Tháo gỡ các điểm nghẽn, cải thiện giải ngân vốn đầu tư công

Từ mức rất thấp so với cùng kỳ, 3 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 10%. Sau 4 tháng, tỷ lệ này đã tăng gần gấp 4 lần, đạt mức gần 38%, tương đương với số tuyệt đối 260 nghìn tỷ đồng.

Con số gần 38% này không chỉ là 1 tỉ lệ cao so với những năm gần đây mà số giải ngân tuyệt đối hơn 260 nghìn tỷ đồng cũng là một trong trong những “kỷ lục” của giải ngân vốn đầu tư công cùng thời điểm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Nhìn vào biểu đồ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công này, có thể thấy, 7 tháng đầu 5 năm nay chúng ta đã giải ngân được tới hơn 30 nghìn tỷ so với năm ngoái - cũng là năm có số lượng giải ngân lớn nhất so với các năm trước đó.

TPHCM: CHUYỂN MÌNH NHƯNG CŨNG CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Những dấu hiệu của tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công có thể nhìn rõ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi 3 tháng đầu năm, tỷ lệ này của thành phố chỉ chưa đầy 1/5 mức bình quân chung của cả nước, tức là chỉ khoảng 2%, đến nay đã đạt 23%. Dù vẫn chưa bằng mức bình quân của cả nước, tuy nhiên, con số này cũng đã là tín hiệu tốt cho mục tiêu giải ngân của thành phố.

Dự án xây mới cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu nằm trên đường Lã Xuân Oai, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TPHCM được khởi công từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, tới nay, dự án vẫn chưa thực hiện xong.

Theo đó, nguyên nhân chính khiến dự án này kéo dài gần 4 năm nay là do chưa thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều dự án khác trên địa bàn TPHCM. Vốn nằm chờ dự án, dự án chờ mặt bằng.

Trước tình hình đó, cuối quý I, đầu quý II năm 2023, thành phố đã tập trung mạnh vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm như dự án vành đai 3, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa…

Với gần 75% vốn còn lại, tương đương khoảng hơn 50 nghìn tỷ đồng sẽ phải giải ngân từ nay đến cuối năm, thành phố Hồ Chí Minh xác định, giải phóng mặt bằng là công cụ chính, là chìa khóa để hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% nguồn vốn đầu tư công như đã đề ra.

HÀ NỘI: THÁO GỠ NÚT THẮT MẶT BẰNG

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 những ngày cuối tháng 8. Công trình đã hoàn thành chờ đi vào khai thác - đúng với tiến độ thành phố Hà Nội đề ra. Để có được kết quả ngày, một phần lớn nhờ công trình được xây dựng trên phần mặt bằng sạch.

Còn đối với công trình trọng điểm đường Vành đai 4 đi qua Thủ đô, xác định công tác giải phóng mặt bằng là điều kiện tiên quyết để thi công dự án đúng tiến độ, ngay tại thời điểm khởi công, công tác này đã đạt 80% . Sau hơn 1 tháng, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã nâng tỷ lệ giải phóng mặt bằng lên đến 90%.

Ước tính giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 7-2023 của TP Hà Nội là 17.002 tỉ đồng, đạt 36,2% kế hoạch. Kết quả này của TP Hà Nội cao hơn cùng kỳ năm trước và đang cao hơn mức trung bình của cả nước. Để tháo gỡ khâu yếu nhất về công tác giải phóng mặt bằng, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, thống kê toàn bộ các dự án trên địa bàn thành phố có vướng mắc trong công tác này để có giải pháp cụ thể.

NHIỀU THÁCH THỨC TỪ NGUYÊN VẬT LIỆU

Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ có bước chuyển mình tích cực ở những đơn vị có mức giải ngân thấp mà những đơn vị có nguồn vốn lớn vẫn duy trì tốc độ giải ngân khả quan. Hiện, việc giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải đang cao hơn bình quân chung cả nước và gấp hai lần giá trị so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ nay đễn cuối năm, mỗi tháng đơn vị này phải giải ngân khoảng 9.000 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần mức trung bình những tháng trước. Thách thức này không hề dễ dàng khi nhiều dự án đang thiếu nguyên vật liệu trầm trọng.

Mặt bằng đã có đến 98%, thế nhưng, vật liệu cát đắp chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang cũng nằm trong tình trạng máy móc, thiết bị, con người vừa làm vừa chờ.

Tương tự, tại Ban 2, Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này đã giải ngân được khoảng 52% kế hoạch của cả năm. Tuy nhiên, trong điều kiện khan hiếm nguyên vật liệu, việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm của Ban 2 vẫn còn nhiều thách thức.

Để giải ngân số vốn lớn kỷ lục, Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu trong tháng 10 tới.

Trước thách thức từ khan hiếm nguyên vật liệu này, Bộ GTVT cũng đã có những giải pháp cứng rắn hơn trong điều hành, phân rõ trách nhiệm từng chủ thể tham gia dự án nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân của Chính phủ giao.

Sự tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công vào cuối quý II và quý III là tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, một số bộ ngành, địa phương vẫn khó giải ngân hết số vốn được giao. Do đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục có Công điện 479 nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm. Trong đó, đặc biệt yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về việc giải ngân vốn đầu tư công.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguyễn Duyên -

Thế Anh -

Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thao-go-cac-diem-nghen-cai-thien-giai-ngan-von-dau-tu-cong-187552.htm