Tháo gỡ 'điểm nghẽn' để thực hiện hiệu quả Đề án 06
Sáng 18-1, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai Đề án và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long-Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) tỉnh Gia Lai; Trung tá Ksor H’Bơ Khắp-Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Hoàn thành 47/102 nhiệm vụ đề ra
Thực hiện Đề án 06, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Trong 2 năm 2022 và 2023, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 do địa phương chủ trì cơ bản đạt được. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 47/102 nhiệm vụ đề ra, 36 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và hiện đang triển khai 19 nhiệm vụ.
Nhận thức và hành động của các cấp, ngành và người dân về chuyển đổi số nói chung, Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử được cung cấp giúp người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn (38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 36 dịch vụ công toàn trình).
Cùng với đó, các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao quản trị xã hội như: giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội…
Đối với các cơ quan Nhà nước, Đề án 06 đã thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh dần được hình thành, hoàn thiện, thường xuyên được cập nhật, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ kết nối, chia sẻ phục vụ chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt; việc bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được quan tâm.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã dành thời gian thảo luận về những “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06; phân tích, giải trình làm rõ một số nội dung thực hiện chậm hoặc không hoàn thành, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số và cải cách hành chính của tỉnh; đồng thời, cam kết các giải pháp, thời gian hoàn thành trong năm 2024.
Khắc phục khó khăn để thực hiện hiệu quả Đề án 06
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án 06 thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo Đề án 06 các cấp cùng các hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế ngay trong những ngày đầu năm để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”.
Theo đó, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan cụ thể hóa các nhiệm vụ, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trong năm 2024. Căn cứ tình hình, xây dựng Chỉ thị của UBND tỉnh chỉ đạo các nhiệm vụ chậm tiến độ; trong đó, tập trung đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng lộ trình tháo gỡ các “điểm nghẽn” mang tính tập trung, xuyên suốt, quyết định sự thành công của Đề án trong năm 2024.
Các sở, ngành có liên quan theo dõi tiến độ xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được thực thi theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, của Tổ Công tác rà soát văn bản pháp luật của Chính phủ để tham mưu UBND tỉnh triển khai. Các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Về dịch vụ công, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 1166/KH-UBND ngày 19-5-2023 của UBND tỉnh về Hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Gia Lai; khắc phục các chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3489/UBND-NC ngày 12-12-2023.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai Chiến dịch cao điểm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Chiến dịch này thực hiện đến tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh; tập trung cải thiện chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2024 và triển khai ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; chú trọng phát triển tiện ích trên ứng dụng VNeID; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cập nhật, làm sạch các dữ liệu theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh tiến độ số hóa các dữ liệu trong các lĩnh vực hộ tịch, đất đai, người lao động…
Sở Thông tin và Truyền thông trong quý I-2024 phải hoàn thành việc xây dựng, vận hành Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu lưu trữ kết quả số hóa giải quyết thủ tục hành chính điện tử của tỉnh; hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh… Song song với đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh phương án xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh; đảm bảo trong năm 2025, Gia Lai hoàn thành việc xây dựng IOC, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của tỉnh.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, đề xuất bố trí kinh phí triển khai Đề án 06 năm 2024 theo lộ trình.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ sự tin tưởng trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa, hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao tại Đề án 06; góp phần xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và hướng tới hoàn thành các nhiệm vụ Đề án 06 đến năm 2025.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tặng bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện cao điểm “50 ngày, đêm” tuyên truyền cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh (từ ngày 1-9-2023 đến hết ngày 20-10-2023). Giám đốc Công an tỉnh cũng tặng giấy khen cho 14 tập thể và 27 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện cao điểm “50 ngày, đêm” tuyên truyền cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử năm 2023.