Tháo gỡ điểm nghẽn chính sách, hạ tầng cho vùng Đông Nam bộ
Ngày 11-2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị gặp gỡ xuân Quý Mão năm 2023. Đến dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo các bộ ngành, 6 tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) và doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
Nhiều điểm nghẽn
Các ý kiến của DN tập trung phân tích những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bất cập mà 7 tỉnh ĐNB gặp phải và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, để phát triển kinh tế vùng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, cho biết, ĐNB có 147 khu công nghiệp (KCN), chiếm 57% số KCN cả nước, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Long An. Khu vực này cũng là nơi tập trung các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành (đang xây dựng), cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, các cảng biển TPHCM, cảng Đồng Nai. Đây là khu vực trọng điểm xuất nhập khẩu khi có đến 13 cửa khẩu đường bộ, trong đó có 4 cửa khẩu quốc tế (Hoa Lư, Xa Mát, Mộc Bài, Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Hoàng Diệu, Lộc Thịnh và Phước Tân) và 6 cửa khẩu phụ (Tân Tiến, Kà Tum, Tống Lê Chân, Vạc Sa, Chàng Riệc và Tà Nông). Cùng với đó là khoảng 14.800 DN cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số DN logistics cả nước.
Các tỉnh vùng ĐNB đóng góp gần 32% GDP cả nước. Tính riêng năm 2022, tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài của vùng chiếm gần 40%, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 35,38% cả nước. Tỷ lệ đóng góp của khu vực trong thu ngân sách nhà nước đạt 37%. Trong đó, TPHCM đóng góp lớn nhất với 26,5% vào tổng thu ngân sách của cả nước.
Ở chiều ngược lại, vùng ĐNB đang gặp những điểm nghẽn về hạ tầng, cơ chế chính sách…, gây cản trở lớn đến tăng trưởng kinh tế của vùng. Trong đó, hạ tầng giao thông không theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, cả đường bộ, đường thủy và hàng không. Các dự án được quy hoạch mang tính kết nối liên vùng như đường cao tốc và đường vành đai đều chậm triển khai…
Các DN cũng cho biết, Cát Lái là cảng container lớn nhất ĐNB, nhưng con đường xuống cảng này luôn ùn tắc, nhất là giờ cao điểm. Các trung tâm logistics, ICD, trung tâm phân phối còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Việc giải quyết thủ tục về thuế và đất đai còn gây nhiều phiền hà với các DN…
Dư địa đầu tư rất lớn
Ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, năm 2023, Chính phủ, bộ ngành cơ quan chức năng liên quan tập trung áp dụng đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vùng. Trong đó, thúc đẩy liên kết vùng một cách toàn diện, với ưu tiên trước mắt là phát triển cơ sở hạ tầng; quan tâm hơn tới các kế hoạch hành động về phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường; tiếp tục các nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công và tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng quản trị công, nhất thiết phải theo dõi, đánh giá và có các hình thức thúc đẩy chất lượng thực thi ở cấp sở ngành và cấp quận huyện. Các địa phương cũng phải minh bạch trong cung cấp thông tin về hoạt động của chính quyền, kết hợp tăng cường tương tác, đối thoại với người dân và DN; thực hiện các chương trình khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong DN; có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng các mô hình “vườn ươm” DN.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trung ương đã giao TPHCM thực hiện 6 đề án lớn: Xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; xây dựng cơ chế và hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM - kênh dẫn vốn quan trọng cho toàn vùng, khu vực và quốc tế; xây dựng TPHCM trở thành trung tâm kết nối sàn giao dịch công nghệ, từ đó kết nối với trung tâm đổi mới sáng tạo; xây dựng cảng trung chuyển container tại Cần Giờ; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo vành đai 3 và 4, kết hợp xây dựng các tuyến cao tốc giữa TPHCM với Mộc Bài (Tây Ninh), Chơn Thành, Long Thành (mở rộng), và Trung Lương Mỹ Thuận (mở rộng); và phát triển chuỗi công nghiệp, đô thị Mộc Bài - TPHCM - Cái Mép. Ngoài ra, còn nhiều dự án khác TPHCM đang đốc thúc triển khai. Đây được xem là dư địa đầu tư rất lớn đối với DN trong nước.
Không chỉ vậy, năm 2023, TPHCM đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,5 - 8%. Để thực hiện được các mục tiêu trên, rất nhiều chính sách đột phá được trung ương và các bộ ngành chức năng xem xét tháo gỡ. Lãnh đạo TPHCM cam kết sẽ sát cánh cùng DN để đề xuất ban hành các chính sách đột phá phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN trong quá trình đầu tư. Ở chiều ngược lại, TP cầu thị và kêu gọi cộng đồng doanh nhân chung tay đầu tư, thực hiện hiệu quả các mục tiêu và đề án trên. TPHCM cũng mong muốn chọn lọc một số DN tiêu biểu để hỗ trợ nâng chất quy mô phát triển. Do đó rất cần các doanh nghiệp tham gia góp ý về giải pháp, cơ chế chính sách để thực hiện vấn đề này.