồm cả cha mẹ nuôi, cha dượng, và mẹ kế(5). Việc điều chỉnh này sẽ có nhiều tác động lớn lên hoạt động của các TCTD khi mà nội dung về người có liên quan được đan xen trong rất nhiều quy định trong hoạt động ngân hàng. Ví dụ như trong hoạt động cấp tín dụng cần thu thập thông tin người có liên quan và kiểm soát giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng và người có liên quan.
Bổ sung các hạn chế với thành viên hội đồng quản trị
Ngoài việc đưa các tiêu chuẩn cao hơn trong việc bổ nhiệm thành viên HĐQT, luật mới cũng bổ sung các hạn chế đối với thành viên HĐQT trong việc đảm nhiệm chức vụ của mình. Theo đó, chủ tịch HĐQT không được đồng thời là thành viên ban kiểm soát của TCTD đó và của TCTD khác(6). Điều này có thể giúp hạn chế các mâu thuẫn lợi ích có thể xảy ra trên thực tế.
Ngoài ra, luật mới đã tách quy định không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với thành viên HĐQT thành hai nhóm chính: (i) người điều hành TCTD khác, người quản lý doanh nghiệp khác không được là thành viên HĐQT (trừ một số miễn trừ nhất định) đối với thành viên HĐQT không phải thành viên độc lập, và (ii) người quản lý trên hai doanh nghiệp khác giờ đây cũng sẽ không thể trở thành thành viên HĐQT độc lập(7). Những thay đổi này phù hợp với mục tiêu sửa đổi luật là nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành của TCTD.
Thu hẹp cơ chế ủy quyền
Có hai điểm chính về việc ủy quyền liên quan các thành viên HĐQT được điều chỉnh, bổ sung trong luật mới, bao gồm:
– Chủ tịch HĐQT chỉ được ủy quyền cho một thành viên khác của HĐQT thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ tịch HĐQT trong thời gian vắng mặt hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ(8). Việc đặt ra nhiều điều kiện hơn cho việc ủy quyền giúp thống nhất với các quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.
– Thành viên HĐQT không được ủy quyền cho người khác tham dự cuộc họp HĐQT để quyết định nội dung liên quan đến một số vấn đề như: (i) thông qua phương án góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của TCTD tại doanh nghiệp, TCTD khác mà giá trị góp vốn, giá mua dự kiến hoặc giá trị ghi sổ trong trường hợp bán cổ phần, phần vốn góp dưới 20% vốn điều lệ của TCTD ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại điều lệ, hoặc (ii) thông qua hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 10% vốn điều lệ trở lên của TCTD ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại điều lệ(9). Có thể thấy gần như toàn bộ các vấn đề quan trọng giờ đây sẽ không được ủy quyền để quyết định nữa mà cần trực tiếp thực hiện bởi thành viên HĐQT.
Nhìn chung, luật mới mang lại nhiều thay đổi quan trọng đối với HĐQT nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả quản lý, ra quyết định, đồng thời đảm bảo các TCTD hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính.
(1) https://www.apra.gov.au/industries/1/standards
(2) Điều 41.1 Luật CTCTD 2024
(3) Điều 41.2 Luật CTCTD 2024
(4) Điều 50.2 Luật CTCTD 2010
(5) Điều 4.24 Luật CTCTD 2024
(6) Điều 43.1 Luật CTCTD 2024
(7) Điều 43.2 Luật CTCTD 2024
(8) Điều 71.10 Luật CTCTD 2024
(9) Điều 72.5 Luật CTCTD 2024
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thanh-vien-hoi-dong-quan-tri-theo-luat-moi/